Người dân mong muốn TP.HCM sang năm mới sẽ không còn cảnh ngập lụt như thế này - Ảnh: T.T.D.
Tuổi Trẻ giới thiệu 4 ý kiến bạn đọc, 4 ước vọng trước thềm năm mới về những vấn đề “nổi cộm” trên báo chí năm qua.
Mong giảm kẹt xe, ngập nước
Bạn đọc Trần Văn Tường
Chuyện kẹt xe, ngập nước luôn là nỗi khổ, mối bận tâm hàng đầu với cư dân TP.HCM, đầu tàu kinh tế, đóng góp ngân sách nhiều nhất cả nước.
Theo thống kê sơ bộ tại TP.HCM, thiệt hại do kẹt xe mỗi giờ lên tới 2,4 tỉ đồng, thiệt hại do ngập nước gây ra mỗi năm ước tính hơn 1.500 tỉ đồng. Trên đường mưu sinh mỗi ngày, bao người chịu cảnh "chôn chân" bởi kẹt xe, ngập nước. Tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn và nguyên nhân cũng không chỉ do thiên tai...
Tính đến tháng 7-2018, tỉ lệ đất giao thông trên đất đô thị tại TP.HCM đạt 8,85% (theo quy hoạch là 22,3%). Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân từng nêu vấn đề: "1km2 đất đô thị phải có 10km đường nhưng hiện nay TP.HCM chỉ có 1,98km đường/km2, tức là chưa được tới 20% so với tiêu chuẩn. Mặc dù trong 6 năm qua mật độ đường của thành phố đã tăng từ 1,45km lên 1,98km/km2 nhưng khó đáp ứng yêu cầu đặt ra".
Thực trạng đầu tư công năm 2018, lĩnh vực giao thông còn khoảng 1.900 tỉ đồng chưa giải ngân, trong đó có tới 58 dự án với số tiền 940 tỉ đồng do chậm giải phóng mặt bằng, khâu chống ngập nước được bố trí 1.129 tỉ đồng nhưng chỉ giải ngân được 53%. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại các sở ngành, cơ quan, đơn vị khác cũng khá chậm. Phần nhiều liên quan đến chính sách và sự phối hợp các bên.
Công trình tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang bị chững lại. Dự án chống ngập bởi triều cường có vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng được kỳ vọng giúp kiểm soát ngập nước cho khoảng 6,5 triệu người dân các quận 1, 4, 7, 8 và huyện Bình Chánh, Nhà Bè cũng đã ngưng hẳn hơn 10 tháng nay. Thiệt hại vì đội vốn đầu tư, phát sinh lãi vay, lãng phí nhân sự và máy móc, thiết bị ước tính trung bình mỗi tháng 17-20 tỉ đồng.
Đầu tháng 1-2019, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được bổ sung vốn, điều chỉnh nhân sự, đang đẩy nhanh tiến độ. Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng cũng sẽ tái khởi động sau Tết Kỷ Hợi. Kế hoạch giảm kẹt xe từ năm 2018 đến 2020 đã được thông qua, 96.159 tỉ đồng sử dụng xây dựng mới các công trình cầu, đường với mục tiêu đến năm 2020 mật độ đường giao thông thành phố đạt 2,2km/km2, tỉ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,2% đất xây dựng đô thị.
Sẽ còn nhiều dự án giao thông, chống ngập nước triển khai. Mong những bất ổn thời gian qua cần được xem xét thấu đáo, rút kinh nghiệm sao cho vì hiệu quả lợi ích chung từ công trình.
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, dự án chống ngập và nhiều công trình giao thông khác không chỉ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mà còn là kỳ vọng của nhân dân thành phố để giảm kẹt xe, ngập nước. Nhiều người, cũng giống như tôi, ước mong thành phố giảm kẹt xe, ngập nước, mong nhìn thấy những tín hiệu tích cực từ những công trình.
TRẦN VĂN TƯỜNG
Tương lai giáo dục bắt đầu từ người thầy
Bạn đọc Lâm Minh Trang
Giáo dục năm qua, nhìn chung, ít vui, nhiều buồn. Từ những gian lận thi cử; nhiều vụ bạo lực, xung đột học đường giữa thầy - trò, giữa phụ huynh với thầy cô giáo; nỗi niềm nhà giáo bỗng dưng mất việc vì những cái sai trong tuyển dụng giáo viên... Một năm, quá nhiều chuyện buồn gắn với hình ảnh người thầy.
Tôi muốn gửi gắm niềm tin và ước vọng chân thành: dù sức ép của xã hội có lớn đến đâu đi nữa, cũng xin hãy bắt đầu câu chuyện đổi mới từ những người thầy. Bắt đầu từ việc đào tạo sư phạm. Đào tạo phải sát yêu cầu thực tế, để xã hội có những người thầy đủ chuẩn chất và có việc làm đúng chuyên môn.
Bắt đầu tiến trình đổi mới giáo dục, hãy để người thầy được toàn tâm toàn ý với mỗi tiết dạy, mỗi bài giảng, không bị những bủa giăng bởi các loại thủ tục, sổ sách; đừng để giáo viên mất quá nhiều thời gian cho những phong trào thi đua nở rộ khắp nơi. Đừng để thầy cô giáo phải "cắn răng" cùng học trò mình "diễn kịch" (vì điểm số và thành tích chẳng hạn).
Mỗi trường học là xã hội thu nhỏ. Hãy để cho học sinh học những bài học về sự trung thực, điểm thật, thành tích thật. Chuyện này bắt đầu từ những người thầy, trước tiên là những người làm quản lý giáo dục.
LÂM MINH TRANG
Mong giảm tai nạn giao thông
Bạn đọc Trần Kiêm Hạ
Ước muốn của tôi: mong sao tai nạn giao thông giảm hẳn, ra đường không còn nơm nớp lo sợ tai nạn giao thông.
Mong không còn những tài xế chủ quan dùng bia rượu, dùng chất kích thích rồi lái xe bạt mạng. Để ngăn chặn ngọn nguồn tai nạn giao thông, mong cơ quan chức năng chú trọng siết chặt việc đào tạo lái xe. Mong những trường đào tạo lái xe đào tạo ra tài xế đủ kỹ năng cầm lái và đạo đức tốt trước khi họ ôm vôlăng trên đường.
Tiếp theo, cần sớm ban hành luật cấm tuyệt đối chuyện uống bia rượu trước khi lái xe. Tôi cũng muốn cơ quan chức năng phối hợp với chủ xe hoặc các công ty vận tải thanh lọc những tài xế ý thức đạo đức nghề nghiệp kém, thiếu kỹ năng cầm lái; những tài xế nghiện ma túy ra khỏi đội ngũ lái xe.
TRẦN KIÊM HẠ
Mong chữ "An" từ tâm
Bạn đọc Lưu Đình Long
Tết Mậu Tuất, từ ngày 30 đến mùng 4 Tết, cả nước có 2.800 ca cấp cứu do đánh nhau, trong đó có khoảng 1.500 ca nhập viện, 8 người tử vong. Cùng lúc đó, theo Bộ Y tế, cả nước ghi nhận gần 24.000 ca khám, cấp cứu do tai nạn giao thông với gần 8.000 người phải nhập viện.
Bất an luôn hiện diện trong cuộc sống. Nhưng những được, mất trong đời đều có nguyên nhân, lắm khi do cách ứng xử giữa người và người.
Năm 2018, cả nước chứng kiến những pháp đình đặc biệt mà người đứng trước vành móng ngựa chính là những quan chức cấp cao vì lòng tham, tư lợi theo kiểu "vinh thân phì gia".
Niềm tin trong cuộc sống được neo giữ từ những người đại diện cho đạo đức, công lý: xa thì là cán bộ lãnh đạo, gần thì thầy cô, cha mẹ. Khi "người lớn" không giữ được mình, những người bên dưới sẽ ít nhiều hư hỏng, xã hội bất an hơn.
Bình an của mỗi người, mỗi gia đình do mỗi người gieo từ trong ý niệm nhỏ. Một cơn giận có thể gây nỗi đau, mất mát, đổ vỡ, hậu quả nghiêm trọng, dai dẳng. Một va chạm nhẹ, không đủ bình tĩnh cũng thành mối họa lớn; một lời nói, một xung đột be bé, thậm chí từ một bài hát karaoke âm thanh khủng có thể dẫn tới ẩu đả, sát thương...
Mong bình an từ những ứng xử tử tế vì cộng đồng, vì sự tiến bộ. Điều này đến từ mỗi người.
LƯU ĐÌNH LONG
Tuổi Trẻ trân trọng cảm ơn bạn đọc
Thưa quý bạn đọc,
Bạn đọc đang cầm trên tay tờ báo tất niên năm Mậu Tuất. Tuổi Trẻ sẽ tái ngộ cùng bạn đọc trong số báo tân niên phát hành sáng thứ hai, ngày 11-2-2019 (nhằm mùng 7 tháng giêng).
Trong những ngày Tết, kính mời bạn đọc theo dõi những tin tức mới nhất, những câu chuyện đời thường, hình ảnh sum vầy đón ngày xuân mọi miền đất nước trên Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn). Tuổi Trẻ luôn chào đón tin bài, hình ảnh, góp ý của bạn đọc cho những dòng tin bài ngày Tết cũng như những ngày tháng sắp tới.
Những người làm báo chúng tôi luôn trân trọng ân tình của bạn đọc dành cho Tuổi Trẻ. Cảm ơn bạn đọc đã báo những thông tin nóng nhất, mới nhất và chung tay cùng Tuổi Trẻ làm nên những câu chuyện hay hơn trên từng trang báo mỗi ngày.
Chúng tôi xin cảm ơn bạn đọc luôn yêu thương, chia sẻ vui buồn cùng Tuổi Trẻ thời gian qua. Ân tình và sự cảm thông của bạn đọc, những khách hàng thân thiết đã tiếp thêm động lực cho đội ngũ Tuổi Trẻ vượt qua những tháng ngày khó khăn nhất.
Và hơn hết, Tuổi Trẻ cảm ơn mọi góp ý của bạn đọc dành cho Tuổi Trẻ, mỗi ngày. Đó là sự phản biện quý báu giúp chúng tôi làm tốt hơn chức trách xã hội của mình.
Kính chúc quý bạn đọc vui xuân sum vầy, hạnh phúc.
Kính chúc bạn đọc năm mới sung túc, bình an.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận