02/09/2024 08:01 GMT+7

Bạn đọc - bầu khí, mạch nguồn của chúng tôi

Nếu có ai hỏi trong những năm làm báo tôi thấy từ nào quen thuộc nhất, thân thương nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời: "Bạn đọc".

Bạn đọc - bầu khí, mạch nguồn của chúng tôi - Ảnh 1.

Ảnh: QUANG ĐỊNH

Quả là như vậy: với những người làm báo, "Bạn đọc" có lẽ là hai từ thân thuộc nhất, được sử dụng, được nhắc đến nhiều nhất. Hai từ ấy dường như lúc nào cũng cứ lặp đi lặp lại trong đầu, trong tim người làm báo…

Bạn đọc là bầu khí, là mạch nguồn, là vầng sáng soi tỏ đích đến của người làm báo. Không có bầu khí ấy, mạch nguồn ấy, ánh sáng ấy, tờ báo chỉ là một cánh đồng cỏ khô, không thể tươi xanh ngọt mát, không thể rực rỡ hoa hay trĩu nặng hạt quả…

Tiếng lòng bạn đọc

Bạn đọc - bầu khí, mạch nguồn của chúng tôi - Ảnh 2.

Bạn đọc, theo cách hiểu thông thường, là người đọc báo - tờ báo của mình.

Nhưng thật ra không giản đơn như vậy. Họ không chỉ là người mua báo, đọc báo mà chính là người góp vào nội dung của tờ báo.

Họ khơi gợi, chỉ ra những đề tài cho người viết. Hầu hết những loạt bài trên Tuổi Trẻ gây được tiếng vang lớn trong dư luận đều xuất phát từ bạn đọc.

Trong phạm vi công việc của mình, tôi vẫn còn nhớ một vài câu chuyện trong rất nhiều câu chuyện.

Năm ấy, vào một buổi chiều, một chị bán vé số (sau tôi mới biết chị là cô giáo dạy văn) đi co ro trong mưa lất phất vào phòng tiếp bạn đọc.

Chị từ tốn nói: "Tôi đến không phải để khiếu nại, tố cáo gì cả, nhưng buồn quá không biết nói cùng ai…".

Câu chuyện buồn là con trai chị thi vào đại học y khoa được 24,5 điểm. Rớt. Rớt vì lý lịch gia đình chị thuộc loại 4, điểm chuẩn của loại lý lịch này là 25.

Một cháu ở đầu hẻm lý lịch gia đình loại 1, chỉ được 12 điểm. Đậu. "Tôi buồn, cứ tự hỏi vì sao con tôi không được vào đại học?". Trước khi ra về, chị rầu rầu nói: "Liệu các anh có viết được gì về nỗi buồn của tôi không?".

Câu hỏi xoáy vào lòng làm tôi nghe xốn xang. Tôi phản ảnh với tòa soạn, sau đó Tuổi Trẻ có loạt bài nêu lên những bất công của "chủ nghĩa lý lịch", phản ánh trực diện vào thành trì này.

Bạn đọc tiếp tục gửi về thêm bao nhiêu trường hợp đắng cay, oan nghiệt khi một thanh niên học giỏi và đầy mơ ước phải dừng lại trước ngưỡng đại học chỉ vì lý lịch. Tuổi Trẻ lại tiếp tục lên tiếng và đã góp phần xóa bỏ thực trạng phi lý ấy.

Lại bỗng nhớ một câu chuyện khác: Một buổi cà phê cùng những người bạn giáo viên, các anh kể những khó khăn về nội dung môn mình dạy.

Một anh dạy văn lên tiếng: "Bi kịch của người thầy giáo là khi đứng trên bục giảng mà phải nói, phải ca ngợi với học sinh điều mình không tin, không cảm, thậm chí mình cho là trái khoáy…".

Thấy anh nói đầy bức xúc, các bạn đều lặng yên, chăm chú. Anh nhắp ngụm cà phê, nói tiếp: "Trong chúng ta đây, những người đều lớn lên và học văn.

Thử hỏi ai không từng thuộc năm bảy câu thơ của Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính; ai không từng học, từng đọc Nửa chừng xuân, Hồn bướm mơ tiên… Và chúng ta lớn lên, có được một chút phong phú trong tâm hồn, ít nhiều cũng được nuôi dưỡng bằng những tác phẩm văn học ấy. Vậy mà các anh biết sao không?".

Anh dừng lại như thể để chặn bớt sự bức xúc, rồi tiếp: "Vậy mà trên bục giảng chúng tôi phải nói với các em rằng đó là thứ văn học đồi trụy, một thứ độc dược và kêu gọi các em rằng: Thanh niên chúng ta ngày nay phải xa lánh nó…".

Ai cũng thấm thía gật gật đầu tán thưởng. Trầm ngâm, rồi anh quay sang hỏi tôi: "Ông cũng từng dạy văn, ông thấy sao? Liệu báo có dám lên tiếng về việc này không?". Tôi không trả lời anh nhưng tôi thầm nói trong lòng: "Có".

Và báo Tuổi Trẻ sau đó đã dõng dạc nói "có" bằng cách tổ chức buổi tọa đàm giữa các giáo viên văn có tiếng ở thành phố.

Tiếng lòng của các giáo viên đã được nói lên, một diễn đàn gồm nhiều ý kiến tâm huyết của độc giả được đăng tải dài kỳ sau đó… Và tuy không trống không kèn, không một lời tuyên bố nào nhưng mọi chuyện dần dần đã thay đổi.

Cứ như vậy, anh em phóng viên ngày ngày lắng nghe bạn đọc chỉ ra những đề tài nóng sốt. Biết bao nhiêu tấm gương, bao nhiêu hình tượng đẹp, bao nhiêu câu chuyện hay được viết trên báo… hầu hết đều được bạn đọc mách lối, chỉ đường.

Bạn đọc - bầu khí, mạch nguồn của chúng tôi - Ảnh 3.

Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nguồn lực bạn đọc

Phía sau mặt báo, báo Tuổi Trẻ đã gầy dựng được một chương trình công tác xã hội khá lớn, đã góp phần không ít vào việc làm vơi đi phần nào khó khăn của những vùng đất nghèo, người dân nghèo. Nhiều chương trình của báo đã an ủi, động viên, giúp được nhiều cảnh đời nghèo khó vượt qua số phận nghiệt ngã mà vươn lên.

Nhưng nguồn lực ở đâu để Tuổi Trẻ thực hiện những chương trình ấy: Bạn đọc. Chính bạn đọc, từ cuộc sống của mình, đã chỉ cho Tuổi Trẻ nên làm gì - ở đâu - cho ai và cũng chính bạn đọc đóng góp những đồng tiền của mình để cùng Tuổi Trẻ thực hiện.

Bạn đọc, họ là ai? Là những công ty, những doanh nghiệp, những hội, đoàn, những nhà hảo tâm và là những người dân bình thường: cụ già hưu trí, chị tiểu thương, những anh xe ôm, chị nhặt ve chai, những em học sinh, sinh viên…

Từ đó, hàng trăm chương trình học bổng dành cho học sinh, sinh viên, dành cho thầy cô giáo vùng nghèo khó ra đời. Từ đó, những công trình sừng sững đi vào lòng người.

Bạn đọc - bầu khí, mạch nguồn của chúng tôi - Ảnh 4.

Giữa núi rừng Quảng Nam, các em học sinh phải vượt qua con sông lớn trên chiếc đò đưa tí tẹo để ngày ngày đến trường. Đò lật vào một sáng mùa đông, nhiều em học sinh ở vùng đất nghèo đã vĩnh viễn đi theo dòng sông, bỏ trường bỏ lớp…

Bạn đọc lên tiếng, bạn đọc trải lòng và chiếc cầu Nông Sơn, chiếc cầu của lòng người đã được bắc qua sông.

Cũng vậy, ở vùng đất nghèo nhất nước, giữa núi rừng mênh mông của huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, Trường THCS Chiêu Lưu nằm chơ vơ dưới chân một dãy đồi.

Buổi chiều, khi các em đang xếp hàng ra về thì một quả bom bi nằm trong lòng đất từ bao giờ, sau những trận mưa đã trồi lên. Nổ. Bảy em thơ của một lớp 3 ngã gục xuống sân trường… Bạn đọc báo cho chúng tôi tin tức tang thương nơi xa xôi này và rồi bạn đọc lại trải lòng với Kỳ Sơn.

Không thể thống kê được bao nhiêu con heo đất của các em học sinh, của giáo viên cả nước đã được đập ra. Không đếm được bao nhiêu lần các em nhịn ăn sáng để hướng về Chiêu Lưu. Rồi một ngôi trường mới mọc lên giữa núi rừng Kỳ Sơn, rồi các em bị thương tật được chăm sóc, các gia đình quá nghèo khó được giúp đỡ…

Tất cả là từ bạn đọc và bạn đọc.

Bao nhiêu năm qua, bạn đọc đã góp xây bao nhiêu phòng học, bao nhiêu cây cầu lớn nhỏ, bệnh xá, nhà lưu trú trên khắp cả nước, bao nhiêu học bổng tiếp sức cho học sinh, sinh viên gặp khó trên đường vun đắp tương lai.

Không tính hết được...

Bao nhiêu năm qua, bạn đọc đã giúp các phóng viên của chúng tôi nào tin tức, nào tư liệu, nào nhân vật, nào câu chuyện… để cùng làm nên những tuyến bài, góp phần cho cuộc sống xã hội này một tốt đẹp hơn.

Không tính hết được.

Bạn đọc - bầu khí, mạch nguồn của chúng tôi - Ảnh 5.Bạn đọc báo Tuổi Trẻ hỗ trợ người vợ lao vào lửa cứu chồng

Bạn đọc báo Tuổi Trẻ hỗ trợ người phụ nữ ở An Giang bị bỏng 60% cơ thể do lao vào lửa cứu chồng nhưng bất thành.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp