08/07/2011 13:13 GMT+7

Bán hàng qua TV: Hàng chợ bán giá hàng hiệu

B.HOÀN - T.V.NGHI - L.SƠN
B.HOÀN - T.V.NGHI - L.SƠN

TT - Liên tiếp hai công ty bán hàng qua TV đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và giả mạo nhãn hiệu. Thực tế đây chưa phải là toàn bộ hành vi gian dối của những đơn vị này.

Read this on Tuoitrenews.vn

rT1uvEnM.jpgPhóng to

Chị Phạm Việt Phương (quận Tân Phú, TP.HCM) sau khi xem quảng cáo bán hàng trên kênh truyền hình SCTV đã mua sản phẩm dưỡng da. Sau năm tuần sử dụng thấy không đúng như trong quảng cáo mà không được hoàn trả sản phẩm - Ảnh: CHÂU ANH

afpWzjqp.jpgPhóng to
Cơ quan quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại Công ty cổ phần đầu tư phát triển và thương mại quốc tế Việt An (TP.HCM), đơn vị bán hàng qua kênh truyền hình Viet Home Shopping - Ảnh: LÊ SƠN

Các công ty bán hàng qua truyền hình sử dụng những chiêu thức như không thông tin chi nhánh, trà trộn hàng trôi nổi với hàng nhập khẩu chính ngạch, quảng cáo lấp liếm thông tin...

Kiểm tra đâu, sai phạm đó

Ngay sau khi phát hiện trường hợp vi phạm của Công ty cổ phần Mua sắm hạnh phúc (Happy Shopping), đội quản lý thị trường (QLTT) 3A - Chi cục QLTT TP.HCM tiếp tục phát hiện việc chứa và kinh doanh sản phẩm gia dụng giả mạo nhãn hiệu tại Công ty cổ phần đầu tư phát triển và thương mại quốc tế Việt An, doanh nghiệp bán hàng qua kênh truyền hình có tên Viet Home Shopping, tại địa chỉ 201 Nguyễn Văn Thủ, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM. Từ tháng 11-2008, Viet Home Shopping đã phát sóng trên nhiều kênh truyền hình.

Ông Hoàng Công Sơn, phó đội trưởng đội QLTT 3A, cho biết ngoài sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký độc quyền của đơn vị khác, lực lượng QLTT còn phát hiện thêm hành vi vi phạm Luật thương mại như chứa trữ, kinh doanh nấm linh chi nhập từ Hàn Quốc không có hạn sử dụng trên nhãn phụ bằng tiếng Việt. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty cổ phần đầu tư phát triển và thương mại quốc tế Việt An đã thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh tới bốn lần kể từ ngày thành lập đầu tiên vào năm 2008.

Chị Phạm Việt Phương (ngụ đường Âu Cơ, Q.Tân Phú, TP.HCM):

“Tiền hậu bất nhất”

Sau khi xem quảng cáo bán hàng trên kênh truyền hình SCTV, thấy sản phẩm kem dưỡng trắng da toàn thân được giới thiệu là thích hợp với mọi loại da, sẽ có hiệu quả trong vòng bốn tuần, tôi đặt mua sản phẩm này của công ty bán hàng qua truyền hình trụ sở ở đường Nguyễn Cửu Đàm, Q.Tân Phú. Giá bán của sản phẩm qua thông tin quảng cáo trên kênh SCTV là 1.580.000 đồng. Doanh nghiệp bán hàng cho biết do đang trong chương trình khuyến mãi nên tôi được giảm 200.000 đồng, còn 1.380.000 đồng. Hàng được giao tận nhà. Trên chai ghi xuất xứ tới hai nơi, Đài Loan và Trung Quốc!? Khi mua hàng, tôi đã hỏi rõ nhân viên công ty là da của tôi có thích hợp sử dụng sản phẩm này hay không và nhân viên khẳng định là thích hợp. Đến nay, tôi đã xài được năm tuần. Khi xức kem thì thấy trắng nhưng tắm sạch là da lại đen bình thường. Hai ngày nay tôi đã ngưng dùng và phát hiện sản phẩm này hoàn toàn không mang lại hiệu quả gì. Da không trắng, bị khô, sạm lại rõ rệt. Tôi liên hệ lại công ty, nhưng doanh nghiệp này tiền hậu bất nhất, họ lại nói không bảo đảm sẽ làm trắng liền và có thể không thích hợp với da của tôi.

Nhiều công ty bán hàng qua truyền hình như GPL, KVT, HL, HH... cũng đăng ký loại hình kinh doanh và các mặt hàng tương tự như Việt An. Một số công ty nói trên sau một thời gian hoạt động cũng chuyển sang đăng ký theo mô hình công ty TNHH một hoặc hai thành viên trở lên, đồng thời để trống hoàn toàn ở mục thông tin về chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh ngoài địa chỉ trụ sở chính đã đăng ký.

Theo một số người từng làm việc tại các công ty bán hàng qua truyền hình, các doanh nghiệp này có nhiều thủ thuật để “qua mặt” cơ quan chức năng từ chính các hồ sơ gửi đến sở ngành liên quan khi xin phép phát sóng các sản phẩm trên truyền hình.

Trả tiền cho quảng cáo

Để các sản phẩm của Viet Home Shopping lên sóng truyền hình đều đặn, theo Chi cục QLTT TP.HCM, doanh nghiệp này đã ký kết hợp đồng quảng cáo với các đài truyền hình, chi phí lên đến hàng tỉ đồng. Và đương nhiên chi phí này sẽ được tính vào giá bán sản phẩm nên giá đến tay người tiêu dùng cao chót vót, trong khi giá thực của sản phẩm lại rất “bèo”.

Một nhân viên từng làm việc tại một công ty bán hàng qua truyền hình cho biết giá thành thực tế của sản phẩm cực rẻ, chỉ bằng khoảng 20% giá bán, số còn lại là chi phí quảng cáo, vận chuyển và lợi nhuận doanh nghiệp.

Đồng hồ đính đá là sản phẩm được quảng cáo rầm rộ trên nhiều kênh truyền hình thời gian gần đây. Công ty H công bố giá bán gần 2 triệu đồng/chiếc. Nhà kinh doanh cho biết mục đích bán giá rẻ là để chào mừng thương hiệu đồng hồ nổi tiếng Thụy Sĩ này có mặt tại thị trường VN, để xây dựng thương hiệu và giá bán trên là giá ưu đãi. Theo như phim quảng cáo, đây là chiếc đồng hồ cực kỳ sang trọng và nhiều người mơ ước.

Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi nắm được, đây là loại đồng hồ khảm thủy tinh. Theo tờ khai hải quan điện tử, đơn vị nhập hàng về qua Chi cục hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (thuộc Cục Hải quan TP.HCM), sản phẩm này được ghi là “không hiệu” và xuất xứ Trung Quốc.

Mặc dù doanh nghiệp nhập hàng theo phương thức CIF (tức mua hàng tại cảng đến, giá trị hợp đồng bao gồm cả chi phí vận chuyển) nhưng hàng về đến sân bay chỉ khoảng 621.000 đồng/chiếc. Sau khi đã tính thêm 20% thuế nhập khẩu và 10% thuế giá trị gia tăng, giá là 819.700 đồng/chiếc. Như vậy, khoản chênh lệch giữa giá nhập thực tế và giá bán “ưu đãi” cho người tiêu dùng lên đến 1,17 triệu đồng/chiếc chủ yếu chảy vào túi nhà đài và doanh nghiệp.

Luôn được quảng cáo với những lời lẽ mô tả chất lượng tuyệt vời, kiểu dáng, thiết kế thời thượng, là niềm mơ ước của nhiều chị em phụ nữ, nhưng thực tế nhiều sản phẩm lại có giá nhập khẩu tương đương hàng chợ. Trên các mẫu kiểm nghiệm tại Quatest 3, nhiều sản phẩm được ghi rõ tên dây chuyền kim cương giả, vòng tay kim cương giả... Nhưng nhiều người từng xem quảng cáo các sản phẩm này cho biết không hề thấy các doanh nghiệp nêu rõ thông tin như trên.

Giá những sản phẩm trang sức một thời gian được quảng cáo ra rả trên truyền hình thực tế chỉ 427.000 đồng/chiếc dây chuyền (đã gồm 25% thuế nhập khẩu, 10% thuế giá trị gia tăng), mặt dây chuyền giá có thuế chỉ 105.000 đồng/chiếc... Và những sản phẩm này cũng là hàng “made in China”.

Hợp thức hóa hàng lậu

Theo tìm hiểu của chúng tôi, với số tiền chi cho quảng cáo lên đến hàng tỉ đồng, lượng tiêu thụ hàng hóa của các công ty bán hàng qua truyền hình khá lớn. Theo bảng cân đối hóa đơn chứng từ và hàng hóa thực tế tại Happy Shopping, riêng với loại sản phẩm là bộ quần áo lót xuất xứ Trung Quốc, công ty này đã mở tới 11 tờ khai hải quan, nhập khẩu 1.710 bộ vào tháng 6-2009 và đến nay lượng hàng tồn chỉ còn 202 bộ. Sản phẩm quần bó bụng

Eve’s love cũng được mở hai tờ khai hải quan nhập khẩu 9.024 chiếc vào cuối năm 2010 và đến nay đã có hơn 1.600 người tiêu dùng tin vào công dụng thần kỳ của chiếc áo này và mua nó... Tuy nhiên, đây chỉ là những sản phẩm nhập về bằng đường chính ngạch, có hóa đơn, chứng từ đầu vào. Bởi theo cơ quan QLTT, tại thời điểm kiểm tra, Happy Shopping còn tồn tới hơn 13.000 sản phẩm không có hóa đơn chứng từ. Với loại hàng này, cơ quan QLTT không thể cân đối sổ sách đầu vào và lượng bán đầu ra. Do đó, khả năng lượng hàng bán thực tế còn lớn hơn mức trên.

Cũng theo cân đối hàng hóa trên sổ sách của Happy Shopping do Chi cục QLTT TP.HCM cung cấp, đơn vị này có sự nhập nhèm giữa hàng không có hóa đơn chứng từ và hàng nhập chính ngạch. Nhiều sản phẩm như mặt nạ thủy tinh, kem tẩy trắng răng, son môi, mặt nạ dưỡng da... có số lượng hàng trong kho lớn hơn rất nhiều so với hàng hóa thực nhập thể hiện trên tờ khai hải quan.

Cụ thể, lượng tồn mặt nạ dưỡng da Super Yuna là 5.148 hộp, nhưng trên tờ khai hải quan nhập khẩu ngày 23-10-2010 chỉ có 2.040 hộp; kem lót trang điểm B.B. Super Yuna còn tồn thực tế là 4.419 hộp, nhưng tờ khai nhập khẩu ngày 15-11-2010 do doanh nghiệp xuất trình chỉ có 2.500 hộp...

Theo cựu nhân viên một công ty bán hàng qua truyền hình, hầu hết các sản phẩm mỹ phẩm, đồ trang sức, thời trang đều được doanh nghiệp đặt hàng từ Trung Quốc với giá cực rẻ. Hàng được nhập khẩu chính ngạch về VN một phần, một phần khác nhập lậu và doanh nghiệp dùng những giấy tờ của lô hàng nhập chính ngạch để hợp thức hóa các mặt hàng quảng cáo trên truyền hình.

B.HOÀN - T.V.NGHI - L.SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp