Bảo vệ đồ án tốt nghiệp ĐH chuyên ngành thiết kế thời trang năm 2013 tại Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật trung ương. Từ năm 2013, Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật trung ương đã được phép tuyển sinh - Ảnh: T.Hà |
* PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa (phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM):
Không nên phân biệt
Với phương án tuyển sinh mới, những trường chưa có điều kiện xây dựng phương án tuyển sinh riêng có thể thỏa thuận với trường có phương án tuyển sinh riêng đã được bộ duyệt. Như thế vừa tận dụng được nguồn lực của trường bạn vừa giảm chi phí. Phương án tuyển sinh riêng do ĐHQG TP.HCM xây dựng cũng trên nguyên tắc này. Khi hoàn thành, ĐHQG TP.HCM sẽ giới thiệu để trường nào muốn sử dụng kết quả của kỳ thi này thì sử dụng bên cạnh các tiêu chí tuyển sinh riêng của họ.
Tuy nhiên, không nên phân biệt thí sinh thi riêng và thi “ba chung”. Về nguyên tắc, các trường được tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tuyển sinh thì hà cớ gì lại giới hạn không cho họ xét tuyển thí sinh thi “ba chung”? Nếu thí sinh thi “ba chung” đáp ứng được yêu cầu của trường thi riêng và thí sinh có nguyện vọng xét tuyển, tại sao lại không cho họ xét? Điều này sẽ gây khó khăn cho các trường thi riêng. Ngay cả việc không cho xét tuyển vào trường thi “ba chung” cũng khiến thí sinh muốn thi vào các trường tổ chức thi riêng ái ngại.
* TS Nguyễn Văn Phúc (hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế miền Đông):
Nhóm trường tuyển sinh riêng: không nên
Kỳ thi “ba chung” mặc dù còn một số bất cập nhưng đó là kỳ thi nghiêm túc, kết quả đáng tin cậy. Thế thì tại sao lại không cho phép các trường tuyển sinh riêng xét tuyển thí sinh có kết quả đáng tin cậy từ kỳ thi này? Hiện nay bộ vẫn tổ chức kỳ thi “ba chung” để tuyển thí sinh vào ĐH thì tại sao lại không cho phép các trường thi riêng sử dụng kết quả đó?
Riêng vấn đề thỏa thuận để hình thành nhóm trường tuyển sinh riêng, tôi cho rằng không nên. Khi các trường thỏa thuận, đề thi ra dễ dàng, xét tuyển chung... sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Ai là người đứng ra làm trọng tài cho việc này. Mặc dù bộ có thanh tra nhưng khi đến thanh tra thì sự việc đã rồi.
* GS-TS Nguyễn Thanh Tuyền (hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM):
Khó cho trường tuyển sinh riêng
Khi đã giao cho các trường tự chủ tuyển sinh thì hãy để họ chọn cách tuyển sinh nào mà họ thấy phù hợp. Mặc dù tổ chức thi riêng nhưng vẫn có thể sử dụng kết quả từ kỳ thi “ba chung” để xét tuyển. Nếu cho rằng chuẩn của hai kỳ thi này không giống nhau mà không cho xét thí sinh từ kỳ thi “ba chung” thì rất khó cho các trường. Khi giao cho các trường tự chủ, bộ phải tin các trường.
Về vấn đề hình thành nhóm tuyển sinh riêng, tôi cho đây là giải pháp tốt. Cái gì có lợi cho xã hội thì mình cứ làm. Trường nào chưa đủ lực, chưa có điều kiện xây dựng đề án có thể thỏa thuận với trường có đề án được duyệt để tuyển sinh.
* PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương (phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội):
Cần đầu tư cẩn thận cho đề thi
Thiên hướng để các trường cùng khối ngành chung phương án tuyển sinh, để thí sinh dùng được các kết quả thi tuyển tham gia xét tuyển nhiều trường là một lựa chọn phù hợp. Dù thi riêng nhưng thí sinh có nhiều cơ hội để xét tuyển sang các trường khác nhau. Mặt khác, các trường không bị nặng nề khi tổ chức thi tuyển, nhất là khi năng lực hiện có của một số trường chưa đáp ứng được việc tự tổ chức độc lập một kỳ thi riêng.
Tuy nhiên, việc ra đề thi với những nhóm trường có cùng nhóm ngành đào tạo cần được đầu tư cẩn thận. Bởi lẽ nếu một trường mạnh “cầm trịch”, tổ chức ra đề thi mà quá khó thì rất khó cho các trường yếu thế hơn khi xác định điểm chuẩn. Còn nếu đề ra dễ quá để thuận lợi cho các trường chưa mạnh thì lại khó cho các trường lớn trong tuyển chọn thí sinh xứng đáng.
* PGS.TS Lê Hữu Lập (phó giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông):
Công bố trước năng lực cần có
Năm 2014, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông chưa tổ chức kỳ thi riêng. Song có thể trong năm 2014, học viện sẽ công bố cho thí sinh bước vào lớp 10 chuẩn bị thi tuyển sinh ĐH năm 2017 biết những năng lực cần có để trở thành sinh viên của trường để các em chuẩn bị.
Với khối ngành kỹ thuật, hay cụ thể công nghệ thông tin, thì môn học sẽ khuyến khích các em chuẩn bị tốt là toán, ngoại ngữ, tin học. Các em học giỏi những môn học này ở phổ thông sẽ được ưu tiên khi xét vào ĐH. Khi đó việc thi tuyển ĐH còn lại rất nhẹ nhàng, có thể chỉ tập trung vào kiểm tra năng lực, không hướng vào kiến thức như kiểm tra kỹ năng sử dụng một số chương trình ứng dụng, sử dụng hệ điều hành...
* PGS.TS Bùi Ngọc Sơn (phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương): Từ siết chặt sang buông lỏng Việc đổi mới thi riêng được đặt ra trong điều kiện hiện nay khiến tôi e ngại về tình trạng luyện thi tràn lan, tiêu cực trong thi cử. Tại sao không phải là mở rộng số kỳ thi ĐH trong năm? Chẳng hạn mỗi năm sẽ có hai kỳ thi ĐH và mỗi kỳ vẫn có 2-3 đợt, cách nhau 5-7 ngày/đợt. Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT với lợi thế và chức năng của mình sẽ là nơi cung cấp đề thi cho các trường. Trong cùng đợt thi, các trường cùng thi khối A sẽ thi chung đề khối A, khối B, C ... cũng như vậy. Bộ nói các trường phải tổ chức thi riêng và việc ra đề phải do các trường tự làm (dù có thể sử dụng đề của nhau khi trường này đăng ký theo đề án của trường khác đã được duyệt) là đang đi từ thái cực này sang thái cực khác, từ siết chặt sang buông hết, mà thái cực chuyển đến ẩn chứa những tiêu cực tất yếu về sự không minh bạch, luyện thi, mua bán đề thi... |
Thái Lan kêu gọi các trường đại học ngừng tuyển sinh riêng Ủy ban Giáo dục cấp cao Thái Lan (OHEC) mới đây đã kêu gọi các trường đại học ngừng tự tổ chức thi tuyển đầu vào kể từ năm học 2015. Theo báo The Nation, phó tổng thư ký OHEC Varaporn Seehanath tuyên bố OHEC hi vọng nhận được sự hợp tác của tất cả trường đại học tại Thái Lan. Bộ trưởng giáo dục Chaturon Chaisang cũng cho biết ngành giáo dục và các trường học xác định hệ thống thi tuyển sinh đại học hiện tại của Thái Lan có rất nhiều vấn đề. Theo cơ cấu hiện tại, phần lớn trường đại học ở Thái Lan tự tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng. “Hậu quả là học sinh phải trải qua rất nhiều vòng thi và gánh chịu chi phí lớn để được học đại học” - Bộ trưởng Chaturon cho biết. Ông đánh giá hệ thống này đã dẫn tới sự bất bình đẳng trong cơ hội giáo dục giữa người giàu và người nghèo. “Đó là lý do đợt cải cách giáo dục trước đây đã không thành công” - ông Chaturon nhấn mạnh. Bộ Giáo dục Thái Lan đã thành lập một ủy ban nghiên cứu các hình thức thi tuyển đại học khác. Bộ trưởng Chaturon cho biết ủy ban đã thu thập ý kiến của nhiều chuyên gia và nhiều người cho rằng hệ thống hiện tại có quá nhiều vấn đề. “Do đó kể từ năm 2015, các trường đại học sẽ không được phép tổ chức thi tuyển trực tiếp nữa” - ông Chaturon khẳng định. Ông Chaturon cho rằng những trường vẫn muốn tổ chức thi tuyển trực tiếp cần sử dụng chương trình thi chung GAT và PAT của Thái Lan. Ông kêu gọi ngành giáo dục xây dựng một hệ thống thi tuyển chung trong tương lai. “Chúng ta nên sử dụng một cơ cấu thi tuyển trung tâm với các câu hỏi và bài thi chung” - ông cho biết. Hiện OHEC và các cơ quan giáo dục Thái Lan đã bắt đầu nghiên cứu việc thành lập hệ thống tuyển sinh đại học mới. SƠN HÀ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận