Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục xin giới thiệu bài viết của bạn đọc Nhật Minh.
"Việc nói tục, chửi thề có thể xuất phát từ những nhu cầu khẳng định bản thân. Một số người nghĩ rằng trong câu nói của mình nếu có thêm những từ đệm như thế sẽ đao to, búa lớn hơn, có thể ra uy quyền cho người khác, khiến người khác phải sợ.
Cũng có những người nghĩ rằng mình nói tục, chửi thề với bạn vài câu thì không sao, đã là bạn bè thì không cần phải khách sáo.
Hoặc là khi ra đường, do quá bực tức vì đường xá đông đúc, va quẹt, kẹt xe,… và họ nghĩ rằng buông ra những câu chửi thề cũng chẳng sao, bởi chẳng ai biết mình là ai.
Ông bà ta có dạy: "Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe". Hãy chọn cho mình cách nói năng ứng xử thích hợp. Còn nếu đã quen với việc chửi thề mà muốn bỏ đi những lời đó thì hãy nói thật chậm, cân nhắc lời nói trước khi nói."
Nhật Minh
Một số người lại chọn việc nói tục, chửi thề như một hình thức để hòa nhập. Bởi trong một nhóm bạn chơi chung, toàn những người nói tục, chửi thề, nếu bản thân không nói vài từ thì sẽ cảm thấy khác với những người còn lại, tự tách mình ra khỏi nhóm.
Có thể lần đầu sẽ là một, hai từ và còn có thể kiểm soát mình nói gì nhưng sau đó khi đã quen với những câu chửi thề thì sự xuất hiện những câu chửi ấy sẽ nhiều hơn, hễ cứ mở miệng là phải có những từ đệm vô, để chứng tỏ mình cũng chẳng "thua bạn, kém bè".
Việc này có thể thấy rõ ở các em học sinh THCS, do nhu cầu muốn được khẳng định mình là người lớn nên các em có thể bắt chước người lớn chửi thề, hay nói tục để chứng tỏ rằng mình cũng là "người lớn" cách nói năng cũng mang tính "đời" hơn so với những khuôn phép đã được người lớn giáo dục từ trước.
Ở lứa tuổi này, các em luôn có nhu cầu thuộc về một nhóm bạn nào đó nên các em cũng phải bắt chước và dùng những từ ngữ như thế để phù hợp với nhóm bạn.
Nếu dùng những từ ngữ như thế trong nhóm bạn của mình thì có thể không sao, nhưng nếu lỡ có những cú vô tình va quẹt do quen miệng lại buông ra những câu chửi thề thô tục thì lại dẫn đến đánh nhau.
Ở lứa tuổi học sinh, các em cũng đang dần định hình nhân cách và tiếp thu các chuẩn mực xã hội nên rất cần sự giáo dục của nhà trường, gia đình và xã hội.
Làm sao có thể dạy các em không nói tục, chửi thề khi xung quanh các em đầy rẫy những lời nói như thế?
Rất đồng tình với giải pháp cho học sinh súc miệng để ngăn chặn việc chửi thề, bởi với những hành vi đã được củng cố thì cần loại bỏ hành vi đó bằng việc củng cố một hành vi khác nhưng bên cạnh đó cũng cần nâng cao nhận thức của các em về việc không nói tục, chửi thề.
Do nhu cầu muốn được xem như là một người lớn ở lứa tuổi THCS, các bậc làm cha mẹ cũng cần chấp nhận con mình đã lớn khôn, hướng con đến những việc thể hiện bản thân lành mạnh qua các hoạt động học tập, thể thao để con không cảm thấy mình bị xem như trẻ nhỏ.
Đúng là bạn bè thân thiết thì không cần phải quá khách sáo, hay ngại rằng mình không nói như thế thì sẽ không giống bạn.
Thay vì nói tục, chửi thề, ta vẫn có thể chọn cho mình cách nói gần gũi khác mà không cần phải quá giữ kẽ với bạn.
Còn với việc chạy xe, thay vì cảm thán vì những câu chửi thề thì hãy thay bằng những câu cảm thán khác. Có thể sẽ chẳng ai biết ta là ai, nhưng khi nói ra những câu chửi thề thì người nghe đầu tiên đã là ta.
Dần dần, sẽ hình thành nên thói quen. Thử hỏi, nếu ở nơi làm việc mà gặp phải những việc không như ý với sếp, với đồng nghiệp ta lại buông ra những lời chửi thề như khi chạy xe ngoài đường thì hậu quả sẽ như thế nào?"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận