Đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Phạm Như Chương (ngụ quận 1, TP.HCM) vẫn tự mình bắt xe ôm đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ để gửi 500.000 đồng ủng hộ chương trình "Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19" - Ảnh: NHẬT THỊNH
Mỗi người góp sức để ai cũng được tiêm vắc xin
"Tôi đến tham gia chương trình đóng góp mua vắc xin này", chú Bùi Quang Thảo (70 tuổi, ngụ quận Tân Phú) mang tới 5 triệu đồng cùng số báo ngày 25-2 đăng thông tin phát động chương trình "Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID19".
Chú chia sẻ gia đình giờ còn hai vợ chồng già với đứa cháu nội, chỉ bán buôn lặt vặt để kiếm sống nhưng "coi như bớt ăn bớt mặc để làm chuyện chung".
"Tôi đọc báo cũng biết trước mắt Nhà nước tiêm cho những người tuyến đầu, rồi đến người dân sau. Mai mốt rồi cũng đến lượt mình. Cũng mong chương trình vắc xin nhanh chóng đến với tất cả mọi người để cuộc sống bình thường trở lại và kinh tế ổn định", chú chia sẻ.
Là bạn đọc lâu năm của báo Tuổi Trẻ và cũng đã nhiều lần đến Tuổi Trẻ tham gia đóng góp nhiều chương trình xã hội, họa sĩ Nguyễn Hoàng (78 tuổi) - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM - chia sẻ: "Tôi vừa đọc báo sáng nay, thấy Tuổi Trẻ phát động, vợ chồng tôi đã dành ra một phần nhỏ để đóng góp cùng mọi người.
Nhà nước chủ trương tiêm vắc xin miễn phí là rất nhân văn và cần thiết. Nhưng sức Nhà nước cũng có hạn, chống dịch cũng đã qua thời gian hơn 1 năm nên tôi nghĩ người dân cũng nên cùng nhau đóng góp. Mỗi người một chút thì vắc xin sẽ sớm được phổ biến rộng rãi", họa sĩ chia sẻ.
Chú Bùi Quang Thảo (70 tuổi, ngụ quận Tân Phú) mang tới 5 triệu đồng đóng góp cho chương trình Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19 - Ảnh: VŨ THỦY
Biết thông tin về chương trình, anh Nguyễn Việt Thái - trưởng phòng Trung tâm truyền thông và tuyển sinh ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM) - cũng đang lên kế hoạch phát động toàn bộ sinh viên, giảng viên, cán bộ tham gia.
"Đây là một chương trình rất hay và nhân văn. Sinh viên không có nhiều tiền nhưng tích tiểu thành đại. Người dân một lòng cùng chung tay thì vắc xin sẽ sớm đến được với tất cả mọi người", anh chia sẻ.
Anh Thái cho biết hiện nay trường có khoảng 500 cán bộ giảng viên và khoảng 12.000 sinh viên. "Chúng tôi sẽ phát động sinh viên trực tiếp đóng góp qua tài khoản của báo Tuổi Trẻ hoặc đóng góp trực tiếp tại trường và trao lại cho Tuổi Trẻ", anh nói thêm.
'Vắc xin mà được bán thì chúng tôi không mua nổi'
Đó là chia sẻ của nhiều người lao động, sinh viên khi nghe những thông tin đầu tiên về tiêm phòng vắc xin COVID-19.
Cô Trần Thị Ái - (46 tuổi), bán xe đậu hũ - tâm sự: "Nghe nói có vắc xin thì cũng mừng nhưng cũng chẳng biết khi nào tới lượt mình. Giờ thì cũng cố phòng ngừa cẩn thận vậy thôi. Đi bán cũng đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên. Nếu vắc xin được bán như trong tiệm thuốc thì chắc không mua nổi đâu.
Ai cũng cần, ai cũng muốn mua, người ta tăng giá thì mình làm gì có tiền mua nổi. Giá vài triệu một liều thì bán hàng rong, ăn đong từng bữa, bỏ ra chừng đó tiền thì biết lấy đâu ra. Nhiều người chỉ bán ngày chừng 100.000-200.000 đồng, tiền ăn, tiền trọ là hết rồi".
Còn chị Nguyễn Thị Kim Xuân - công nhân may (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, quận Bình Tân) - bày tỏ: "Chỉ mong Nhà nước hỗ trợ tiêm vắc xin miễn phí thì công nhân, người nghèo mới mong được tiêm.
Vắc xin mà bán như khẩu trang, người có nhiều tiền mới mua nổi. Công nhân bình thường đã khó khăn, cả năm qua lại bị giảm lương, mất việc nên càng khó có điều kiện để mua vắc xin, mua với giá cao thì càng khó khăn hơn.
Mà vắc xin thì ai cũng cần. Tôi nghĩ chương trình báo Tuổi Trẻ đang kêu gọi mọi người cùng đóng góp cho Nhà nước để tiêm vắc xin miễn phí cho tất cả mọi người là rất hay, rất thiết thực".
Thúy Ngân (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) chia sẻ: "Năm 2020 chúng tôi chỉ học trực tuyến, sau đó bắt đầu chương trình học thực tế. Sinh viên năm nhất thì hầu như cả năm học trực tuyến.
Theo tôi nghĩ, việc sinh viên, học sinh nhanh chóng được tiêm vắc xin và sớm ổn định việc học là rất cần thiết".
Trình bày: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận