Theo các chuyên gia, việc hỗ trợ này sẽ không có nhiều tác động đến việc sinh con của các cặp vợ chồng.
21 tỉnh có mức sinh thấp, tỉnh nào có chính sách?
Trước đó, năm 2020, Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030", trong đó điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích ở các vùng có mức sinh thấp.
Theo thống kê, vùng mức sinh thấp bao gồm 21 tỉnh, thành phố: TPHCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.
Đây là 21 địa phương nằm trong chương trình điều chỉnh mức sinh thấp.
Mặc dù chương trình được triển khai từ năm 2020, thế nhưng đến nay sau gần 5 năm triển khai thực hiện chỉ có một số tỉnh như Hậu Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu… ban hành nghị định về chính sách khen thưởng.
Hầu hết các tỉnh thành chưa có chính sách hỗ trợ tăng mức sinh tại địa phương.
Các tỉnh, thành phố hỗ trợ trung bình 1 triệu đồng đối với các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con trước 35 tuổi. Riêng tỉnh Hậu Giang còn hỗ trợ một lần chi phí khám sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh theo giá dịch vụ y tế tại các cơ sở công lập; hỗ trợ một lần 1,5 triệu đồng tiền viện phí...
Mặc dù vậy, mức sinh của các tỉnh thành có chính sách hỗ trợ cũng không tăng. Tỉ suất sinh tại tỉnh Hậu Giang từ năm 2021 đến 2023 vẫn duy trì ở 1,83 con.
Mới đây, TP.HCM đề xuất phụ nữ nếu sinh đủ 2 con trước 35 tuổi sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng. Theo các chuyên gia, chính sách hỗ trợ này không làm ảnh hưởng đến quyết định sinh con của các cặp vợ chồng.
Không ai sinh con để được 1-3 triệu đồng hỗ trợ
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, GS.TS Giang Thanh Long, chuyên gia cao cấp về dân số và phát triển của Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội), khẳng định chắc chắn tiền hỗ trợ này không đủ để các cặp vợ chồng quyết định sinh thêm một đứa con.
"Điều có thể nhận thấy rõ là một cặp vợ chồng quyết định sinh con không chỉ dựa vào mong muốn mà còn dựa trên nhiều yếu tố khác như điều kiện kinh tế, xã hội nơi họ sinh sống.
Nếu cặp vợ chồng nào cũng có thể tiếp cận được nhà ở, có việc làm ổn định cũng như môi trường sống an toàn, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trẻ, trường học… chắc chắn quyết định sinh con sẽ dễ dàng hơn là dựa vào khoản tiền thưởng nhỏ trong khi còn quá nhiều khó khăn trước mắt.
Bên cạnh đó, việc khuyến khích sinh con không thể làm trực tiếp bằng cách giục giã các cặp vợ chồng sinh con, mà phải gián tiếp qua cải thiện các điều kiện sống.
Sự đồng bộ chính sách là điều quan trọng nhất, vì vậy cần có những chính sách an sinh, hỗ trợ về giáo dục, y tế, đời sống... để các cặp vợ chồng có thể nuôi con", GS Giang chia sẻ.
Về số tiền hỗ trợ mà các địa phương đang đề ra, GS Giang cho rằng chỉ mang tính động viên về tinh thần thể hiện sự quan tâm của địa phương.
Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia công tác lâu năm trong lĩnh vực dân số cũng cho rằng chính sách hỗ trợ tiền khi sinh đủ hai con sẽ không thể khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con.
Chuyên gia này cho rằng cần giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học, đặc biệt các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đồng thời xây dựng môi trường cộng đồng phù hợp tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con...
"Mức sinh giảm không phải chỉ là vấn đề của Việt Nam mà là tình trạng chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, phụ nữ Việt Nam có một đức tính đó là mong muốn được làm mẹ. Vì vậy, chỉ cần tạo điều kiện tốt nhất để họ có thể sinh con, nuôi dạy con thì có thể cải thiện được mức sinh thay thế", chuyên gia này nhận định.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, đến nay chưa có đánh giá về hiệu quả chính sách tăng mức sinh thay thế của các địa phương có mức sinh thấp. Trong chương trình quốc gia cũng đã nêu rõ các địa phương bố trí ngân sách để thực hiện cải thiện mức sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận