Phóng to |
Gia công vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - Ảnh: T.T.D. |
Với hơn 10.000 đơn vị kinh doanh vàng trên cả nước, việc cấp phép kinh doanh lại không phải là điều dễ dàng.
Thêm giấy phép
Hiện các đơn vị kinh doanh vàng hoạt động dưới sự cấp phép của Sở Kế hoạch và đầu tư. Tuy nhiên, tới đây khi nghị định quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực, các cơ sở kinh doanh vàng miếng, trang sức mỹ nghệ từ cấp hộ đến các công ty muốn kinh doanh phải được sự cấp phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Theo tinh thần của Nghị định, trước khi cấp phép NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố sẽ khảo sát địa điểm, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết phục vụ hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ. Tuy nhiên theo tổng giám đốc một công ty đầu tư và kinh doanh vàng tại TP.HCM, mỗi tỉnh, thành phố có hàng ngàn đơn vị kinh doanh, liệu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố có đủ nhân lực để làm việc này.
Cũng theo quy định tại dự thảo nghị định, trong thời hạn một năm kể từ khi nghị định này có hiệu lực, các đơn vị đang sản xuất, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải thực hiện đăng ký lại với cơ quan đăng ký kinh doanh và hoàn tất thủ tục xin cấp giấy chứng nhận theo quy định mới. Thời hạn với hoạt động kinh doanh vàng miếng là ba tháng.
Tổng giám đốc một công ty kinh doanh vàng thuộc ngân hàng cho rằng dự thảo nghị định còn để ngỏ rất nhiều điều kiện để được cấp phép kinh doanh vàng miếng như về vốn, doanh thu và mạng lưới... chờ thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, liệu trong vòng ba tháng NHNN có ban hành thông tư kịp thời để NHNN cấp tỉnh, thành phố kịp thẩm định, cấp phép hay không? Trình tự cấp phép thế nào, nếu hết hạn ba tháng nhưng NHNN chưa kịp cấp phép liệu các đơn vị này có được tiếp tục kinh doanh hay tạm thời phải ngừng hoạt động đến khi nào nhận được quyết định chính thức từ NHNN?
Chặt mà lỏng
Theo phó tổng giám đốc một công ty kinh doanh vàng, trên lý thuyết nghị định quy định chặt các điều kiện để được cấp phép kinh doanh vàng, kể cả vàng miếng và vàng trang sức. Doanh nghiệp sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ phải thực hiện đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm, đăng ký, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo quy định và chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm công bố.
Tuy nhiên, dù đã đóng dấu hợp chuẩn lên sản phẩm nhưng chắc gì các đơn vị này thực hiện đúng quy định. Chẳng hạn công ty đăng ký chế tác nữ trang 7,5 tuổi nhưng khi sản xuất ra thị trường chỉ 6,8 tuổi như từng làm suốt vài chục năm qua và người dân, tiệm vàng vẫn theo thỏa thuận mua đâu bán đó thì phải xử lý như thế nào?
Ông này đề xuất không cần đổi giấy phép mà nên tổ chức một trung tâm dịch vụ kiểm định trực thuộc sở khoa học - công nghệ tỉnh, thành phố để kiểm định. Nếu phát hiện tiệm vàng vi phạm ba lần NHNN sẽ rút giấy phép.
Thêm vào đó, NHNN quy định việc mua bán vàng miếng với các đối tượng không có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng do NHNN cấp là vi phạm pháp luật, nhưng làm sao để người dân biết được đơn vị nào đã được NHNN cấp phép đăng ký kinh doanh, đơn vị nào chưa được cấp phép, hoặc đơn vị nào chỉ được cấp phép kinh doanh vàng trang sức mà không có chức năng kinh doanh vàng miếng. Trường hợp người dân do vô tình đã giao dịch ở những điểm chưa được NHNN cấp phép sẽ bị xử lý thế nào?
Tới đây, nếu NHNN siết chặt việc ủy thác kinh doanh cũng như điều kiện cấp phép kinh doanh, người dân sẽ mua bán vàng miếng ở đâu nếu hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại không phủ sóng đến các vùng sâu vùng xa. Sẽ khó tránh khỏi việc người dân và tiệm vàng cùng bắt tay để lách luật. Trường hợp bị phát hiện, các tiệm vàng có thể viện lý do cho khách hàng đổi vàng miếng lấy nữ trang...
Chưa kể nếu NHNN siết chặt việc cấp phép kinh doanh vàng miếng sẽ dễ dẫn đến biến tướng là các đơn vị kinh doanh bắt tay với phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng thông qua việc ký kết các hợp đồng hợp tác tay nghề, góp vốn để đứng ra kinh doanh với phòng giao dịch. Khi đó sẽ rất khó kiểm soát, thu thuế...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận