31/05/2017 09:30 GMT+7

​Băn khoăn việc gạt nợ DNNN ra khỏi nợ công

ĐỨC BÌNH - VIỄN SỰ
ĐỨC BÌNH - VIỄN SỰ

TTO - “Chúng ta cứ nói doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tự vay tự trả nên không tính vào nợ công, nhưng làm sao không tính vào được khi tài sản của DNNN là tài sản của Nhà nước?”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng nên thống nhất một đầu mối quản lý nợ công - Ảnh: Việt Dũng
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng nên thống nhất một đầu mối quản lý nợ công - Ảnh: Việt Dũng

“Tồn tại lớn nhất trong quản lý nhà nước về nợ công là 3 cơ quan cùng tham gia: một người đi đàm phán vay, một người về phân bổ số vay nợ và một người đi trả nợ. Không quốc gia nào giống chúng ta

Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN THỊ KIM NGÂN - Nguồn: VTV

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đặt câu hỏi này tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) chiều 30-5.

Ông Nghĩa cho rằng việc dự án luật gạt toàn bộ số nợ của DNNN ra khỏi nợ công là không ổn, bởi nếu tính luôn số nợ của DNNN vào nợ công thì nợ công sẽ gấp nhiều lần số nợ công hiện nay.

Tính luôn nợ DNNN, nợ công lên đến 210% GDP!

Ông Nghĩa phân tích: “Hiện nay có chủ trương là nếu nợ của DNNN mà không do Nhà nước bảo lãnh, không phải do Nhà nước cho vay lại thì không đưa vào nợ công.

Nhưng các DNNN đều do Nhà nước quyết hết về nhân sự, phải chấp hành lo kinh phí cho hệ thống chính trị trong doanh nghiệp. Cho nên toàn bộ hiệu quả trong DNNN là Nhà nước chịu”.

Theo ông Nghĩa, đã nói DNNN là có vai trò tác động nhất định trong địa phương, trong ngành, trong nền kinh tế nên nếu nói Nhà nước không chịu trách nhiệm gì cả là không ổn.

“Doanh nghiệp đó vay nợ, phá sản thì Nhà nước có đứng yên được không? Đừng nói DNNN, ngay doanh nghiệp tư nhân có 500-700 công nhân phá sản thì Nhà nước cũng không thể ngồi yên, không thể không làm gì cả. Huống chi là DNNN phá sản, rồi đất đai bị phát mãi, công nhân, một bộ phận cán bộ là trong biên chế” - luật sư Nghĩa đặt vấn đề.

Ông Nghĩa dẫn ra số nợ của DNNN năm 2016 là 324 tỉ USD, bằng 158% GDP, nếu coi đây là nợ công thì tổng nợ công sẽ lên đến 431 tỉ USD, bằng 210% GDP. Ông cho rằng ở nhiều nước, nợ DNNN thì nhà nước vẫn phải chịu.

“Việc trong dự luật này gạt hẳn nợ DNNN ra khỏi nợ công, theo nghĩa doanh nghiệp tự vay tự trả là cách xử lý quá đơn giản, phải có một cách xử lý khác” - ông Nghĩa kiến nghị.

Vinashin là bài học nhãn tiền

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nói hiện nay có nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng nợ của DNNN nhất định phải đưa vào điều chỉnh trong phạm vi của nợ công.

Vị ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội phân tích nếu như quy định khoản nợ của DNNN thuộc phạm vi điều chỉnh của luật thì đồng nghĩa với việc khẳng định trách nhiệm pháp lý của DNNN đối với khoản nợ đó, đồng thời cũng khẳng định việc Nhà nước phải đứng ra trả nợ trong trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ.

 “Điều này sẽ tạo hệ quả pháp lý bất lợi dẫn đến nguy cơ phát sinh tiềm ẩn nghĩa vụ trả nợ của Nhà nước trong trường hợp doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Đó là điều vô cùng nguy hiểm. Thực tế đã có trường hợp chúng ta đã phải trả nợ thay như vụ của Vinashin!” - đại biểu Mai nói và nhấn mạnh “chúng ta phải hết sức thận trọng khi xem xét vấn đề này”.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu bất cập khác là theo quy định pháp luật của doanh nghiệp hiện hành, doanh nghiệp có quyền tự vay, tự trả, đó là quyền cũng như trách nhiệm của DNNN như mọi loại hình doanh nghiệp khác.

Trong trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ sẽ ảnh hưởng đến chỉ số tín nhiệm của Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế.

Nên có đầu mối quản lý nợ công

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng nên thống nhất một đầu mối quản lý nợ công, không nên phân tán ra nhiều bộ.

Theo ông Cường, hiện có ba cơ quan (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư, Ngân hàng Nhà nước) quản lý ba mảng rất đúng chức năng và cũng chuyên sâu, kết quả vay rất tốt, huy động được nhiều vốn.

Tuy nhiên hiện phải quản lý chặt, nhất là trách nhiệm trả nợ thì cần một đầu mối quản lý để tính đến việc trả nợ.

“Dự thảo mới này quy định rất rõ trách nhiệm, và tôi đồng tình với việc để một cơ quan quản lý làm đầu mối, chịu trách nhiệm đến cùng việc trả nợ, và chính cơ quan này quyết định việc đi vay” - ông Cường nói.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng nêu quan điểm đồng tình với việc “phải bảo đảm tập trung thống nhất một đầu mối về nợ công, sớm khắc phục tình trạng quản lý đầu tư công, nợ công chồng chéo”.

Theo bà Mai, với cơ chế như hiện nay, thực tế phát sinh rất nhiều bất cập trong công tác quản lý, phối hợp cũng như trách nhiệm.

Hiện nay Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội là cơ quan thẩm tra dự toán ngân sách hằng năm cũng như để quản lý nợ công.

Hằng năm, khi xem xét báo cáo của Chính phủ cũng rất băn khoăn. Đó là cùng một vấn đề lại có 2 báo cáo, một là của Bộ Kế hoạch - đầu tư, thứ hai là của Bộ Tài chính.

Có những lần xem xét về dự toán, liên quan đến đầu tư, Ủy ban Tài chính - ngân sách cũng nêu những vấn đề chưa làm rõ thì Bộ Tài chính lại nói là không biết và phải hỏi Bộ Kế hoạch - đầu tư.

Bà Mai cho rằng nếu tiếp tục duy trì thực trạng như hiện nay thì trách nhiệm không được đề cao, số liệu tổng hợp chưa được thống nhất, quy trình phối hợp và đặc biệt là hiệu quả nguồn lực thì hạn chế.

Kiểm soát chặt nợ của DNNN

Tại hội thảo Đổi mới DNNN và phát triển kinh tế tư nhân do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức ngày 30-5, nhiều chuyên gia khuyến nghị cần phải kiểm soát chặt chẽ nợ của các DNNN gắn với đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, một số tập đoàn, tổng công ty và DNNN đã lạm dụng huy động vốn kiểu “tự vay tự trả”, vượt quá mức khống chế theo quy định đã dẫn tới mất khả năng thanh toán, ảnh hưởng đến an toàn tài chính của doanh nghiệp và ngân sách nhà nước phải trả nợ thay hoặc gánh lỗ.

“Để thực hiện chương trình quản lý nợ trung hạn giai đoạn 2016 - 2018 đã được Chính phủ phê duyệt, việc kiểm soát chặt chẽ nợ của DNNN là vấn đề cấp bách” - TS Phong khuyến nghị.

Ông Phan Đức Hiếu, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng cần đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn của DNNN một cách công khai, minh bạch theo nguyên tắc thị trường, gắn với phát triển thị trường vốn, chứng khoán.

“Phải thay đổi căn bản cơ chế quản lý của chủ sở hữu nhà nước, loại bỏ những ưu đãi cho DNNN, xác định lại vai trò của DNNN trong thể chế kinh tế thị trường nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân, đảm bảo cơ cấu hợp lý DNNN trong nền kinh tế” - ông Hiếu khuyến nghị.

N.AN

ĐỨC BÌNH - VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp