Thời điểm thực hiện từ ngày 1-1-2015. Nguồn tăng lương được xác định cần khoảng 11.000 tỉ đồng.
Mặc dù so với chương trình cải cách tiền lương dự kiến, đây chưa phải là phương án thực hiện theo kế hoạch, nhưng trong điều kiện ngân sách khó khăn, việc tăng lương này cũng đã phần nào động viên một bộ phận cán bộ công chức, lực lượng vũ trang và người hưu trí.
Tuy nhiên, cũng có những băn khoăn rằng cần có sự điều chỉnh hợp lý hơn, không nên tăng đồng loạt 8% như thế, nhất là đối với người hưởng lương hưu.
Thực tế cho thấy có nhiều người đang hưởng mức lương hưu khá cao, đặc biệt là những người nghỉ hưu trong giai đoạn từ những năm 2006 trở lại đây, nhất là khối lực lượng vũ trang.
Sau nhiều lần điều chỉnh lương tối thiểu, điều chỉnh tăng lương hưu, mức lương hưu của nhiều người hiện có thể tới 10-15 triệu đồng/tháng, thậm chí có người hưởng lương hưu tới 65 triệu đồng/tháng như trường hợp một giám đốc về hưu ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được dư luận đề cập gần đây.
Mục đích của chính sách hưu trí là đảm bảo cho người lao động sau khi hết tuổi lao động, hết khả năng lao động có được khoản tiền đảm bảo cuộc sống trung bình cho bản thân, bù đắp một phần chính sách xã hội cho người cao tuổi.
Khoản lương hưu này phải phù hợp với mức thu nhập trung bình của xã hội, nên không thể tồn tại tình trạng lương hưu có sự chênh lệch quá lớn giữa mức thấp nhất và mức cao nhất.
Việc tăng lương hưu đồng loạt 8% sẽ làm những người có lương hưu cao được nhận số tiền tăng hằng tháng nhiều hơn so với người có mức lương hưu thấp.
Khoản chênh lệch lương hưu sẽ càng tăng. Hơn nữa, thực tế cũng cho thấy những người hưởng lương hưu thấp là do trước đây đóng bảo hiểm xã hội thấp và thường là có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, còn những người hưởng lương hưu cao trước đây thường có thu nhập trung bình và cao, đời sống kinh tế cũng không mấy khó khăn.
Do đó, cần điều chỉnh mức tăng lương hưu cho hợp lý. Có thể chọn phương án xác định mức tăng tịnh tiến đối với từng nhóm người hưởng lương hưu.
Chẳng hạn với những người hưởng lương hưu dưới 4 triệu đồng/tháng xác định mức tăng khoảng 8%, từ 4-6 triệu đồng tăng khoảng 3-5%, còn những người hiện hưởng lương hưu trên 6 triệu đồng không nên tăng lương, do thu nhập này đã đảm bảo mức sống trung bình với một người cao tuổi.
Cách tăng lương hưu, trợ cấp theo phương pháp tịnh tiến tùy theo nhóm thu nhập, hệ số lương hiện hưởng cũng nên áp dụng cho các lần tăng lương hưu, trợ cấp nói chung sau này mỗi khi tăng lương tối thiểu, nhằm đảm bảo sự bình đẳng và giải quyết được mục tiêu chính là hỗ trợ những đối tượng thuộc diện hưởng lương thấp, đang có hoàn cảnh khó khăn.
Hơn 2.000 người có lương hưu trên 10 triệu đồng/ tháng Ông Đỗ Văn Sinh, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, cho rằng đề xuất không nên tăng lương hưu đồng loạt cho người hưởng lương hưu cũng nên được xem xét dù số người có mức lương trên 10 triệu đồng/tháng không nhiều. Ông Sinh cho biết tổng số người hưởng lương hưu và trợ cấp là khoảng 2,6 triệu người. Trong đó, trên 1,4 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp từ nguồn ngân sách với tổng số tiền chi hằng tháng 3.484 tỉ đồng. Số người có mức lương hưu trên 10 triệu đồng/tháng là 2.111 người với số tiền chi hằng tháng 22,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, một đại diện Bộ Tài chính cho rằng đối với chính sách về lương, rất khó có thể đạt được công bằng cho mọi đối tượng và số người có lương hưu cao trên 10 triệu đồng/tháng không nhiều. “Ngân sách eo hẹp, co kéo mãi mới có thể có nguồn để tăng lương và trợ cấp cho ba đối tượng. Và mức tăng lương và trợ cấp năm sau là 8% được dựa trên mức lạm phát của năm 2014 và 2015 ước khoảng 8%” - một lãnh đạo Vụ Quản lý ngân sách (Bộ Tài chính) cho hay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận