Như Tuổi Trẻ Online phản ánh: Liên quan căn biệt thự cổ của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh (nhà lầu ông Phủ) nằm ven sông Đồng Nai trước nguy cơ bị xóa sổ để làm đường, khơi lên nhiều ý kiến tranh luận từ giới chuyên môn và bạn đọc.
Sau khi báo Tuổi Trẻ tiếng Anh (Tuoi Tre News) đăng thông tin về kế hoạch tháo dỡ ngôi biệt thự cổ này, một số bạn đọc người nước ngoài đã bày tỏ ý kiến, đa phần mong muốn bảo tồn ngôi biệt thự.
"Hãy giữ lấy nó! Một khi công trình này mất đi rồi, chúng ta sẽ không thể nào mang nó trở lại, và một phần lịch sử sẽ vĩnh viễn mất đi" - bạn đọc Greg Reed bình luận trên Tuoi Tre News.
"Một tòa nhà đẹp như vậy cần được bảo tồn. Xin đừng phạm sai lầm khi phá hủy các tòa nhà tuyệt đẹp của đất nước các bạn. Khi lên kế hoạch xây dựng phát triển, hãy cân nhắc các địa điểm lịch sử và kiến trúc đẹp" - bạn đọc David Guye tiếp lời.
Trong khi đó, bạn đọc David Burdick cho rằng phải gìn giữ tòa nhà này, còn không chỉ vài năm tới, công trình sẽ biến mất và rơi vào quên lãng.
"Làm ơn đừng phá hủy lịch sử của các bạn" - bạn đọc Douglas Brown bình luận.
"Làm ơn hãy bảo tồn nó!" - Oicirtap R Sorteip bình luận kèm theo biểu tượng "xin".
Bạn đọc Joel Marold thì nêu ý kiến đồng tình với phương án di dời biệt thự vào bên trong mà tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đã đề xuất trước đó.
"Đó là một tòa nhà có tầm quan trọng lịch sử, có thể cải tạo, bảo tồn và biến nơi này thành một điểm du lịch văn hóa" - Lise Nguyen-Owen gợi ý.
Giữ lại biệt thự cổ làm điểm nhấn văn hóa của tỉnh
* Nếu công trình này bị phá bỏ thì không chỉ là sự tiếc nuối mà còn có lỗi với thế hệ mai sau, bởi không bảo tồn được những di sản do thế hệ trước để lại, góp phần làm giàu cho di sản văn hóa hiện nay.
Những biệt thự như nhà lầu ông Phủ có thể trở thành điểm nhấn văn hóa của tỉnh, của khu vực hoặc thậm chí đưa vào phát triển trong kinh tế di sản hay kinh tế du lịch.
(Trích ý kiến Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu - tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM)
* Hai giải pháp làm dự án đường ven sông mà vẫn giữ gìn biệt thự trăm tuổi Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh.
Đầu tiên là nhờ "thần đèn" di dời biệt thự vào bên trong và dành quỹ đất để biến khu vực này thành một điểm đến về văn hóa, du lịch.
Thứ hai là có thể "nắn" lại tuyến đường ra phía sông Đồng Nai. Khi đó tuyến đường ven sông sẽ đi ngang công trình trăm tuổi, mở ra tiềm năng về lâu dài cho Biên Hòa trong việc phát triển đô thị ven sông.
(Trích ý kiến Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận