17/08/2015 06:00 GMT+7

Thích hay không thích 17 tuổi bị gọi là trẻ em?

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - MẠNH KHANG - TÂM AN
ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - MẠNH KHANG - TÂM AN

TTO - Nhiều bạn trẻ độ tuổi 16 - dưới 18 tuổi nói với TTO nhiều người nghĩ đủ 18 tuổi mới là trưởng thành, nhưng điều đó chỉ đúng trong nhiều năm về trước, không còn phù hợp hiện nay.

Ảnh minh họa

So với Luật năm 2004, dự thảo dự án Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em (sửa đổi) quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi, thay vì dưới 16 tuổi như hiện nay.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích rằng: “Hiện nay chúng ta quy định trẻ em là dưới 16 tuổi, nhưng công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em (mà Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và là nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn) quy định là dưới 18, chúng ta điều chỉnh lại như công ước là phù hợp vì đến 18 tuổi mới trở thành công dân, phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần”.

Bên cạnh những ý kiến đồng tình, vẫn có những bạn trẻ bày tỏ sự băn khoăn về việc nới rộng độ tuổi của khái niệm trẻ em này.

Không thích bị gọi là trẻ em?

Kao Vỉ (17 tuổi) cho biết hơn 17 tuổi thì không thể gọi là trẻ em được nữa vì “trẻ em thì không cần quan tâm nhiều thứ, chỉ việc ăn, chơi, học và ngủ. Trong khi đó, nhiều bạn 16, 17 tuổi đã làm được rất nhiều thứ để chứng minh khả năng của bản thân”.

Có cùng suy nghĩ này, Kiều Diễm, học sinh lớp 11 ở TP.HCM, cho rằng tuổi 17 ngày nay đã rất chủ động trong hành vi, nhận thức được việc nào đúng, việc nào sai và cũng đủ mạnh dạn để bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình.

“Tức là với lứa tuổi này, tụi em đã biết đúng sai, phải trái rồi, không phải còn ngây thơ không biết gì để bị gọi là trẻ em nữa. Nếu 16, 17 tuổi vẫn gọi là trẻ em thì có cảm giác như tụi em còn rất nhỏ và ý kiến của tụi em không được tôn trọng. Ví dụ như khi muốn nói lên suy nghĩ của mình nhưng vì cái “mác” trẻ em mà tiếng nói của tụi em không được lắng nghe thì tụi em sẽ càng áp lực hơn trong việc chứng tỏ bản thân mình” - Diễm bày tỏ.

Cô gái trẻ Memory Banda người Malawi đã vận động thành công chính phủ nước này ban hành luật nâng độ tuổi kết hôn từ 15 lên 18 tuổi. Cô bắt đầu việc làm này từ năm 13 tuổi, trước tiên với hành động kiên quyết không chịu đến các khu lều trại nhập môn, nơi các em gái được dạy cách làm thỏa mãn tình dục cho một người đàn ông - Ảnh: Malawivoice

Nguyễn Trường Thọ (Lớp 11A1 THPT Lấp Vò 3, Đồng Tháp) bày tỏ, trẻ em là những người dưới 16 tuổi, từ 16 tuổi trở lên nên được xem xét, quy định là người trưởng thành vì “tuổi này đã có sự phát triển về thể chất, tinh thần và nhận thức cuộc sống”.

“16 tuổi trở lên là phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những việc mình làm. Gần đây có không ít vụ án nghiêm trọng mà thủ phạm là những người dưới 18 tuổi. Nếu quy định trên 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vẫn là trẻ em thì e rằng sẽ có nhiều người ỷ lại, dựa vào đó để biện minh cho sự cố tình không phát triển về nhận thức, hành động” - Trường Thọ nói.

“Về cả mặt tâm lý và sinh lý, mình nghĩ lứa tuổi 16, 17 đã phát triển đầy đủ. Nhiều người vẫn nghĩ đủ 18 tuổi mới là trưởng thành nhưng điều đó chỉ đúng trong nhiều năm về trước. Độ tuổi cấp III bây giờ đã nhận thức và làm được rất nhiều điều” - Tâm An (18 tuổi, TP.HCM) chia sẻ.

Tâm An cho rằng nếu gọi tuổi 16, 17 là trẻ em thì sẽ không phản ánh đúng thực tế sự phát triển của lứa tuổi này trong xã hội ngày nay. Theo Tâm An, nhiều người ở tuổi này đã có thể đi làm, tự trải nghiệm cuộc sống và muốn chứng tỏ bản thân mình với gia đình, bạn bè và nhiều người xung quanh.

Đồng tình, Nguyễn Thành Hiệp (18 tuổi, TP.HCM) cho rằng trong một vài khía cạnh, vấn đề thì người 16, 17 vẫn giải quyết theo cách nghĩ đơn giản, nhưng với những sự việc ảnh hưởng tới chính bản thân, chắc chắn họ sẽ đưa ra quyết định đầy trách nhiệm và thể hiện rõ sự trưởng thành của bản thân.

Tâm An chia sẻ thêm nếu cứ bị gắn “mác” trẻ em thì có thể họ sẽ mang tâm lý phản kháng, làm điều gì đó để chứng tỏ mình không phải là trẻ con. Hơn nữa, nếu 16, 17 tuổi vẫn bị xem là trẻ em thì nhiều người lớn sẽ vin vào đó để phủ nhận ý kiến của tụi em với lý do còn trẻ con mà ý kiến gì.

Chia sẻ góc nhìn khá thú vị về vấn đề này, Xuân Hải (16 tuổi, TP.HCM) cho biết 16 hay 18 tuổi cũng chưa hẳn gọi là trưởng thành. Rất nhiều người đến tuổi 18 vẫn còn phải nhờ ba mẹ chở đi học, đi mua cây bút, cái thước cũng phải ngửa tay xin tiền bố mẹ. 

“Gán cái mác “trẻ con” sẽ làm cho các bạn cảm thấy xấu hổ và tập thay đổi dần tính cách và suy nghĩ sao cho chững chạc hơn” - Hải nói.

Bạn Hoài Nhân (17 tuổi) đánh giá rất nhiều người phạm tội khi chỉ mới 15, 16, thậm chí là 13, 14 tuổi. “Việc "kéo dài” lứa tuổi trẻ em đến 18 liệu có hợp lý không trong xã hội hiện nay? Chỉ sợ rằng nhiều người sẽ vin vào đó để thực hiện những hành vi ác độc, xấu xa rồi lại biện minh mình vẫn là trẻ con, chưa hiểu biết đầy đủ mà” - Nhân nói. 

Bồng bột + ưu ái: Dễ lợi dụng làm càn?

Một bạn đọc phân tích trẻ bây giờ tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều thông qua mạng xã hội, báo chí, truyền hình, thông tin đa chiều và trưởng thành trước tuổi so với thế hệ trước.

“Rất nhiều người trẻ tuổi từ 15 đến dưới 18 còn biết mức hình phạt cho mình khi phạm tội. Tuổi đó còn bồng bột lại được ưu ái sẽ dễ lợi dụng làm càn. Cần làm gì để cho trẻ ý thức tuân thủ pháp luật, nâng cao hiểu biết, sống có trách nhiệm, nhân văn, nhân ái. Không nên coi tuổi đó là trẻ em” - bạn đọc viết.

Có cùng quan điểm này, anh Minh Kha (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng lứa tuổi 16, 17 ngày nay trưởng thành cả về thể chất lẫn tinh thần, khác xa với thế hệ đi trước.

“Không thể đến những hành vi tiêu cực của một bộ phận người trẻ, tôi thấy nhiều bạn học sinh cấp III bây giờ rất giỏi, tham gia nhiều diễn đàn dành cho thanh niên, tham gia kinh doanh phụ gia đình, tự kiếm tiền tiêu vặt, tự tìm kiếm các cơ hội đi nước ngoài học tập, giao lưu quốc tế. Gọi các bạn là trẻ em là không hợp lý khi các bạn đôi khi còn làm được nhiều việc hơn những người trên 18 tuổi” - anh Minh Kha chia sẻ ý kiến.

Bạn đọc Thống Nhất nhận định việc nới rộng tuổi trẻ em đến dưới 18 là không theo sát với thực tế. Tuổi 16 bây giờ so với cách đây 20 năm đã phát triển rất xa cả về thể chất, tâm lý, sinh lý, nhận thức...

“Hãy xem tình hình tội phạm, tình yêu lứa tuổi học trò những năm gần đây thì rõ” - bạn đọc viết.

Không đồng tình, anh Đỗ Thái Thịnh cho rằng tinh thần của luật là nhằm vào đa số chứ không nhằm vào thiểu số. “Tại Việt Nam có hàng chục triệu trẻ em. Có mấy Lê Văn Luyện? Tỉ lệ không bằng một phần 10 triệu” - anh Thịnh chia sẻ.

Ở góc nhìn cùng chiều, anh Lê Văn Huân cho rằng việc quy định 18 tuổi là tuổi trưởng thành, dưới 18 tuổi là trẻ em là “rất chính xác”.

“Quy định dưới 16 tuổi trở xuống là trẻ em vậy 16, 17 tuổi là gì. Trước đây ta dùng từ vị thành niên. Nhưng trước pháp luật mà gọi vị thành niên là không có nghĩa gì cả. Trước pháp luật chỉ có: một là trẻ em, hai là người lớn” - anh Huân nói.

Quy định "cứng" không phù hợp thực tế

Cho rằng việc mở rộng độ tuổi trẻ em là phù hợp với công ước của Liên Hiệp quốc về quyền trẻ em, tuy nhiên, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội - cho rằng quy định “cứng” như vậy là không phù hợp với thực tế và có thể nảy sinh rất nhiều vấn đề bất bình trong xã hội.

“Thực tế thời gian qua tình hình tội phạm bị trẻ hóa ngày càng nhiều, nhất là vụ án Lê Văn Luyện giết người dã man gây bức xúc rất lớn trong dư luận. Nhiều chuyên gia đã đặt câu hỏi về việc có cần thiết giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự xuống hay không?

Nếu nâng độ tuổi trẻ em đến dưới 18 tuổi thì việc phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật sẽ rất nhẹ nhàng và không đủ yếu tố răn đe” - ông Thuyết nhận định.

HOÀNG ĐIỆP

Adora Lily Svitak, một trong “những đứa trẻ thông minh nhất thế giới” luôn tin rằng những người trẻ đừng bao giờ chờ đợi phải tới lúc lớn, lúc học xong mới có thể làm gì đó để thay đổi thế giới - Ảnh: Mashable

Thống nhất khái niệm, tạo thuận lợi cho việc vận hành quy định pháp luật

Ở khía cạnh pháp luật, luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng việc thống nhất khái niệm trẻ em là người dưới 18 tuổi sẽ tạo sự thuận lợi hơn trong việc vận dụng các quy định của pháp luật hiện hành.

“Luật dân sự quy định người thành niên là người đủ 18 tuổi trở lên, Luật hôn nhân - gia đình cũng quy định nữ đủ 18 tuổi trở lên thì được phép kết hôn; trong khi Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em trước đây lại quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi. Sẽ có sự nhập nhằng, không thống nhất khi truy cứu trách nhiệm hình sự, xử phạt hành chính đối với người chưa thành niên và người thành niên. Do đó, tôi ủng hộ việc thống nhất quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử phạt vi phạm” - luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.

Theo luật sư Huỳnh Phước Hiệp, luật có tên là “Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em", mục tiêu của luật cũng nhắm tới mục đích đó, không có ý “trẻ em hóa” người từ 16 đến dưới 18 tuổi. Các em nên chứng minh mình lớn bằng việc làm, suy nghĩ cụ thể chứ không phải bằng tên gọi.

"Nhiều người dưới 18 tuổi không đồng tình với việc quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi. Các em cho rằng các em đã lớn. Tuy nhiên, các em nên nhớ rằng việc lớn hay không lớn nằm trong cách ứng xử chứ không nằm ở tên gọi. Chẳng hạn nhiều em khi nói chuyện với người lớn thì được người lớn gắn cho tên gọi “ông/bà cụ non”. Điều đó chứng tỏ người lớn đã xác định các em có suy nghĩ trưởng thành chứ đâu phải “trẻ em” nữa. Việc mở rộng “đối tượng” là trẻ em nếu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục tốt hơn thì điều đó là đáng quý, đáng nên làm” - luật sư Hiệp cho biết.

Quy định cụ thể, buộc các cơ quan cụ thể phải làm những gì cho trẻ em

Chúng ta phải quy định theo hướng trách nhiệm chủ động của Nhà nước, các đoàn thể xã hội và gia đình phải làm những việc gì để đảm bảo quyền trẻ em, trong đó đặc biệt là trách nhiệm của Nhà nước.

Tôi lấy ví dụ như chỗ chơi của các em, ngày xưa Pháp quy hoạch phố nào cũng có không gian cho trẻ em chơi, bây giờ chúng ta cứ nói sân chơi cho trẻ em nhưng có thấy đâu, ngay cả những nơi có chỗ chơi cũng bị lạm dụng để xe đạp, ôtô hoặc làm việc khác...

Như vậy luật này phải quy định trách nhiệm, buộc các cơ quan cụ thể phải làm những gì cho trẻ em. Ngay cả gia đình cũng phải quy định rất cụ thể, trong trường hợp đánh đập trẻ em thì bị xử lý thế nào, bố mẹ ly hôn thì đảm bảo quyền trẻ em ra sao.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

 

Mời bạn đọc nghe các phát biểu:

Bạn Cao Vỉ

Bạn Kiều Diễm

Bạn Nguyễn Trường Thọ

Bạn Tâm An

Luật sư Nguyễn Văn Hậu

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - MẠNH KHANG - TÂM AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp