09/08/2017 19:32 GMT+7

​Bạn đọc Tuổi Trẻ chia sẻ với người dân Mường La

HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU
HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU

TTO - Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh đoàn Sơn La đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên và chia sẻ với nỗi đau thương, mất mát của gia đình có người chết, mất tích trong trận lũ dữ đêm 2-8 tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Đại diện Tỉnh đoàn Sơn La và báo Tuổi trẻ thăm hỏi bà con bị thiệt hại tại Mường La - ẢNH: Hà Thanh
Đại diện Tỉnh đoàn Sơn La và báo Tuổi trẻ thăm hỏi bà con bị thiệt hại tại Mường La - ẢNH: Hà Thanh

Xã Nặm Păm, huyện Mường La là nơi tang thương nhất trong cơn lũ dữ với 142 nhà bị trôi hoàn toàn, 7 người chết và 3 người mất tích tính đến thời điểm trưa 9-8.

“Nhớ vợ, nhớ con, tôi đi lang thang”

Chúng tôi gặp anh Lò Văn Cu (bản Huổi Hốc) tại trụ sở UBND xã Nặm Păm khi anh vừa ăn xong bát cơm trưa cùng với bộ đội. Sau cơn lũ dữ, mẹ già hơn 80 tuổi đang ở bản trên xa nên mấy ngày nay anh đi lang thang xin ngủ nhờ tại các lán.

Biết được hoàn cảnh tang thương của anh Cu khi mất vợ, mất con, mất cả mẹ vợ trong trận lũ kinh hoàng vừa qua, bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã đến trực tiếp chia sẻ, hỗ trợ gia đình anh sớm ổn định cuộc sống.

Anh Cu ngậm ngùi: “Bây giờ mình vất vả lắm. Nhà không có, nhớ vợ, nhớ con, tôi đi lang lang cho đỡ buồn. Mấy bữa nay được ăn cơm bộ đội nấu cho, không đói nữa”. Anh Cu gửi lời cảm ơn đến bộ đội, đến bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã giúp đỡ anh trong thời khắc tang thương nhất.

Ở thôn bản Hốc, gia đình của em Quách Thị Xuân cũng đang lập bàn thờ tạm cho hai bố con anh Quàng Văn Năm.

Hơn một tuần nỗ lực tìm kiếm người mất tích từ xã Nặm Păm xuôi xuống đập thủy điện Hòa Bình, thuê máy xúc, máy ủi tìm kiếm tại vị trí ngôi nhà bị vùi lấp, đến sáng 9-8, gia đình vội vã xuống tận thị trấn Vân Hồ, Sơn La, để xác minh danh tính khi nhận được thông tin tìm kiếm được thi thể người mất tích.

“May quá chị ơi, họ nói đúng là anh Nhợp (tên thường ngày của em Quách Văn Nhập - PV), họ coi dấu vân tay, bác em xác nhận rồi. Giờ chỉ mong tìm được bố nữa để về làm ma cho họ”, em Xuân nghẹn ngào nói.

Dưới đó là bản Huổi Hiếng, anh Cù Văn Uẩn cũng lập tạm ba bát hương để thờ vợ và hai con bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Suốt mấy ngày qua anh Uẩn đau đớn không ăn uống nổi gì, anh nói “chỉ muốn chết theo vợ con”.

Anh Cà Văn Uẩn trước bàn thờ vợ và hai con - ẢNH: Hà Thanh
Anh Cà Văn Uẩn trước bàn thờ vợ và hai con - ẢNH: Hà Thanh

Trường tiểu học bị san phẳng

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Thành Công, Bí thư huyện ủy Mường La, cho biết đã có phương án cụ thể giúp các em học sinh bị thiệt hại sau lũ có thể vào được năm học mới.

Phương án thứ nhất là tại điểm trường Trường Tiểu học Nặm Păm bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, bố trí cho các em xuống điểm trường Trường THCS học lớp ghép, chia ca để học. Buổi sáng THCS học, chiều Tiểu học học.

Phương án thứ hai là xây dựng nhà lắp ghép cho các điểm trường để các em kịp vào học. Riêng với điểm trường Hua Nặm ngay sát thị trấn có thể chuyển đến thị trấn để học.

Như vậy, các điểm trường đã được bố trí, phương án đến ngày 25-8 hoàn thiện cho các em chuẩn bị cho năm học mới. Các thiết bị dạy học, sách vở, bàn ghế lắp ghép, đồ dùng học tập được sự ủng hộ, giúp đỡ tối đa của các tổ chức.

Anh Nguyễn Duy Dũng, phó bí thư tỉnh đoàn Sơn La cho biết, sau lũ tỉnh đoàn chỉ đạo các đơn vị đoàn, huyện thành đoàn, đoàn trực thuộc thành lập các đội hình tình nguyện, tiến hành quyên góp, ủng hộ, chung tay chia sẻ với đồng bào bị thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tỉnh đoàn chỉ đạo huyện đoàn Mường La phối hợp với Tổng đội TNXP tỉnh thành lập các đội tình nguyện tại chỗ, tiến hành giúp bà con di dời nhà cửa khỏi các vùng có nguy cơ sạt lở, mất an toàn, dọn dẹp vệ sinh môi trường, vận chuyển hàng cứu trợ đến bà con vùng sâu, vùng xa mà xe cơ giới không đến nơi được…

Dự kiến cuối tháng 8, tiến hành xây dựng xong hai nhà lớp học lắp ghép với 7 phòng học có diện tích trên 400m2 để kịp cho các em có thể bước vào khai giảng.

Nhà bị nước lũ cuốn trôi, người dân dựng lán ở tạm ngay bên đường - ẢNH: Hà Thanh
Nhà bị nước lũ cuốn trôi, người dân dựng lán ở tạm ngay bên đường - ẢNH: Hà Thanh

Về phương án hỗ trợ nhà ở cho dân sau lũ, ông Nguyễn Thành Công cho biết đã đề xuất với tỉnh các nội dung cụ thể. Một là lập dự án di dân ở nơi tái định cư mới, và đề xuất tỉnh xây nhà hai gian lắp ghép, dựng nhà cho bà con ở.

Hai là thực hiện giải pháp thi công ngay con đường từ điểm Pi Toong chạy lên đỉnh Sam Síp nối xã Ngọc Chiến, đánh giá lại địa chất; bố trí sắp xếp dân cư ở dọc hai bên khu vực bản Hua Nặm còn đủ điều kiện cả về địa chất có thể ở được không. Đánh giá địa chất nếu không ảnh hưởng gì thì cho bà con ổn định, tạo khu đất sản xuất, có thể xử lý nạo vét, thanh thoải lòng suối, bồi đất xử lý đất canh tác.

Sau cơn lũ, trên địa bàn huyện Mường La có 15 người chết và mất tích. Để chia sẻ với nỗi đau thương, mất mát của các gia đình, bạn đọc báo Tuổi Trẻ ủng hộ cho mỗi gia đình có người chết, mất tích là 5 triệu đồng/hộ để động viên các gia đình vượt qua đau thương.

Trong những ngày tới, báo Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục trao tận tay số tiền và chia sẻ cho các gia đình có người chết, mất tích sau lũ. Đồng thời quyết định trao 100 suất học bổng “Ngăn dòng bỏ học” cho 100 em học sinh bị mất nhà cửa, nhà cửa bị hư hỏng nặng sau lũ, động viên các em đến trường trong năm học mới.

HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp