
Rác dồn ứ trên kênh 19-5 (đoạn qua phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) - Ảnh: NGỌC KHẢI
Bán gạo rẻ lề đường bị mời làm việc, vì sao?
Gọi đến đường dây nóng Tuổi Trẻ, bạn đọc Triều có số điện thoại 038756**** cho biết: "Tôi bán gạo ven đường thuộc huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, vào chiều 17-2 có một nhóm người tự xưng là quản lý thị trường đến xe gạo của tôi đòi tịch thu. Tôi đã xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ mua gạo qua điện thoại nhưng họ vẫn tịch thu".
Phóng viên Tuổi Trẻ tại địa bàn đã nhanh chóng ghi nhận vụ việc.
"Xuất phát từ việc nhiều nhà máy xay xát, kho lúa gạo không thể xuất khẩu được hàng trong dịp cuối năm 2024 nên xả kho, vợ chồng tôi đã thuê xe tải mua gạo của một nhà máy xay xát tại thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang để bán lẻ tại các lề đường kiếm lời.
Và không có ai nhắc nhở hay kiểm tra hóa đơn", bạn đọc Triều cho biết.
Tính đến thời điểm xảy ra sự việc, gia đình bà Triều đã bán hơn 750 bao gạo (loại 50kg) cho người dân Bến Tre.
Với số gạo bị tịch thu, ông Bùi Văn Hoàng Phong (chồng bà Triều) cho biết: "Tôi yêu cầu lực lượng quản lý thị trường phải niêm phong và lập biên bản số gạo nói trên nhưng họ không đồng ý".
Theo Công an tỉnh Bến Tre, vụ việc xảy ra vào khoảng 15h ngày 17-2, Công an thị trấn Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra đột xuất vụ mua bán gạo không có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ, đang được bày bán bên lề đường do ông Bùi Văn Hoàng Phong (31 tuổi, quê Bến Tre) đứng bán, trên xe tải và bày bán trên lề đường khoảng 30 bao gạo, loại 50kg/bao.
Tại thời điểm kiểm tra, ông Phong không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.
Trong quá trình làm việc ông Phong không chấp hành, có lời lẽ xúc phạm, điện thoại gọi cho người nhà đến thu gom gạo cho lên xe tải và khóa cửa thùng xe, cản trở và tấn công lực lượng làm nhiệm vụ.
Các đương sự tiếp tục dùng điện thoại quay video phát tán lên mạng xã hội với lời lẽ bịa đặt, vu khống lực lượng làm nhiệm vụ.
Lực lượng công an đã phối hợp các lực lượng liên quan khống chế 5 người đưa về trụ sở công an để làm việc. Qua làm việc, các đương sự đã thừa nhận có hành vi chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng.
Qua vụ việc này nhiều bạn đọc nêu thắc mắc về việc có thể xuất trình hóa đơn điện tử có đúng qui định không? Việc tạm giữ tang vật có phải lập biên bản, niêm phong tang vật không?
Theo luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM), hiện nay theo nghị định 123/2020 và thông tư 78/2021, hầu hết doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã chuyển sang hóa đơn điện tử thay vì hóa đơn giấy.
Việc gửi hóa đơn điện tử qua điện thoại, nếu hóa đơn đó có đầy đủ thông tin và có thể tra cứu trên hệ thống của cơ quan thuế, thì cơ quan quản lý thị trường vẫn phải chấp nhận nó như một căn cứ ban đầu để kiểm tra tính hợp lệ của hàng hóa.
Còn việc tạm giữ tang vật theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết.
Mọi trường hợp tạm giữ tang vật phải được lập thành biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của tang vật và phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm.
Biên bản phải được lập, người vi phạm giữ một bản (điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Vừa vớt xong, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè lại lềnh bềnh rác
Phản ánh với Tuổi Trẻ Online, một số người dân cho biết vài ngày nay kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đoạn gần cầu số 1, quận Tân Bình, TP.HCM) thường xuyên bốc mùi hôi bởi rác và cá chết.
Theo ghi nhận, sáng 18-2, đơn vị thu gom rác đang tích cực dùng máy móc vớt lượng lớn rác tại đoạn kênh trên, đến khoảng 9h30 cùng ngày việc thu gom rác tạm ngưng.
Nhưng trưa cùng ngày, rác lại dồn về đoạn kênh trên, lẫn trong đó có cá chết, bốc mùi hôi nồng nặc.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chảy qua 5 quận gồm Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, quận 1, quận 3 và đổ ra sông Sài Gòn.
Điểm bắt đầu của dòng kênh là từ cửa cống hộp giao giữa đường Lê Bình và Út Tịch thuộc quận Tân Bình (cầu số 1).
Đây cũng là nơi xảy ra tình trạng dồn ứ rác, trở thành vấn đề nhức nhối từ nhiều năm qua. Dù thành phố đã làm nhiều cách để cải thiện, nhưng rác thải vẫn thường xuyên tích tụ, tạo nên những mảng rác lớn trôi nổi, bốc mùi hôi thối, mất mỹ quan đô thị, đặc biệt sau mỗi cơn mưa lớn đầu mùa.
Không chỉ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, một số kênh tại TP.HCM như kênh 19-5 (qua quận Tân Phú, Bình Tân), kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) cũng có nhiều rác dồn ứ.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online cùng ngày 20-2, kênh Hy Vọng (đoạn gần đường Phan Huy Ích, phường 15, quận Tân Bình) cũng có rất nhiều rác.
Sau phản ánh của Tuổi Trẻ Online, sáng 22-2, nhóm công nhân thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM cùng một xe cẩu, một xe ép rác đến kênh 19-5 (đoạn qua phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) - đoạn kênh dồn ứ nhiều rác thải và bốc mùi hôi thối.
Hơn 5 giờ đã vớt hơn 6 tấn rác ùn ứ trên kênh 19-5.
Trước đó, vào tháng 12-2024 qua phản ánh của bạn đọc, Tuổi Trẻ Online đã ghi nhận kênh Hy Vọng ngập tràn rác. Sau đó rác không còn dồn ứ trên kênh bởi… người vớt ve chai. Nhưng nay kênh Hy Vọng lại… tuyệt vọng vì rác.
Liên quan chuyện xả rác nơi công cộng, tuần qua bạn đọc cũng phản ánh đến Tuổi Trẻ Online tình trạng rác thải vứt bừa bãi dưới cầu đi bộ ga metro An Phú và Thảo Điền, TP Thủ Đức. Ngay sau đó phóng viên đã ghi nhận, phản ánh.
Trăn trở với vấn đề phân loại rác khi quy định phạt tiền trường hợp không phân loại rác có hiệu lực từ tháng 8-2022 có thể bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng, và nhiều nơi đã vạch lộ trình để người dân phân loại rác nhưng rồi vẫn chưa thực hiện, bạn đọc gửi góp ý phân loại rác tại nguồn, chờ đến bao giờ?
Trong tuần nhiều thông tin khác bạn đọc phản ánh Tuổi Trẻ đã nhanh chóng triển khai thành tin, bài như: Vì sao cấm xe đi thẳng qua giao lộ Nguyễn Tri Phương - Trần Hưng Đạo?; Yêu cầu "xem xét xử lý sai phạm" thầy giáo bị tố dâm ô học sinh; Hộ chiếu còn thời hạn nhưng không có hộ khẩu, có thể làm căn cước công dân không?...
Cảm ơn bạn đọc đã tin tưởng và đồng hành cùng Tuổi Trẻ.
Mong tiếp tục nhận được những thông tin phản ánh của bạn đọc qua điện thoại Đường dây nóng và Zalo 23658458, email [email protected], [email protected], fanpage Tuổi Trẻ, hoặc mục Bình luận dưới các tin bài trên tuoitre.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận