23/07/2013 06:51 GMT+7

Bản kê khai tài sản không còn trong danh sách mật

MINH QUANG thực hiện
MINH QUANG thực hiện

TT - Các cơ quan làm công tác phát hiện tham nhũng như kiểm toán, thanh tra, kiểm tra Đảng, cơ quan điều tra... sẽ được khai thác bản kê khai tài sản của cán bộ, công chức để phục vụ việc phát hiện tham nhũng. Những bản kê khai này sẽ không còn nằm trong danh mục tài liệu mật.

tpyooc7J.jpg
Ông Phí Ngọc Tuyển - Ảnh: M.Quang
Đó là khẳng định của ông Phí Ngọc Tuyển, phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng Thanh tra Chính phủ, khi nêu những điểm mới tại nghị định minh bạch tài sản, thu nhập vừa được Chính phủ ban hành. Ông Tuyển nói:

- Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi năm 2012 và nghị định 78/NĐ-CP quy định về vấn đề kê khai tài sản có hai điểm mới gồm công khai bản kê khai và trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Hai điểm mới này thể hiện ở chỗ: thứ nhất, trước đây bản kê khai là một thành tố của hồ sơ cán bộ, thuộc về tài liệu mật thì nay không còn là tài liệu mật và đương nhiên không còn là thành tố của hồ sơ cán bộ.

Thứ hai, từ nay trở đi cán bộ, công chức, những người thuộc diện cán bộ kê khai phải giải thích nguồn gốc tài sản tăng thêm. Không còn chuyện muốn kê khai bao nhiêu thì khai mà phải giải trình.

Nếu anh giải trình không rõ sẽ có biện pháp mạnh mẽ hơn để làm rõ. Đây chỉ là bước đi thứ nhất trong chuỗi các tiến trình minh bạch về kê khai tài sản.

Sẽ xác minh tài sản cán bộ

* Vậy tiếp theo sẽ có những quy định gì về minh bạch tài sản?

- Thực tiễn có câu chuyện người dân nói ngôi nhà này, trang trại này của người này, người kia nhưng đến thật sự điều tra thì không khẳng định được vì tài liệu pháp lý không khẳng định người đó là chủ sở hữu đối với tài sản được nêu.

Do đó, phải từng bước minh bạch hóa thu nhập của cán bộ từ khâu kê khai, giải trình. Sau này việc kê khai sẽ cụ thể hóa như với tài sản là nhà, đất, phương tiện đi lại, tài sản đầu tư vào doanh nghiệp... sẽ được kê khai thế nào.

Đây là những bước liên thông dần được thực hiện để xác định tài sản của cán bộ, công chức để kiểm soát được việc tài sản của ai như trên.

Ở đây, vấn đề quan trọng là cán bộ, công chức phải giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm và cơ quan tổ chức sẽ xác minh tài sản của anh có đúng không, nếu mắc sai phạm sẽ phải xử lý.

* Với những tài sản không xuất hiện tại thời điểm kê khai mà cơ quan, tổ chức nắm được trước đó có yêu cầu giải trình không?

- Theo quy định, thứ nhất, cán bộ công chức chủ động giải trình trong bản kê khai, khi kê khai anh thấy tăng hơn so với lần trước bao nhiêu thì chủ động giải thích.

Thứ hai là giải trình theo yêu cầu của cơ quan tổ chức. Có rất nhiều căn cứ để đưa đến yêu cầu như xem xét bản kê khai anh giải trình nguồn gốc tài sản không hợp lý, cơ quan có quyền yêu cầu anh giải trình.

Cũng có thể do anh có liên quan đến những thông tin khác như có đơn thư tố cáo hay cơ quan điều tra xác minh tài sản của anh tăng lên bất thường, cơ quan tổ chức của anh có quyền yêu cầu anh giải thích.

Đây là giải trình theo yêu cầu của cơ quan tổ chức. Ví dụ khi thấy cán bộ có căn biệt thự hay đi cái xe 6-7 tỉ đồng thì có quyền yêu cầu giải trình. Luật mới quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan tổ chức cao cũng phải cho họ quyền thực hiện trách nhiệm đó.

Nghị định nêu rõ đối với giải trình định kỳ thì gắn liền với kỳ kê khai, còn với yêu cầu giải trình không gắn liền định kỳ thì khi xuất hiện tình huống có quyền yêu cầu ở bất kỳ thời điểm nào.

Công khai như thế là vừa phải

* Theo quy định tại nghị định, phạm vi công khai bản kê khai tài sản có vẻ như còn hẹp?

- Quy định công khai tài sản của nghị định gồm có thể niêm yết tại trụ sở làm việc nơi người cán bộ công tác hoặc công bố trong cuộc họp.

Khi tổ chức cuộc họp để công bố thường liên quan đến vấn đề về mặt tổ chức và hướng là gắn với công tác quản lý cán bộ, gắn với xác định trách nhiệm, uy tín nên hướng chung là phạm vi cuộc họp gắn với người bỏ phiếu tín nhiệm. Thế nên đối tượng thuộc diện do Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm thì công khai tại cuộc họp, còn các đối tượng còn lại thì cấp dưới 1-2 cấp đánh giá tín nhiệm.

Công khai bản kê khai tài sản là câu chuyện đã bàn quá lâu. Ở nước ngoài, không phải ở đâu người ta cũng công khai rộng rãi vì cho dù thế nào thì thông tin tài sản cá nhân cũng thuộc về yếu tố nhân thân một con người.

Do đó việc công khai được quy định trong khuôn khổ gồm cơ quan nơi anh thường xuyên công tác; có những người phạm vi công tác hẹp thì chỉ công khai ở chỗ cán bộ đó thường xuyên công tác để những người cùng làm hiểu nhau, giám sát nội bộ.

Chỉ với nội dung như thế nhưng khi xây dựng nghị định đã phải đắn đo và đang tiếp tục theo dõi, đánh giá hiệu quả xem đến đâu. Quan điểm chống tham nhũng phải để phát triển chứ không thể làm mất đi động cơ phát triển nên tôi cho rằng quy định phạm vi công khai như thế là vừa phải.

* Việc khai thác để phát hiện tham nhũng được thực hiện ra sao?

- Luật mới nêu rõ khi điều tra mà người đó có liên quan đến hành vi tham nhũng, chưa khẳng định có tham nhũng hay không, đã được kiểm tra tài liệu này.

Như vậy, bản kê khai được chuyển thành bộ tài liệu xem trước khi kết luận có tham nhũng chứ không phải như trước đây là kết luận có tham nhũng rồi mới xem xét tài sản. Với các quy định pháp luật như vậy, người có tài sản bất minh sẽ bị tác động về tư tưởng, người ta phải suy nghĩ có nên tham nhũng hay không.

* Vai trò giám sát của các cơ quan như Mặt trận Tổ quốc, báo chí sẽ được phát huy thế nào khi việc công khai tài sản chỉ mang tính chất nội bộ như quy định?

- Trong quy định giám sát đã có MTTQ. Ví dụ một cán bộ khi công khai tại cơ quan thì các tổ chức của Mặt trận tại đơn vị đó đều biết và đương nhiên như thế không hạn chế báo chí biết.

Các tổ chức của Mặt trận cấp trên có thể thông qua các tổ chức của mình tại đơn vị để tìm hiểu. Báo chí khai thác nghiệp vụ theo trình tự của Luật báo chí và yêu cầu người đứng đầu trả lời vì Luật phòng chống tham nhũng không cấm chuyện đó.

Hiện nay trong chuỗi hành động phòng chống tham nhũng liên quan đến minh bạch tài sản có hai đề án đang được nghiên cứu xây dựng.

Đề án kiểm soát thu nhập đối với người có chức vụ quyền hạn thì đang hình thành, Thanh tra Chính phủ cũng tiếp nhận từ Bộ Nội vụ về, đang giao cho Viện Khoa học thanh tra chủ trì nghiên cứu. Còn đề án tăng cường thực hiện và kiểm soát việc kê khai minh bạch tài sản là đề án mang tính chất kiểm soát việc thực hiện những quy định hiện hành hiệu quả hơn, thiết thực hơn.

Tác động đánh giá về tư tưởng cán bộ

* Việc kê khai tài sản đã được thực hiện từ lâu nhưng hiệu quả của nó như thế nào? Hi vọng gì ở việc công khai lần này?

- Qua các báo cáo từ trước đến nay về kê khai tài sản và xác minh đã có một số trường hợp thông qua quá trình xác minh có xử lý về sai phạm khi kê khai, nhưng để khẳng định người ta có hành vi tham nhũng thì chưa.

Về hiệu quả thì theo đánh giá đối với mục tiêu phòng chống tham nhũng, tôi cho rằng có tác động đánh giá về tư tưởng đối với cán bộ khi cầm bút kê khai tài sản của mình, giải thích nguồn gốc tài sản. Nó làm anh phải suy nghĩ tại sao anh có tài sản đó, thu nhập ấy có chính đáng, có sạch không... Ít nhiều tác động về mặt tư tưởng đối với người ta về việc có tham nhũng hay không tham nhũng. Thứ hai, việc kê khai là dữ liệu giúp cơ quan làm công tác phát hiện tham nhũng được khai thác các tài liệu đó để phục vụ cho việc phát hiện hành vi tham nhũng.

MINH QUANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp