Bà Hoàng Thị Nhài và sạp hàng nhỏ trước Tết - Ảnh: VŨ TUẤN
Với rất nhiều người, chưa năm nào đường về quê ăn Tết xa như năm nay.
Gánh hàng cuối năm
Bà Hoàng Thị Nhài bưng mấy rổ trái cây để sát hiên ngôi nhà ngay cạnh chợ Đặng Tiến Đông (Đống Đa, Hà Nội) tránh những hạt mưa cuối năm lạnh buốt. Bán hết gánh hàng cuối cùng này, bà sẽ đón xe về quê. Nửa năm trời hết giãn cách lại cách ly, bà bảo chưa năm nào phải xa nhà nhiều như năm nay.
Bà quê ở huyện Xuân Trường, Nam Định, cứ xong việc đồng áng bà lại lên Hà Nội bán trái cây gần chợ Đặng Tiến Đông. Gánh quà nhỏ ở TP hơn chục năm qua giúp bà nuôi được 4 đứa con nên người, lại thêm đồng ra đồng vào chăm người chồng đau ốm.
Thế nhưng dịch COVID-19 ập tới, chưa năm nào cả nhà bà khó khăn như năm qua. Hàng ế, lại giãn cách, có những tháng mẹ con bà sống bằng quà từ thiện của tổ dân phố. Mấy đồng vốn nhỏ nhoi cũng phải rút bớt đóng tiền trọ.
Vậy nhưng bà cũng không thể về nhà. "Mình cũng giữ sức khỏe cho gia đình thôi. Chính quyền họ "ngăn tỉnh" để không lây dịch, chồng tôi ốm yếu, các cháu còn nhỏ, tôi cũng không dám về vì nhỡ ra lây bệnh cho họ", bà nói.
Hai tuần trước, cậu con trai đã về quê, cách ly tại nhà để lo Tết. Một mình bà Nhài ở lại Hà Nội, vất vả nhưng có thêm chút tiền mua quần áo mới cho các cháu.
"Mừng nhất là về quê chỉ cần theo dõi sức khỏe tại nhà chứ không phải cách ly nữa. Cả nhà tôi cũng được tiêm ba mũi rồi. Tôi chỉ mong bán hết hàng để về với chồng con, với các cháu", bà mỉm cười, nhanh tay nhặt mấy quả táo rồi tính tiền cho khách. Đào nở rực rỡ trong khu chợ nhỏ. Ngõ xóm xôn xao tiếng trả giá, tiếng í ới hẹn nhau qua điện thoại đến Tết sẽ về.
Cô công nhân trẻ Bùi Thu Trang (ở Tam Sơn, Cẩm Khê, Phú Thọ) vui vẻ nhận phần quà chồng cô gửi về từ Hà Nội. Túi quà đơn giản chỉ một gói lạp xưởng, gói hạt hướng dương, vài lon nước ngọt. Chồng cô làm xe ôm "công nghệ" ở Hà Nội.
Trang kể lúc dịch bùng mạnh, vợ chồng cô bỏ ý định lập nghiệp ở Hà Nội. Trang đưa ba đứa nhỏ về quê, chồng ở lại chạy xe ôm kiếm thêm ít vốn. Rồi cô xin làm công nhân cho một xưởng may nhỏ ở quê, lương thấp hơn TP nhưng bớt đi nhiều khoản chi tiêu lớn cho mấy đứa nhỏ.
Chồng cô ở lại kiếm cũng khá, mỗi tháng bỏ ra được hơn chục triệu gửi về. "Anh ấy nói sẽ "cày" thêm mấy ngày giáp Tết, đợt này đang nhiều việc. Mọi chi phí sắm Tết cho gia đình năm nay anh ấy lo hết, em chỉ chăm con cho ngoan ngoãn, học giỏi là vui thôi", Trang nói.
Đón Tết trong nhà máy
Cậu thanh niên Lò Văn Long, quê ở Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên), chấp nhận đón Tết xa nhà tại Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh).
Đây là lần đầu tiên Long đón Tết xa nhà. Bạn bè cùng quê đã xin nghỉ việc để về quê trước 1 tháng. Họ chấp nhận cách ly, chấp nhận mất nhiều chế độ của công ty vì xin nghỉ việc sớm.
Qua Tết, nhiều người phải đi tìm việc lại, bắt đầu từ mức lương khởi điểm. "Mai em sẽ đi kiếm việc làm thêm, bạn em giới thiệu có vài chỗ làm tăng ca qua Tết. Em đi làm thêm vừa có thêm tiền, vừa đỡ buồn anh ạ", Long nói.
Gia đình Long ở Điện Biên chỉ có 4 người nhưng điều kiện kinh tế không dư giả. Long đi làm công nhân có thu nhập ổn định, nếu chịu khó tăng ca, anh cũng kiếm được hơn chục triệu mỗi tháng. Niềm vui lớn nhất của anh và cả gia đình là ngay cả khi dịch bùng mạnh, anh vẫn được làm việc trong nhà máy, vẫn gửi được tiền về giúp gia đình. Nhiều người ở quê anh không may mắn như thế, dịch ập về, họ thất nghiệp, thu nhập giảm.
Long khoe chiếc điện thoại mới, năm nay đón giao thừa "online" với cả nhà. "Nhớ nhà thì em gọi video, cứ hết ca là em gọi, bố mẹ em cũng vui vẻ, không buồn vì các con xa nhà", Long chia sẻ.
Trước cổng một nhà máy ở Khu công nghiệp Quế Võ 1 (Bắc Ninh), đèn điện, cành đào, trang hoàng rực rỡ. Cô công nhân trẻ Trương Thị Hoa ôm tập hồ sơ đứng bên cạnh hàng đào, quất, chờ tới lượt vào phỏng vấn. Hoa đi xin việc làm thêm dịp Tết, công ty cô đang làm được nghỉ sớm và cô không về quê.
Quê Hoa ở huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn, cách nơi làm việc hơn 250km. Nếu về, Hoa sợ phải cách ly tại nhà. Nhưng ở quê cô, mái nhà là nơi sinh hoạt chung, không có phòng riêng khép kín, nếu cô về, cả nhà coi như cùng bị cách ly. Nhớ nhà, nhớ đứa con đầu lòng mới 3 tuổi nhưng Hoa chọn đón Tết trong nhà máy để có thêm tiền giúp đỡ gia đình.
"Đi làm tăng ca, có thêm tiền gửi về nhà cũng tốt. Nếu về em phải nghỉ việc, về sớm, Tết không có tiền mà sang năm lại đi tìm việc mới, vất vả lắm", Hoa chia sẻ rồi mở điện thoại. Tết này, niềm vui lớn nhất của cô là tiếp tục thấy người nhà khỏe mạnh, động viên cô qua những cuộc gọi video.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận