Nhà giáo ưu tú, kiến trúc sư Khương Văn Mười phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: MAI HƯƠNG
Tọa đàm do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty TNHH cách âm, cách nhiệt Phương Nam tổ chức với sự tham gia của nhà giáo ưu tú, kiến trúc sư Khương Văn Mười; tiến sĩ, kiến trúc sư Trương Nguyễn Hoàng Long (giảng viên trường Đại học Kiến trúc TP.HCM); ông Nguyễn Quang Thuận (chuyên gia Xã hội học) và ông Giáp Văn Thanh (tổng giám đốc Công ty TNHH cách âm, cách nhiệt Phương Nam).
Con người đang làm thiên nhiên nổi giận
Những ngôi nhà chìm trong biển nước. Những mái ngói vỡ vụn. Những người phụ nữ ngồi thẫn thờ bên đống đổ nát... Câu chuyện ở xóm nhà sập tại vùng rốn lũ Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) trong phóng sự ngắn mở đầu tọa đàm làm tất cả những người có mặt ở hội trường lặng đi vì xúc động.
“Có quá nhiều việc cần làm sau bão, lũ. Chúng ta may mắn đang bình yên ngồi đây, còn đồng bào miền Trung đến giờ nhiều người thành vô gia cư. Thực trạng đó đặt cho mỗi người trách nhiệm sẻ chia”- KTS Khương Văn Mười nhận định và cho rằng cần bàn giải pháp đối với nhà ở, để làm sao khi tới đây, thiên tai sẽ còn ghé qua và bà con dù vẫn phải đối mặt nhưng sẽ giảm thiểu được thiệt hại.
Đi vào phân tích nguyên nhân, KTS Trương Nguyễn Hoàng Long lý giải do con người đang sống trong giai đoạn mà mọi hoạt động phục vụ cho nhu cầu tồn tại, phát triển đều chủ yếu dựa trên nền tảng khai thác nguồn tài nguyên, nhiên liệu hóa thạch. Điều đó có nghĩa là khi chúng ta càng phát triển thì càng tiêu tốn nhiều tài nguyên, càng tạo ra nhiều khí thải, rác thải và đặc biệt là hiệu ứng nhà kính. Tất cả những điều đó tích lũy theo năm tháng và làm trái đất nóng lên một cách đáng báo động.
“Giống như cơ thể bị sốt sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy khác ảnh hưởng đến sức khỏe”- ông Long ví von.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Trương Nguyễn Hoàng Long phân tích nguyên nhân thiên tai ngày càng nặng nề - Ảnh: MAI HƯƠNG
Ông Long còn cho biết các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng của trái đất đang tiến tới ngưỡng mà trái đất không còn có thể tự cân bằng được nữa. Cho nên, nếu cứ đà này, thiên tai sẽ ngày một tăng về số lượng cũng như độ khốc liệt.
Nói cách khác, chính con người với cách hành xử của mình đã khiến thiên nhiên thịnh nộ và cuối cùng, chính con người phải gánh chịu hậu quả.
Tuy nhiên, cũng theo ông Long, có một nghịch lý đang diễn ra: Nơi tạo ra nhiều khí thải thường là khu vực đô thị, các khu công nghiệp. Còn nơi chịu tác động của biến đổi khí hậu thường là những nơi xung yếu nhất. Ở Việt Nam là khu vực miền trung - nơi hàng năm đều gánh chịu hậu quả thiên tai.
Giải pháp nhà khung thép, mái tôn
Sinh ra ở miền Trung, lại vừa có chuyến tác nghiệp tại tâm bão, rốn lũ vào cuối tháng 10-2020, phóng viên Ngọc Hiển - người dẫn chương trình buổi tọa đàm - mang đến câu chuyện về những người dân liều mình bất chấp tính mạng trèo lên mái nhà để cột từng tấm tôn khi bão đổ bộ, bởi ngôi nhà - với người nghèo - là cả một gia tài. Thế nhưng thực tế đau lòng là sức người luôn nhỏ bé trước cơn cuồng nộ của thiên nhiên- và đã có người chết, người bị thương.
Vấn đề đặt ra là liệu có mô hình nhà ở nào, với loại vật liệu nào có thể phù hợp với bối cảnh thời tiết mưa bão thất thường như vậy? KTS Khương Văn Mười cho biết thời gian qua, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã từng tổ chức các cuộc thi thiết kế mô hình nhà cho vùng thiên tai, đồng thời có làm một số căn nhà tại miền Trung.
Theo ông Mười, với đặc điểm thời tiết hay có mưa bão, nhà khung thép lắp ráp sẵn, che mái tôn có thể đáp ứng yêu cầu cơ động. Ngoài ra, nhà cho vùng thiên tai phải đáp ứng yếu tố ứng cứu nhanh: khi có sự cố xảy ra người dân có đường thoát lên mái nhà nhanh và an toàn nhất.
Lý giải nguyên nhân vì sao những thiết kế chuyên biệt như vậy chưa phổ biến, ông Mười cho rằng do đa phần đồng bào vùng thiên tai còn nghèo, lo cái ăn, cái mặc còn khó nên chưa có điều kiện đầu tư nơi ở bền vững.
Đồng tình với ông Mười, KTS Trương Nguyễn Hoàng Long cũng cho rằng vật liệu làm mái nhà phải rẻ và mang tính cơ động. Nhà nước có thể có chủ trương, đưa ra những mô hình định hướng, ưu tiên những kết cấu nhẹ, vừa túi tiền và cơ động.
Ông Giáp Văn Thanh - tổng giám đốc Công ty TNHH cách âm, cách nhiệt Phương Nam - chia sẻ về những loại vật liệu thích hợp cho nhà ở vùng thiên tai - Ảnh: MAI HƯƠNG
Dưới góc độ một nhà kinh doanh vật liệu xây dựng, ông Giáp Văn Thanh - tổng giám đốc Công ty TNHH cách âm, cách nhiệt Phương Nam - cũng cho rằng để đáp ứng nhu cầu xây, sửa nhà nhanh thì khung nhà thép và tôn là tốt nhất. Trên thị trường hiện nay các loại vật liệu đa phần đều tốt: khung thép chắc, tôn dầy, chất lượng mạ tốt, tính cách nhiệt cao. Nhà cho vùng thiên tai nên thiết kế nhỏ gọn, nền móng chắc, kết cấu chắc, ưu tiên cao độ để hạn chế bị nước ngập. Phần mái dù đổ bê tông hay lợp tôn, ngói thì cũng nên thiết kế đường thoát hiểm phòng khi nước dâng cao thì bà con theo đường này lên mái nhà để chờ cứu hộ.
Thực tế, những căn nhà tường bằng gạch khi nước lũ lên thì tường bị ngấm nước, làm giảm tính liên kết, chỉ cần luồng nước đánh qua là tường sập.
Nhà làm chi phí thấp thì không có khung, chỉ làm kèo mái nương theo tường- tường sập là mái sập. Nếu nhà có khung thép chịu lực tốt, cộng với nền móng tốt sẽ tạo độ chắc chắn cho căn nhà.
Hướng tới phát triển bền vững dù đối mặt thiên tai
Ông Nguyễn Quang Thuận - chuyên gia Xã hội học - chia sẻ rằng bản thân ông rất xúc động khi nhìn thấy đợt bão lũ vừa qua, người dân đô thị như TP.HCM, Bình Dương... đã thức trắng đêm để canh nấu từng nồi bánh tét, bánh chưng cứu trợ cho đồng bào miền trung. Hay như ngay tại gia đình ông, những em bé mới 5-6 tuổi, mỗi tối vẫn còn tranh nhau xem phim hoạt hình thì mấy ngày bão lũ đã biết ngồi coi thời sự và đồng cảm với mất mát của đồng bào.
“Nói như vậy để thấy tinh thần tương thân tương ái đã ngấm sâu vào huyết quản của từng người dân Việt. Hơn lúc nào hết, xã hội cần chung tay để giúp bà con có mái nhà, từ đó gượng dậy sau thiên tai. Ngoài nhà ở, các công trình phúc lợi xã hội cũng cần quan tâm như trường học, bệnh xá cho người dân vùng lũ” - ông Thuận nói.
Bà Trần Thị Nhuần (59 tuổi, xóm 1, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh khóc nức nở: "Nhà tôi tan nát hết rồi, lấy chi mà ở"- Ảnh: DANH TRỌNG
Còn theo ông Trương Nguyễn Hoàng Long, giải pháp dài hạn phải mang tính toàn cầu chứ không giới hạn trong một địa phương hay quốc gia. Cụ thể, giải pháp cần mang tính tổng thể để điều chỉnh hoạt động quản lý chung, trong đó có hoạt động sản xuất, phát triển. Công trình phải có tính tiết kiệm và hiệu quả.
“Tiết kiệm là phải xây công trình tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm vật liệu, ít xả thải ra môi trường. Muốn vậy thì kiến trúc phải dựa vào vào tài nguyên và năng lượng tự nhiên là chính. Ưu tiên xu hướng thiết kế thụ động và sử dụng vật liệu năng lượng tự nhiên, giải phóng, giảm phụ thuộc vào công nghiệp và những hoạt động phát sinh khí thải” - ông Long nhấn mạnh.
Vật liệu "xanh" cho công trình
Ông Giáp Văn Thanh cho biết hiện ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, khái niệm "vật liệu xanh" đã không còn xa lạ. Tuy nhiên ở Việt Nam, vấn đề này còn khá mới mẻ. Vật liệu xanh tạo cho công trình khả năng giảm thiểu khai thác từ tự nhiên: không đào bới, xây tô nhiều, không dùng các vật liệu làm ảnh hưởng môi trường sống, tác động ít nhất tới đất, nước, gió, ánh sáng, không khí…
Hiện Công ty TNHH cách âm, cách nhiệt Phương Nam đang là một trong những đơn vị tiên phong sản xuất vật liệu xanh. Tin rằng đây sẽ là xu thế trong xây dựng thời gian tới ở Việt Nam.
"Chúng tôi mong chia sẻ đóng góp bằng chính vật liệu mà Phương Nam sản xuất. Ngoài ra, chúng tôi hy vọng có sự chung tay cùng các đơn vị, tổ chức khác như đơn vị thiết kế, đơn vị kèo thép, công ty làm nền móng, khung nhà… Phương Nam sẽ tài trợ panel làm vách bao che và tôn cách nhiệt 2 lớp để lợp lại mái nhà cho người dân vùng thiên tai"- ông Thanh chia sẻ đầy tâm huyết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận