10/07/2024 21:36 GMT+7

Bạn đọc hiến kế việc đóng mở cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bớt kẹt xe

MINH HÒA
và 1 tác giả khác

Nhiều bạn đọc hiến kế giải pháp để việc đóng mở cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bớt gây kẹt xe các tuyến đường xung quanh.

Dòng xe rồng rắn nối đuôi nhau nhích từng chút trên đường Mai Chí Thọ do cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bị đóng - Ảnh: MINH HÒA

Dòng xe rồng rắn nối đuôi nhau nhích từng chút trên đường Mai Chí Thọ do cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bị đóng - Ảnh: MINH HÒA

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, sáng sớm 9-7, do có vụ tai nạn xảy ra trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nên lực lượng chức năng phải đóng cao tốc khiến đường Võ Chí Công, Mai Chí Thọ... kẹt cứng.

Trước đó, việc đóng mở tuyến cao tốc mỗi khi có sự cố giao thông cũng khiến các tuyến đường xung quanh kẹt xe trầm trọng.

Lên kế hoạch, kịch bản phân luồng từ xa

Liên quan đến việc đóng, mở cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị Công an TP.HCM lên sẵn kịch bản, điều tiết giao thông phù hợp.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM đang làm chủ đầu tư dự án xây dựng nút giao thông An Phú, TP Thủ Đức.

Việc rào chắn một số vị trí mặt đường để làm dự án cũng ảnh hưởng đến tình hình giao thông do khu vực này có lượng lớn xe cộ đi lại, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài, đặc biệt vào các ngày lễ, Tết.

Đồng thời khi có sự cố trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, lực lượng cảnh sát giao thông (đội 6 Cục Cảnh sát giao thông - C08) chốt chặn đầu đường cao tốc (nút giao An Phú), không cho xe từ nút giao thông An Phú đi vào cao tốc.

Vì vậy, xe cộ bắt buộc phải dừng chờ hoặc quay đầu về lại nút giao thông An Phú, gây tình trạng ùn ứ kéo dài.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về vấn đề trên, trung tá Hoàng Xuân Ân, đội trưởng đội 6, cho biết C08 đang phối hợp với các đơn vị xây dựng kịch bản phù hợp.

Cụ thể, C08 cùng Sở Giao thông vận tải TP.HCM, Công an TP.HCM xây dựng phương án, kế hoạch, kịch bản phân luồng, đóng - mở cao tốc mỗi khi cao tốc xảy ra sự cố hoặc các dịp lễ, Tết dẫn đến kẹt xe. Tuy nhiên hiện tại các bên chỉ mới họp bàn, xây dựng dự thảo, chưa thống nhất phương án chung.

Trước mắt, các đơn vị thực hiện theo phương án chủ động phối hợp trong việc phân luồng từ xa khi cao tốc có sự cố, có bảng thông tin điện tử lắp từ xa hiển thị nội dung cao tốc gặp sự cố để người dân chủ động.

Trường hợp cao tốc gặp sự cố, đội 6 sẽ thông tin nhanh trong các nhóm có các đội của cảnh sát giao thông TP.HCM (có lãnh đạo Phòng PC08 Công an TP.HCM chỉ đạo chung) để cùng phối hợp xử lý, chủ động phối hợp phân luồng từ xa.

Riêng các đội cảnh sát giao thông xa hơn như đội Nam Sài Gòn, Rạch Chiếc... sẽ chủ động phân luồng xe tải nặng, ô tô đi đường khác cho phù hợp, nhằm giảm tải và ùn ứ trên các tuyến xung quanh.

Phương án này đang được C08 và PC08 họp, thống nhất phương án cụ thể, kịch bản để áp dụng thực tế cho hiệu quả.

Thông báo qua radio, các ứng dụng...

Trong khi đó, nhiều bạn đọc tiếp tục đề xuất thêm các biện pháp để khắc phục:

- Khi cao tốc xảy ra sự cố thì việc căn cơ nhất là xử lý hiện trường nhanh chóng để đưa giao thông tại đó trở lại bình thường. Lâu nay việc này loay hoay và mất khá nhiều thời gian mới xong. Vì thế cần có quy định và đẩy nhanh việc xử lý bằng hình ảnh, chứng cứ một cách nhanh nhất để trả lại lưu thông bình thường.

Bạn đọc Dung Huynh

- Khi có sự cố trên cao tốc, đơn vị khai thác phải phối hợp cảnh sát giao thông để chặn xe trước khi các xe đi vào đường dẫn và có bảng thông báo điện tử cách đó nhiều km. Như vậy sẽ giúp các tài xế điều chỉnh và lựa chọn phương án tốt nhất để di chuyển và tránh gây ùn tắc giao thông.

Bạn đọc Tuấn

- Ngay từ khi quyết định đóng cửa cao tốc, các phương tiện phải được thông tin qua hệ thống radio, qua các biển báo ở những giao lộ, ngã rẽ gần đó để chọn hướng khác đi.

Bạn đọc Cát Đằng

- Xe nào không có radio, thông báo trên radio là hợp lý và chỉ có radio mới thông báo tiện lợi nhất cho các bác tài mà thôi.

Bạn đọc Trương Chí Thành

- Đa số tài xế hiện nay chạy xe theo các ứng dụng chỉ đường. Vì thế, chèn thông tin đóng đoạn cao tốc vào các ứng dụng giao thông này để tài xế kịp thời lựa chọn lộ trình khác.

Bạn đọc Văn Cao

- Liên hệ các app nghe nhạc trực tuyến đang được nhiều người lái xe sử dụng để tích hợp thông báo.

Bạn đọc Tú

- Ở nước ngoài, họ sẽ nhắn tin báo ngay các xe đang lưu thông, vừa cảnh báo và vừa điều hướng sớm cho người lái xe. Họ còn đặt các biển di động thông báo tầm xa. Cảnh sát còn dùng cả trực thăng để giám sát và điều hướng giao thông khi có tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên cao tốc, ít khi đóng đường.

Bạn đọc Duc Nguyen

- Đặt màn hình ở nút giao để thông báo tình hình xung đột giao thông phía trước. Ngoài ra có thể xem xét cho drone (thiết bị bay không người lái) bay ngược về phía sau thông báo tình hình giao thông qua loa để người đi đường biết rõ.

Bạn đọc Dan

Đóng cao tốc TP.HCM - Long Thành, đường Võ Chí Công kẹt cứngĐóng cao tốc TP.HCM - Long Thành, đường Võ Chí Công kẹt cứng

Xảy ra tai nạn trên cao tốc TP.HCM - Long Thành, lực lượng chức năng đóng cao tốc khiến đường Võ Chí Công, Mai Chí Thọ... kẹt cứng vào sáng 9-7.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp