Một tiết dạy của giáo viên Trường tiểu học Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Tại TP.HCM, rất nhiều giáo viên tiểu học hiện đã đạt trình độ đại học - Ảnh: Hoàng Hương |
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo điều lệ trường tiểu học với một số nội dung mới theo định hướng của thông tư 30 (về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học) và mô hình trường học mới (VNEN). Tuy nhiên, dư luận cho rằng vẫn còn nhiều điểm của dự thảo này chưa phù hợp với thực tế.
Mỗi lớp là một “hội đồng”
Điều 17 của dự thảo quy định mỗi lớp học không quá 35 học sinh (HS). Lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản do tập thể HS bầu hoặc giáo viên chủ nhiệm chỉ định luân phiên. Mỗi lớp học chia thành các tổ, ban hoặc nhóm HS, trong đó có tổ trưởng, tổ phó hoặc trưởng ban, phó ban, nhóm trưởng, thư ký.
Cô Phạm Thúy Hà, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4, TP.HCM), cho rằng: “Việc đưa những yếu tố của hội đồng tự quản vào lớp học nhằm xây dựng sự tự chủ, chủ động và dân chủ ở HS ngay từ lứa tuổi nhỏ. Các em được tham gia bầu chọn và đảm nhiệm các vai trò trong lớp học để tăng sự tự tin và trách nhiệm công việc. Con số 35 HS/lớp dù chưa thật sự phù hợp với thực tế, nhưng điều này sẽ đòi hỏi ngành giáo dục tăng cường cơ sở vật chất trường lớp để đáp ứng được yêu cầu. Bởi ở nước ngoài, số lượng HS không quá 30 em/lớp, nhờ vậy chất lượng giáo dục tốt hơn chúng ta nhiều”.
Trong khi đó, một số hiệu trưởng lại băn khoăn về việc điều lệ trường tiểu học bao lâu nay đưa ra con số chuẩn là 35 HS/lớp, nhưng thực tế tại các thành phố lớn cho thấy trường đạt chuẩn thì vất vả giữ con số này, trường chưa chuẩn thì phải “gánh” sĩ số HS lên tới 50 em/lớp.
Bên cạnh đó, mô hình trường học mới VNEN khi đưa vào thực tế vẫn còn vấp phải nhiều tranh cãi xung quanh việc có nên trao “quyền hành” cho HS ở độ tuổi các em còn non nớt. Vì vậy vẫn còn không ít băn khoăn về điểm này của dự thảo.
Dự thảo cũng quy định cụ thể số sổ sách mà giáo viên yêu cầu phải có là sổ giáo án, sổ chuyên môn (bao gồm nội dung theo dõi chất lượng HS, dự giờ, ghi chép sinh hoạt chuyên môn) và sổ chủ nhiệm. Cô N.T.H., giáo viên tại quận Gò Vấp, TP.HCM, cho biết: “Dự thảo lần này đã rút gọn phần sổ sách giáo viên, sau một thời gian giáo viên phải ôm đồm sổ sách quá nhiều. Chúng tôi cũng mong mỏi công việc giáo viên liên quan đến sổ sách được giảm nhẹ”.
Trong khi đó, một hiệu trưởng trường tiểu học lại cho rằng: “Về hình thức, mới nhìn vào tưởng như giáo viên được giảm tải về sổ sách. Thật ra, so với cái cũ thì chỉ giảm được một cuốn là sổ kế hoạch lên lớp. Cái giáo viên cần là giảm những nội dung phải ghi trong cuốn sổ theo dõi chất lượng học sinh (quá nhiều và quá tải về nội dung giáo viên phải ghi)”.
Hãy giữ sự hồn nhiên cho học sinh tiểu học, đó là ý kiến của bạn đọc Tuổi Trẻ Online sau khi xem bản tin dự thảo điều lệ trường tiểu học đăng chiều 15-7 - Ảnh: Như Hùng |
“Cái cần sửa vẫn chưa sửa!”
Đó là một trong nhiều ý kiến cho rằng dự thảo vẫn còn nhiều điểm quá cũ so với thực tế giáo dục hiện nay. Một hiệu phó trường tiểu học (xin giấu tên) cho rằng: “Sau rất nhiều lần các hiệu trưởng, hiệu phó kiến nghị sửa đổi quy định hiệu trưởng phải tham gia dạy học 2 tiết/tuần, hiệu phó 4 tiết/tuần, dự thảo lần này vẫn chưa sửa đổi điều lệ. Ban giám hiệu các trường kêu than rất nhiều về quy định tréo ngoe này, bởi họ phải tập trung công tác quản lý, nếu có dạy cũng là dạy kiểu bắt buộc cho có, làm sao sâu sát được HS. Những tiết này giáo viên chủ nhiệm phải nghỉ để hiệu trưởng dạy cũng là điều khá vô lý”.
Cô Vũ Thị Mỹ Hạnh, nguyên hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Định Của, quận 3, TP.HCM, thẳng thắn chia sẻ: “Trên thực tế, hiệu trưởng không có thời gian để dạy. Chưa kể đặc thù bậc tiểu học mỗi giáo viên chủ nhiệm một lớp là dạy các môn ở lớp đó rồi, làm sao hiệu trưởng xen vào để dạy mỗi tuần 2 tiết? Do đó, nhiều trường phải đối phó bằng cách báo cáo cho có mà thôi”.
Theo hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1, TP.HCM, đến thời điểm này mà điều lệ trường tiểu học còn quy định “Chuẩn trình độ đào tạo tối thiểu của giáo viên tiểu học là có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm” thì quá lạc hậu. Hệ đào tạo trung cấp chỉ có hai năm - không đủ thời gian cho giáo sinh tiếp nhận kiến thức cần có cũng như thời gian thực hành.
Thực tế cho thấy những giáo viên trình độ trung cấp có nhiều hạn chế hơn trong việc tiếp cận, thực hiện phương pháp dạy học tích cực, sử dụng phương tiện dạy học hiện đại, tìm tòi tư liệu giảng dạy...
Với bối cảnh hội nhập như hiện nay, với sự nhanh nhạy ngày càng tăng của HS, giáo viên tiểu học cần phải đạt trình độ đại học mới đáp ứng được yêu cầu của xã hội, hoặc tối thiểu cũng phải đạt trình độ từ cao đẳng trở lên. “Tức là người thầy giáo phải biết 10 nhưng dạy 1, chứ không phải chỉ biết 1 và dạy hết 1”.
Tương tự, cô Vũ Thị Mỹ Hạnh cho rằng: “Riêng ở TP.HCM, từ lâu các trường sư phạm công lập đã không đào tạo hệ trung cấp sư phạm tiểu học. Học sinh lớp 12 muốn trở thành giáo viên tiểu học đa số đều chọn học hệ đại học. Ngay cả những giáo viên đang đứng lớp cũng đã học thêm để lấy bằng đại học. Chỉ còn một số ít có trình độ cao đẳng, vì họ đã lớn tuổi hoặc vì hoàn cảnh gia đình chưa thể đi học mà thôi. Thời kỳ hội nhập với khu vực và thế giới, tôi cho rằng chuẩn giáo viên tiểu học nhất thiết phải đạt trình độ đại học. Trình độ trung cấp chỉ nên áp dụng cho một số nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn mà thôi”.
* Ông PHẠM NGỌC ĐỊNH (vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT): Bổ sung những điểm mới xuất phát từ thực tiễn giáo dục Mô hình trường học mới được Bộ GD-ĐT thực hiện thí điểm ba năm qua, từ chỗ triển khai tại 1.500 trường tiểu học ở nhiều vùng miền, hiện tại đã nhân rộng trên khắp cả nước. Ưu điểm lớn nhất của mô hình dạy học này là tập cho HS tự quản, tự học, biết làm việc nhóm, vận dụng sức mạnh tập thể trong các hoạt động, học tập, mạnh dạn nói lên ý kiến của mình... Qua đó, hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực cho HS. Phản hồi từ các trường thực hiện thí điểm, từ phụ huynh và HS cho thấy cách thức giáo dục này có nhiều ưu điểm, và không chỉ triển khai ở những nơi thuận lợi mà có thể thực hiện thành công ở các vùng khó khăn. Từ thực tiễn đó, Bộ GD-ĐT đã đưa vào điều lệ trường tiểu học sắp ban hành những điểm mới ưu việt của mô hình dạy học trên. Tương tự, việc thực hiện thông tư 30 đổi mới đánh giá HS tiểu học cũng cho thấy những kết quả khả quan. Với điều lệ đã ban hành, có nhiều điểm quy định không còn phù hợp hoặc cần điều chỉnh bổ sung liên quan tới đánh giá HS, đến việc khen thưởng hoặc phê bình HS. Dự thảo mới sẽ khắc phục các bất cập này, theo hướng đánh giá HS trong cả quá trình, coi trọng việc khuyến khích, giúp đỡ HS tiến bộ, không tạo áp lực căng thẳng. Trong quá trình thực hiện thông tư 30, một trong những bất cập là quy định về sổ sách của giáo viên còn nặng nề khiến giáo viên bị quá tải. Việc bổ sung vào điều lệ các quy định mới về công việc của giáo viên, trong đó có quy định về sổ sách, sẽ cởi trói cho giáo viên trường tiểu học khỏi những bất cập đã phát sinh vừa qua. |
Phản ứng của bạn đọc Tuổi Trẻ Online Chiều qua, ngay sau khi thông tin này đăng trên Tuổi Trẻ Online, đã có nhiều bạn đọc nhận xét về dự thảo với quan điểm không đồng tình. Bạn đọc Mạnh Cường viết: “Con nít tiểu học thì biết gì là “hội đồng tự quản”. Còn nhỏ sao đã tập cho các cháu cái tính háo danh rồi?”. Tương tự, một bạn đọc có nickname là Xinh nhận định: ”Mỗi lớp học không quá 35 HS là điều không tưởng ở TP.HCM. Hiện nay nhiều trường đã phải quay trở lại việc học 1 buổi/ngày với sĩ số trung bình 45-50 HS/lớp. Ngoài ra, đối với HS tiểu học mà dùng từ chủ tịch nghe lớn lao quá và dễ khiến các em ảo tưởng về quyền lực”. Còn một bạn đọc tên Tâm cho rằng: “Đạo đức và chất lượng của HS cũng như giáo viên thì không quan tâm mà chỉ quan tâm đến cái hình thức bên ngoài. Lớp học gì mà cồng kềnh đủ thứ chức danh, mục đích thì không rõ ràng hỏi sao tiến bộ được?”. Mời các bạn tiếp tục góp ý cho dự thảo điều lệ trường tiểu học mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận