Như Tuổi Trẻ thông tin, một điểm mới trong dự thảo Luật Đường bộ đang được Bộ Tư pháp thẩm định là Bộ Giao thông vận tải (đơn vị chủ trì soạn thảo) đã đề xuất bãi bỏ thẩm quyền dừng phương tiện của thanh tra giao thông.
Cụ thể, theo dự thảo lực lượng thanh tra giao thông sẽ chỉ thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm tĩnh về kết cấu hạ tầng đường bộ... mà không được dừng xe đang lưu thông như quy định hiện hành.
Không được quyền dừng xe là rất hợp lý
"Ủng hộ quan điểm của dự thảo luật. Chỉ khi có vi phạm mới được dừng xe, chứ người ta đang đi trên đường tự dưng bị gọi lại như vậy vừa lạm quyền vừa gây ra những hệ lụy không đáng có trên đường, nhất là tình trạng tiêu cực có thể từ đó xuất hiện" - bạn đọc nick name Mùa Thu Mây Ngàn nêu quan điểm.
Rất đồng tình với dự thảo, bạn đọc Nguyễn Nhật Đãng viết: "Nhất trí với dự thảo, thanh tra giao thông chỉ dừng xe khi phương tiện giao thông có nguy cơ hoặc đang gây hư hại hạ tầng giao thông (đường sá, cầu cống...). Theo tôi, những việc này thanh tra giao thông phải làm thường xuyên, đó là kiểm tra và lập biên bản đơn vị quản lý để xảy ra ổ voi, ổ gà, mất nắp cống...".
Đứng về phía số đông bạn đọc chọn đáp án thứ nhất, bạn đọc nick name ZingZi bổ sung: "Ủng hộ bãi bỏ. Thanh tra giao thông nên về đúng với từ ngữ đó. Yêu cầu đi tuần kiểm tra hiện trạng đường sá, cầu cống, những nơi hư hỏng, ổ gà, hư hỏng biển báo để nhanh chóng báo cáo khắc phục thì mới đúng là thanh tra giao thông".
Phải tách bạch, tránh tình trạng "lấn sân" giữa thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông, bạn đọc Nông Văn Tuấn phân tích: "Theo tôi, lực lượng thanh tra giao thông chỉ nên kiểm tra kết cấu cầu đường, biển báo giao thông, các đơn vị thi công cầu đường. Còn việc dừng xe xử lý vi phạm để cảnh sát giao thông thực hiện".
Bạn đọc hiến kế ngăn tiêu cực
Bên cạnh việc muốn bãi bỏ quyền dừng xe của thanh tra giao thông như dự thảo đề xuất, một số bạn đọc cũng đưa ra giải pháp nhằm tránh tình trạng tiêu cực có thể xảy ra khi dừng xe.
Bạn đọc Da Nang nêu quan điểm: "Dừng xe thì dễ phát sinh tiêu cực, không dừng xe thì không kiểm soát được phương tiện giao thông và người điều khiển phương tiện giao thông ở điều kiện nước ta".
Theo bạn đọc này: "Tối ưu nhất là vẫn cho dừng những xe có nghi ngờ nhưng cảnh sát giao thông phải có chốt rõ ràng, có phân công nhiệm vụ, công tác..., tránh trường hợp cảnh sát giao thông chạy xe vòng vòng như chơi trò đi bắt buôn bán gian là không được.
Ngoài ra, tại mỗi chốt cảnh sát giao thông phải có camera giám sát, người điều khiển phương tiện giao thông cứ hỏi lịch công tác của cảnh sát giao thông và mạnh mẽ phản biện, chấp nhận nộp phạt tiền vào ngân sách nhà nước nếu thấy sai. Cảnh sát giao thông không được rời chốt, tránh trường hợp tiêu cực xảy ra".
Từ suy nghĩ phải hạn chế tối đa việc dừng xe để kiểm tra, bạn đọc Thạch Hãn mong muốn: "Tôi nghĩ cả thanh tra giao thông lẫn cảnh sát giao thông đều không nên dừng xe người đi đường, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Việc dừng xe người đi đường sẽ tạo ra nhiều khả năng tiêu cực, cản trở người dân đi đường và tạo ra sự lạm quyền trong lực lượng thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông".
Góp thêm một góc nhìn, bạn đọc Phong bổ sung: "Cần thêm quy định cảnh sát giao thông muốn lập chốt hay tuần tra giao thông thì nên có sự phối hợp với một lực lượng khác là thanh tra giao thông hoặc quản lý đô thị hay cảnh sát 113 để tăng sự phối hợp và giám sát chéo nhau".
Thăm dò ý kiến
Tại dự thảo Luật Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đề xuất bãi bỏ thẩm quyền dừng phương tiện của thanh tra giao thông. Ý kiến của bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận