Từ trái qua: bạn đọc Huỳnh Trần Bảo Duy, cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền, chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc, TS Trần Quốc Bảo tại lễ trao giải “Bạn đọc làm báo cùng Tuổi Trẻ” - Ảnh: NGỌC DƯƠNG |
Tôi không nghĩ việc mình làm sẽ gây bất lợi cho cái chung. Bất kỳ chủ trương, chính sách nào cũng có tính nhân văn. Chỉ những người làm sai mới mang tiếng xấu cho chính sách, cho nên tôi không ngại gì cả. Tôi vẫn tiếp tục viết và ký tên mình dưới mỗi bài viết |
Bạn đọc Đỗ Thị Huỳnh Hoa |
Cuộc giao lưu ngắn ngủi trên sân khấu giữa TS Trần Quốc Bảo, chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc và phóng viên Hà Mi trở thành điểm nhấn xúc cảm nhất của chương trình.
Hãy biết tôn trọng sự thật
Năm 2015, chị Ánh Ngọc phản ảnh tình trạng khai thác cát lậu ở địa phương cho Cục Môi trường miền Nam xử lý. Đến đầu năm 2016, khi gia đình chị dựng chòi canh vuông tôm thì nhóm khai thác cát lậu này cùng với Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành và công an xã mang súng, gậy đến quản thúc, cưỡng chế việc làm chòi.
Từ tin báo của ông Trần Quốc Bảo - trưởng phòng môi trường Cục Môi trường miền Nam, Tuổi Trẻ vào cuộc.
Lý giải về chuyện vì sao là một cán bộ nhà nước lại quyết liệt, kiên trì trong việc sai phạm của những cán bộ nhà nước khác, chấp nhận mọi nguy hiểm, rủi ro, ông Bảo nói nhẹ nhàng: “Trong cuộc sống, người ta nghĩ đến nhiều giá trị: tiền tài, địa vị, danh lợi, tình cảm, gia đình... Tôi tin vào sự không giới hạn và có những giá trị còn lớn hơn những thứ tôi vừa kể. Trước tiên, hãy tôn trọng sự thật và hành động vì sự thật. Sau đó, cái gì đến sẽ đến, tôi bình thản đón nhận không chút ngại ngần...”.
Và để sự thật được tôn trọng, ông Bảo không chỉ nhiệt tình hướng dẫn phóng viên vào tận hiện trường mà còn trực tiếp cùng phóng viên mai phục, chứng kiến sự việc từ chiều cho đến hết đêm, viết tâm thư gửi Thủ tướng về chuyện người dân bị ức hiếp.
Cũng với mục tiêu làm tất cả vì sự thật, có hai tài xế đã tự mang xe đi kiểm định, tạo điều kiện cho phóng viên Tuổi Trẻ gắn thiết bị ghi âm, phối hợp ghi hình, đứng ra thuê mượn những xe sắp hết hạn đăng kiểm để giúp phóng viên thu thập tư liệu.
Ông H., một trong hai tài xế, chia sẻ với Tuổi Trẻ: “Tui làm chuyện đó không phải để được báo Tuổi Trẻ tặng phần thưởng. Tui chỉ nghĩ đơn giản: xã hội này có mình, người thân, con cái của mình trong đó. Xã hội xấu thì mình cũng bị ảnh hưởng. Thay vì cứ ngồi ca cẩm, thôi thì làm được chuyện gì giúp cuộc sống bớt đi cái xấu, thêm nhiều cái tốt thì ráng mà làm, vậy thôi!”.
Đã cầm bút phải dấn thân
Bài học về sự dấn thân trong nghề báo càng ý nghĩa hơn khi được “dạy” từ chính những bạn đọc gắn bó máu thịt với Tuổi Trẻ. Bạn đọc Đỗ Thị Huỳnh Hoa cho biết sau 30 năm gắn bó với ngành ngân hàng cũng là ngần ấy năm gắn bó với nghiệp viết lách không chuyên.
Bạn đọc Huỳnh Hoa nói: “Mình chỉ thích nói và viết những gì lương tâm mình cho phép. Và một khi đã lựa chọn phải chấp nhận mọi hệ lụy”.
Có lần viết bài về việc các ngân hàng không tạo thuận lợi cho người dân đến đổi tiền rách, bài vừa đăng trên Tuổi Trẻ, lãnh đạo cấp cao điện thoại cho sếp rồi chị bị nhắc nhở không nên đem chuyện trong ngành ra viết báo.
Góp thêm câu chuyện về việc không ngại đụng chạm của người cầm bút, cô T. - một bạn đọc là giáo viên ở Bình Thuận - kể có lần báo tin cho phóng viên Tuổi Trẻ mà bạn ấy đang đi công tác không đến ngay được nên 8g tối, cô nhờ chồng chở vô hiện trường trong rừng vắng để chụp hình cung cấp cho báo.
“Tôi mặc áo khoác, đeo khẩu trang kín mít, bài trên báo thì ký bút danh. Vậy mà tới khi báo đăng, chủ tịch huyện gọi cho hiệu trưởng, hiệu trưởng cũng mời tôi lên nhắc nhở”.
Cô T. nói vui: “Sau thời gian cộng tác với Tuổi Trẻ, giờ đây chắc tên tôi đã nằm trong “sổ bìa đen” của phòng giáo dục địa phương rồi. Nhưng hễ chuyện gì Tuổi Trẻ đã lên tiếng thì tôi thấy có sự chuyển biến theo chiều hướng tốt. Cho nên dù có phiền phức hơn nữa, tôi vẫn sẽ đưa tin, viết bài cho báo”.
Điều trăn trở còn đọng lại cuối buổi giao lưu là câu trả lời của chị Ánh Ngọc - người báo tin khai thác cát lậu bị công an xã bắt giam.
Chị nói trong sợ hãi: “Hiện tôi đã không còn ở chỗ cũ. Bạn đọc Tuổi Trẻ và báo Tuổi Trẻ đã cứu mạng tôi hai lần. Nhưng tôi không dám tin mình sẽ còn may mắn lần sau nữa”.
Nghe những lời này, bạn đọc Quỳnh Hoa tha thiết nhắn nhủ, đặt hàng Tuổi Trẻ: “Công lý vẫn chưa thật sự được thực thi. Chúng tôi mong Tuổi Trẻ đừng bao giờ bỏ cuộc”.
Đáp lại tất cả tấm lòng và sự trao gửi của bạn đọc, bà Ngô Thị Thu An, ủy viên ban biên tập báo Tuổi Trẻ, nói: “Chúng tôi hạnh phúc vì chúng tôi không đơn độc, trên từng trang báo, dòng tin, trên từng nẻo đường tác nghiệp của chúng tôi luôn có những bạn đọc đồng cam cộng khổ”.
Theo bà Thu An, bạn đọc còn nhắn nhủ, còn đòi hỏi, còn đặt hàng, thậm chí phê bình, truy vấn trước những việc Tuổi Trẻ làm chưa tới, chưa sâu là chứng tỏ “bạn đọc còn thương Tuổi Trẻ”.
Những yêu cầu của bạn đọc như tôn trọng sự thật, theo đuổi đến cùng sự việc, không bao giờ bỏ cuộc... sẽ luôn là trăn trở, là động lực hằng ngày để đội ngũ những người làm báo Tuổi Trẻ nỗ lực nhiều hơn với niềm tin mãnh liệt vào công lý, vào lẽ phải mà cả Tuổi Trẻ và bạn đọc đều hướng đến.
Xem clip .
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận