Và họ trao gửi những thông điệp, cả những bức xúc.
Ðể rồi Tuổi Trẻ đã có những câu chuyện hay, những bài viết in đậm dấu ấn trong lòng độc giả.
Phóng to |
Bà Nguyễn Thị Nghiệp - báo Tuổi Trẻ - gắn huy hiệu “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” cho anh Nguyễn Thanh Quang - Ảnh: My Lăng |
Khi sự kiện về vụ rung chấn ở Hà Nội vừa xảy ra đêm 24-3-2011, rất nhanh sau đó, lúc 21g38 trên Tuổi Trẻ Online (TTO) xuất hiện bài ghi nhanh cùng hình ảnh, clip về vụ rung chấn. Ký tên đồng tác giả cùng phóng viên Tuổi Trẻ là một cái tên rất lạ: Thu Giang. Giang chính là người chụp ảnh, quay clip và gửi tin ghi nhận cho Tuổi Trẻ sớm nhất về tình hình khi sự việc vừa xảy ra.
Cô nữ sinh 9X và clip về rung chấn
Người tạo nên sự sửng sốt với biên tập viên của tòa soạn TTO trực ca đêm hôm ấy là cô sinh viên sinh năm 1992 của Học viện Báo chí tuyên truyền Hà Nội. Nhờ thông tin của Giang, TTO là một trong những báo điện tử đăng tin sớm nhất về sự kiện này với đầy đủ thông tin, hình ảnh và clip. Trong khi Thu Giang chụp ảnh rồi quay clip thì liên tiếp 2-3 đợt dư chấn.
"Tôi nghĩ sự kiện này mọi người rất quan tâm nên phải gửi ngay cho báo. Trong các tờ báo mạng, tôi thích đọc TTO nhất nên gửi ngay theo địa chỉ dành cho bạn đọc của TTO" - Giang bảo. Ngay sau đó, hình ảnh và bài ghi nhanh - có thêm một số thông tin từ phóng viên Tuổi Trẻ - đã xuất hiện trên TTO. Thu Giang chia sẻ một chi tiết khá thú vị: "Clip dung lượng nặng quá, đưa lên mạng hơn 30 phút vẫn không được. Tôi phải mò tìm một phần mềm tải về, giảm dung lượng clip xuống mới gửi thành công".
Thu Giang đã đoạt giải "Làm báo cùng Tuổi Trẻ" tháng 3-2011. "Dù tính tương tác của Tuổi Trẻ với bạn đọc hiện giờ rất tốt nhưng Tuổi Trẻ nên thúc đẩy nhiều hơn nữa hoạt động khuyến khích với bạn đọc. Khi đó bạn đọc mới đủ can đảm và niềm tin viết bài hay báo tin cho Tuổi Trẻ" - Thu Giang gửi gắm.
Phóng to |
Những bạn đọc đã được trao huy hiệu “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” (từ trái qua): Phương Thị Thu Giang với sự kiện rung chấn ở Hà Nội, Mai Thu Thủy với thông tin về nhân vật trong bài viết “Dũng cảm cứu người”, Ngô Nữ Huyền Trang - tác giả bài viết về “lối sống emo” trong loạt bài “Tiếng kêu cứu từ nỗi cô đơn” và Đỗ Phi với bài “Giúp người nghèo một bữa no” - Ảnh: minh đức - ngọc hà |
"Tác nghiệp" cùng phóng viên
Ngày 29-11-2010, bài viết "" của Tuổi Trẻ gây xôn xao và bức xúc trong dư luận. 889 phản hồi gửi về và liên tiếp sau đó là hàng loạt phóng sự điều tra về nhiều kiểu gian lận khác của các cây xăng trong thành phố. Loạt bài gây tiếng vang lớn ấy vừa đoạt giải II Giải báo chí TP.HCM 2011.
Dấu ấn thành công ấy bắt đầu từ thông tin của bạn đọc Nguyễn Hoàng Phương, sinh năm 1990, sinh viên Trường ÐH KHTN TP.HCM. Chính Phương đã cùng phóng viên, cộng tác viên Tuổi Trẻ thâm nhập, tìm hiểu cách thức gian lận của cây xăng và chỉ ra những cây xăng khác có dấu hiệu mờ ám.
Tuổi Trẻ đã gửi lời tri ân đến bạn Phương cùng mức thưởng cao nhất trong đợt bình chọn trao giải "Làm báo cùng Tuổi Trẻ" tháng 1-2011.
Phương đã nhập cuộc thật sự khi tình nguyện đi theo các nhà báo dù phải học cả ngày và nhà ở gần Nhà Bè. Bất cứ khi nào chúng tôi cần hỗ trợ, Phương lại nhiệt tình xuất hiện. Có khi nửa đêm bạn vẫn ở các cây xăng.
Ðánh giá cao cách tiếp cận thông tin và tính tương tác của Tuổi Trẻ với bạn đọc, Phương nhận định: "Những phản hồi trên Tuổi Trẻ nhiều và có chất lượng, trong khi các báo khác sự việc phải thật quan trọng người ta mới ghi ý kiến. Tôi cảm thấy rất vui vì thông tin mình đưa ra có ích, quan trọng, được nhiều người quan tâm. Ðó cũng là động lực để tôi tiếp tục muốn cộng tác với Tuổi Trẻ".
Theo Phương, mỗi bạn đọc cũng nên là một phóng viên nghiệp dư. Ðừng bàng quan, thờ ơ với những điều nhỏ nhất xảy ra quanh mình. Những cái mình thấy có thể không có ích cho mình nhưng mang lại cái lợi, cái tốt cho nhiều người thì rất nên làm!
"Mỗi người đều nhìn thấy cái xấu nhưng có thể chưa biết cách phản ảnh, liên hệ với Tuổi Trẻ. Số điện thoại đường dây nóng của Tuổi Trẻ in trên trang nhất mỗi ngày nhưng nhiều người không để ý, không biết. Với sinh viên, nếu Tuổi Trẻ có một bài nhỏ giới thiệu về đường dây nóng, dán ở bảng tin Ðoàn trường, Ðoàn khoa thì chắc chắn nhiều sinh viên sẽ biết tới nhiều hơn và lưu vào máy mình. Khi bạn đọc báo tin, dù được đăng hay không, Tuổi Trẻ cũng nên phản hồi" là điều gửi gắm của Phương.
Phải bám sát cuộc sống
"Trình độ và khả năng tìm kiếm thông tin của bạn đọc bây giờ rất cao. Mỗi nhà báo phải bám sát cuộc sống hơn nữa, phản ảnh trung thực và chính xác hơn. Phải xác định: viết cho bạn đọc, cho xã hội chứ không phải viết cho mình" - anh Nguyễn Thanh Quang, chủ nhân của đoạn phim về chiếc , người đã nhận giải "Làm báo cùng Tuổi Trẻ" tháng 5-2011, "đặt hàng" Tuổi Trẻ.
Từ clip của anh Quang, báo Tuổi Trẻ và TTO đã thực hiện nhiều bài viết thu hút 517 phản hồi của bạn đọc. Kết quả, Công an tỉnh Long An đã xử phạt tài xế trên.
"Không lực lượng nào mạnh và đông như nhân dân vì có mặt khắp mọi nơi. Ðể phát huy tính tự giám sát của dân phải có các quy định kèm theo như: chứng cứ dân gửi phải được trân trọng, người gửi clip phải chịu trách nhiệm về nội dung hình ảnh của mình gửi để việc tự giám sát không bị biến tướng, phải có biện pháp bảo vệ người lên tiếng... Khi mỗi người dân biết rằng mình đang bị giám sát sẽ tự động điều chỉnh bản thân. Phải điều chỉnh dân bằng luật" - anh Quang khẳng định.
Anh đặt hàng Tuổi Trẻ nên khai thác sâu hơn, kỹ hơn sự chênh lệch về cuộc sống của những người giàu - nghèo. Ðó là vấn đề lớn của xã hội.
MY LĂNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận