04/03/2013 07:14 GMT+7

Băn khoăn về phèn nhôm, bột talc

LAN ANH
LAN ANH

TT - Ngày 3-3, thông tin từ Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia cho hay đã hoàn tất kiểm tra mười mẫu hạt hướng dương đầu tiên. Kết quả kiểm tra cho thấy một số mẫu có chứa nhôm nhưng ở hàm lượng chấp nhận được.

Tuy nhiên không chỉ có hạt hướng dương, danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng có hiệu lực thực hiện từ 1-2-2013 còn cho phép dùng phèn nhôm và bột talc trong nhiều loại thực phẩm, kể cả rau đóng hộp, sữa bột, pho mát... Liệu các chất này có hại cho sức khỏe không?

Có trong nhiều loại thực phẩm

Ông Trần Quang Trung, cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, dẫn thông tin từ báo chí Trung Quốc cho rằng phèn nhôm có thể giữ cho hạt hướng dương giòn và thơm ngon hơn, nhưng đặc tính của nó là khó đào thải khi vào cơ thể, gây tổn hại cho não, tế bào thần kinh, khiến trí nhớ suy giảm. Còn bột talc (sử dụng nhiều trong công nghiệp để chống dính khuôn) giúp hạt hướng dương nhẵn bóng nhưng lại chứa chất gây ung thư.

Tuy nhiên, đối chiếu với danh mục phụ gia thực phẩm ban hành cuối năm 2012, có hiệu lực từ ngày 1-2-2013 thì Bộ Y tế đã cho phép sử dụng loại phèn nhôm kép, trong đó nhôm kali được dùng trong rau đóng hộp, đóng chai, đóng túi, bao gồm đậu đỗ, nấm, lô hội, cây có củ, có rễ... Cũng theo quy định này, bột talc (loại sử dụng trong thực phẩm) được dùng trong chế biến các loại sữa bột, cream bột, pho mát ủ chín.

Trao đổi về vấn đề này, bà Phan Thị Sửu - chuyên gia về tiêu chuẩn thực phẩm ở Hội Khoa học kỹ thuật về an toàn thực phẩm - băn khoăn cho rằng bột talc và phèn nhôm được sử dụng trong các sản phẩm kể trên nhưng lại không được sử dụng chế biến hạt hướng dương là chưa ổn vì dùng hạt hướng dương có thể bỏ vỏ, giảm tác hại của hóa chất, trong khi sữa, cream, rau lại là sản phẩm dùng liền.

Ông Lâm Quốc Hùng, trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm), thì nói đã gọi là quy định thì chỉ những sản phẩm được phép mới được sử dụng. Mỗi hóa chất sử dụng trong từng loại thực phẩm đều được nghiên cứu công phu, cho vào thực phẩm này là an toàn nhưng thực phẩm khác lại không an toàn. “Trứng và nước trà là hai thực phẩm thông thường, nhưng ăn trứng rồi uống nước trà lại dẫn đến một kết quả là chậm tiêu” - ông Hùng cho hay.

Rất khó kiểm nghiệm

Theo ông Trần Quang Trung, bột talc và phèn nhôm được phép sử dụng chế biến thực phẩm theo danh mục, nhưng bắt buộc phải là loại sử dụng trong thực phẩm, đảm bảo về độ tinh khiết. Còn sử dụng loại dùng trong công nghiệp, độ tinh khiết không đạt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho hay rất khó kiểm nghiệm để phân biệt được đâu là phèn nhôm, bột talc công nghiệp hay nhôm, bột talc dùng cho thực phẩm, nhất là khi phụ gia này ở hàm lượng thấp, có khi chỉ ở dạng vết.

Theo ông Hùng, bột talc công nghiệp dùng nhiều trong sản xuất găng tay cao su để chống dính khuôn, nhưng trước khi sử dụng găng tay phẫu thuật phải dùng cồn rửa hết bột talc, do đặc tính của chất này là có khả năng tạo dị vật ở vết thương. Trong khi đó nhôm khó hấp thu, nhưng khi hấp thu lại khó đào thải, ảnh hưởng sự trao đổi ion của tế bào.

Theo ông Trần Quang Trung, ngoại trừ nguy cơ sử dụng phụ gia độc hại, hạt hướng dương (và các loại thực phẩm dạng hạt khác) còn có nguy cơ gây ung thư nếu bảo quản không tốt, bị mốc, hoặc sản phẩm còn tồn dư thuốc trừ sâu, chất bảo quản trong quá trình chế biến. Ông Trung cho biết đã đưa mặt hàng này vào danh sách kiểm tra thường quy để mở rộng kiểm tra tới đây.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp