Minh họa: Bích Khoa |
Một ngày bạn sử dụng Google bao nhiêu lần? Câu trả lời với nhiều người có lẽ sẽ là “làm sao mà nhớ được!”. Đó là vì khi muốn tìm bất kỳ thông tin nào đó, chúng ta chỉ việc gõ từ khóa vào Google. Mà một ngày làm việc và giải trí của chúng ta có biết bao nhiêu thông tin muốn tìm kiếm. Ngày nay, trong tiếng Anh, google là một động từ chỉ sự tìm kiếm thông tin trên Internet thông qua công cụ Google.
Ở châu Âu, tờ The Economist cho biết Google chiếm tới 90% các tìm kiếm trực tuyến trong khi ở châu Mỹ là 68%. Trên toàn cầu, Google cũng là vô địch với 65% so với phần còn lại của thế giới các trang tìm kiếm thông tin. Dù mở ra cánh cửa thần kỳ đến với những nguồn kiến thức và thông tin như vô tận, Google hoàn toàn không phải là cô thư ký biết chọn lựa và đưa ra hồ sơ theo mong muốn của khách hàng. Tất cả những gì nó làm là phơi bày ra mọi thứ liên quan đến từ khóa.
Cũng chính từ đây mà ranh giới giữa vốn xã hội, quyền tự do thông tin và quyền được lãng quên trở thành chủ đề của những tranh cãi và kiện tụng liên quan. Một diễn biến gần đây nhất là phán quyết của tòa án tối cao châu Âu đưa ra ngày 13-5-2014, trong đó quy định quyền của công dân tại 28 nước châu Âu (EU) trong việc yêu cầu gỡ bỏ thông tin liên quan đến quá khứ của họ trên các trang tìm kiếm như Google.
Sự kiện này một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc tìm hiểu và quản lý hồ sơ cá nhân trong thế giới ảo.
Từ Google, Facebook đến vốn xã hội
Có lẽ hàng triệu người sử dụng Facebook, Twitter... đang say sưa với những kết nối và đam mê posting sẽ không băn khoăn quá nhiều đến hồ sơ cá nhân của họ trên mạng sẽ có ảnh hưởng thế nào với bản thân. Với họ, lợi ích do mạng xã hội đem lại là hiển nhiên và không cần phải cân nhắc lợi hại.
Các trang mạng xã hội hỗ trợ chủ tài khoản tạo ra và giữ gìn các mối quan hệ xã hội với chi phí tương đối thấp. Mạng xã hội còn tạo ra vốn xã hội mà theo định nghĩa của Robert Putnam là những lợi nhuận mà các cá nhân có thể tiếp cận được thông qua mạng lưới xã hội. Những lợi nhuận này có thể bao gồm các hỗ trợ về mặt tinh thần (động viên, cổ vũ...), vật chất (huy động vốn, trao đổi hàng hóa...) và mức độ thỏa mãn nhu cầu cá nhân nhờ vào sự đa dạng của các thông tin mới mẻ.
Hằng ngày, chúng ta vẫn bắt gặp tin tức về vai trò của mạng xã hội trong việc hỗ trợ ai đó tìm được việc làm, xây dựng ý tưởng kinh doanh, tìm thấy người thân, thậm chí là cả ý trung nhân nhờ vào kết nối mạng xã hội.
Để tạo dựng vốn xã hội nhiều hơn, chúng ta mở rộng mạng lưới kết nối và làm cho hình ảnh của mình trở nên nổi bật hơn. Càng post những tin thú vị, hài hước và độc đáo một cách thường xuyên về bản thân, chúng ta càng nhận được nhiều chú ý từ các kết nối trên mạng. Vậy tại sao lại có người muốn xóa bỏ những thông tin cá nhân của mình trên mạng?
Bạn là những gì mà bạn tự hoặc bị mô tả
Bạn đã thử xem Google lưu trữ thông tin gì về mình chưa? Nếu chưa, hãy gõ tên của mình trong ngoặc kép lên thanh tìm kiếm của Google xem sao. Nếu bạn hoặc ai đó có tên giống bạn có tài khoản trên Facebook, Twitter, Linkedin... hay có tên trên các trang báo mạng, Google sẽ lôi chúng ra tuốt.
Thêm một cái nhấp chuột nữa, toàn bộ lịch sử hình ảnh và giao tiếp trên mạng của bạn sẽ hiện ra, từ gần đây nhất cho đến thời điểm khai sinh tài khoản. Và nếu bạn không có nhu cầu tìm hiểu xem Google lưu trữ và trình bày hồ sơ cá nhân của mình ra sao thì rất có thể ai đó sẽ làm như vậy vào một ngày nào đó.
Một tổ chức quốc tế bảo vệ động vật hoang dã phỏng vấn tìm cán bộ dự án và đã chọn ra ứng viên phù hợp. Tuy nhiên, khi ban tuyển chọn sử dụng Google tìm thông tin thêm về ứng viên này thì họ thấy một tấm ảnh mà cô gái này được đính vào (tag) trên Facebook của bạn cô.
Tấm ảnh cho thấy cô và bạn trai đang vô tư cầm dao gí vào cổ một con rùa trong nhà hàng. Hình ảnh này trái ngược hẳn với những trả lời phỏng vấn trước đó của cô. Quyết định tuyển dụng bị dừng lại và các ứng viên khác được xem xét thay thế.
Một công ty truyền thông đã sa thải một nhân viên thực tập khi họ phát hiện anh ta lên Facebook nói rằng cả ngày anh ta chỉ vào mạng tán gẫu với bạn bè và được trả tiền vì điều đó. Chàng thực tập sinh sau đó đã rất ân hận với dòng post bồng bột của mình.
Chuyện nhà tuyển dụng sử dụng Google để biết thêm thông tin đánh giá ứng viên không còn mới. Trong thời đại của Google, bất cứ ai quan tâm tới bạn cũng có thể google bạn. Một bác sĩ đã chia sẻ trên tờ New York Times rằng nhiều bác sĩ đã sử dụng Google để biết thêm về bệnh nhân của mình. Bác sĩ này cũng đặt ra câu hỏi về ranh giới đạo đức của hành động đó cũng như những hệ quả đối với mối quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ.
Vậy người ta có nên bị đánh giá bởi những gì mà họ tự hay bị mô tả trong quá khứ?
Quyền được lãng quên
Mario Gonzalez, một luật sư người Tây Ban Nha, đã ở trong tình cảnh như vậy khi cho rằng danh tiếng làm ăn của mình bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi một thông tin về quá khứ của ông mà Google còn lưu trữ. Cách đây 15 năm, danh tính của Mario đã xuất hiện trên một tờ báo liên quan đến một vụ kiện tụng nợ nần. Mặc dù Mario đã trả hết nợ và giải quyết mọi chuyện êm thấm từ lâu nhưng khi thấy dòng tin trên, khách hàng vẫn nghi ngờ ông. Mario đã kiện Google lên tòa án châu Âu.
Phán quyết sau cùng của tòa án là dưới điều luật của luật bảo vệ dữ liệu châu Âu, các công dân EU có quyền đối với các dữ liệu về họ mà người khác nắm giữ. Họ có thể yêu cầu Google, Microsoft và Yahoo gỡ bỏ các đường dẫn trên Internet tới danh tính của họ. Tuy nhiên, cá nhân có yêu cầu này phải chứng minh được thông tin về họ là “không đầy đủ và không còn liên quan”.
Như vậy, nếu ai đó từng có quá khứ tiêu cực thì họ phải chứng minh được rằng họ đã chấp nhận hậu quả và đã chuộc lại lỗi lầm của mình, cả về mặt pháp lý lẫn đạo đức. Dù sao đi nữa, hiện ở châu Âu Google đang có nguy cơ đối mặt với số lượng khổng lồ những yêu cầu gỡ bỏ thông tin cá nhân, còn người dân châu Âu coi đây là quyền được lãng quên của họ.
Tuy nhiên, các cư dân mạng cũng không nên quá vui mừng với phán quyết này bởi nó chỉ có giá trị trong EU và với một chút kiến thức về công nghệ, người ta vẫn có thể tìm ra thông tin liên quan đến ai đó. Dĩ nhiên, theo The Economist, châu Âu sẽ chẳng bao giờ muốn xây dựng một bức tường lửa khổng lồ kiểu Trung Quốc để ngăn chặn thông tin.
Tóm lại là trong thế giới Internet, bạn sẽ không thể tìm được một cục tẩy nào có thể xóa sạch những gì bạn tự hay bị mô tả.
Quản lý hồ sơ cá nhân trên mạng bằng cách nào? Internet có một bộ nhớ rất “khủng” và nó không quên một chi tiết nào đã được post lên mạng liên quan đến chúng ta. Vì thế sẽ là không thừa nếu ngay từ bây giờ chúng ta quan tâm hơn đến việc quản lý hồ sơ trực tuyến của mình. Dựa trên kết quả khảo sát nhiều trường đại học, Công ty Kaplan chuyên về giáo dục đã đưa ra lời khuyên như dưới đây cho các sinh viên muốn hồ sơ ứng tuyển của mình thành công. Những lời khuyên này có ý nghĩa không chỉ với sinh viên mà còn với mọi cư dân mạng bởi ai mà biết được vào một ngày nào đó, chúng ta sẽ ở vào hoàn cảnh như Mario Gonzalez. 1. Kiểm tra danh tính của mình trên mạng và giữ hồ sơ cá nhân sạch sẽ. Hãy dùng Google, Google Image, Yahoo... để tìm tên của mình. Nếu phát hiện thấy thông tin tiêu cực, hãy tiến hành các bước cần thiết như gỡ bỏ post, tag hay hình ảnh liên quan. 2. Hạn chế khả năng tìm kiếm hồ sơ cá nhân trừ những người quen biết. Các trang mạng xã hội đều có công cụ đặt chế độ riêng tư (privacy setting). Bạn nên tìm hiểu để đặt chế độ phù hợp. 3. Nếu bạn muốn post ảnh lên mạng xã hội, hãy chọn bức ảnh phù hợp và tích cực. Nhớ là ngay cả khi bạn đặt chế độ riêng tư thì tên và ảnh đại diện của bạn vẫn có thể được tìm thấy. Chú ý đến cả những bức ảnh bạn chụp với ai đó và được người ta đưa lên mạng. 4. Cẩn thận khi lựa chọn bạn trên mạng xã hội trừ khi bạn đã biết rõ về họ. Câu nói “Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ biết anh là người như thế nào” vẫn có thể áp dụng trên mạng xã hội được. 5. Hãy gỡ bỏ những mô tả bản thân nếu thông tin không còn liên quan. Đừng để trang cá nhân của bạn có quá nhiều các hội thoại mà bạn không nhớ nổi là chúng tích cực hay tiêu cực cho công việc và mối quan hệ hiện nay của bạn. 6. Hãy suy nghĩ chín chắn trước khi post một điều gì đó. Đừng để những cảm xúc mạnh mẽ chi phối khi chia sẻ trên mạng. Một status có thể là độc đáo hôm nay nhưng lại là kỳ quặc ngày mai. Tuy nhiên, đôi khi việc bạn không có một vết tích nào trên Internet cũng là một bất lợi trong một số lĩnh vực. Sẽ là không hay khi bạn muốn ứng tuyển vào một công ty đòi hỏi kiến thức làm việc với truyền thông xã hội mà bạn lại không có một tài khoản mạng xã hội nào. Các trường đại học tuyển dụng giảng viên thường sử dụng Google Scholar để tìm hiểu và thẩm định hồ sơ xuất bản nghiên cứu khoa học của ứng viên. Tấm bằng tiến sĩ có thể mất đi ít nhiều giá trị nếu kết quả trên Google Scholar và các trang tìm kiếm dữ liệu chuyên ngành khác không đưa ra một kết quả xuất bản nào. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận