13/02/2017 10:14 GMT+7

Bản đồ du lịch của thanh niên Quảng Ninh

ĐỨC HIẾU
ĐỨC HIẾU

TTO - Đã sáu năm nay, có rất nhiều những chuyến trải nghiệm, khám phá biển đảo quê hương do Tỉnh đoàn Quảng Ninh tổ chức cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong tỉnh.

Thành viên trong đoàn giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ thuộc trạm kiểm soát biên phòng Hoành Mô,
huyện Bình Liêu - Ảnh: Đức Hiếu
Thành viên trong đoàn giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ thuộc trạm kiểm soát biên phòng Hoành Mô, huyện Bình Liêu - Ảnh: Đức Hiếu

Từ “nét bút” đầu tiên đặt tại đảo Cô Tô - hòn đảo tiền tiêu Tổ quốc, đến nay bản đồ du lịch thanh niên đã được “vẽ” khắp các huyện miền núi, biên giới của tỉnh.

Từ một chuyến đi dông bão...

Tuy cách rất xa đất liền nhưng cuộc sống ở Cô Tô hôm nay không kém phần sôi động so với nhiều đô thị khác. Những dãy nhà, cửa hàng, khách sạn khang trang, tấp nập người qua lại dần xuất hiện cùng hệ thống xe điện thuận tiện cho người dân và du khách.

Theo số liệu của UBND huyện Cô Tô, năm 2016 có khoảng 270.000 lượt du khách đến đây, doanh thu từ các hoạt động du lịch, dịch vụ ước đạt 350 tỉ đồng.

Tuy vậy, ít ai biết du lịch Cô Tô phát triển là vậy lại bắt đầu từ những chuyến đi trải nghiệm hết sức giản dị của các bạn ĐVTN tỉnh Quảng Ninh. Nhớ lại ngày hè 2011, chuyến đi đầu tiên, chị Nguyễn Thị Thu Hà - bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ninh, nguyên trưởng đoàn khi xưa - cho biết: “Khi đó cả đoàn say sóng hết.

Ra đến Cô Tô, mưa gió ầm ầm, những trận dông ngoài đảo khiến chương trình gián đoạn liên tục. Ấy vậy mà hàng chục chuyến đi sau này đều thuận lợi, điều kiện thời tiết rất ủng hộ”.

Ngày đó, Cô Tô chưa có điện lưới, người dân phải dùng điện máy phát, sử dụng vài tiếng trong ngày, đường nông thôn mới không có, hàng quán tìm mỏi mắt mới thấy. Cô Tô như tách biệt với sự phát triển rầm rộ trong đất liền, hoang sơ và đẹp như một nàng công chúa ngủ quên.

Từ khi có những chuyến đi hằng tuần của “đội quân áo xanh” - cách người dân gọi vui ĐVTN khi ra đảo, bà con hào hứng với những cán bộ Đoàn xông xáo làm đường, dựng nhà cho dân đảo, những người trẻ ra đây cũng rất thích thú khi được “ba cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với người dân. Những trải nghiệm đẹp không bao giờ phai với những người tham gia.

Chỉ một thời gian ngắn sau, nhờ sự chia sẻ của các thành viên trên Internet, mạng xã hội, nhiều du khách, đặc biệt là các bạn trẻ, đã chú ý đến Cô Tô như một điểm du lịch khám phá không thể bỏ qua khi đến Quảng Ninh.

Du khách đến đảo dần đông hơn, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện cho các hộ dân đầu tư hoàn thiện cơ sở lưu trú, phát triển nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Từ một điểm ăn nghỉ duy nhất là nhà khách huyện với 10 phòng, sau 6 năm con số đó là gần 300 cơ sở lưu trú với gần 2.000 phòng, đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ của hàng ngàn du khách mỗi ngày.

Anh Nguyễn Hải Linh (thôn Hải Tiến, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô) hào hứng: “Từ khi có hành trình của Đoàn thanh niên ra đảo, du khách tăng nhiều qua các năm đã khiến bộ mặt xã đảo thay đổi nhanh chóng.

Mình cũng nhận thấy nhiều cơ hội mà du lịch mang đến nên năm 2014 mình đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư bốn gian phòng làm hình thức du lịch homestay. Với thu nhập ổn định hằng năm khoảng hơn 100 triệu đồng, vài năm nữa mình sẽ trả xong nợ và bắt đầu thu lãi”.

Đảo Cô Tô - Ảnh: Phạm Tô Chiêm

 

...Đến hành trình biên giới, hải đảo

Năm 2013, khi Cô Tô dần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đón khách du lịch, Tỉnh đoàn Quảng Ninh cũng thôi nhiệm vụ tổ chức những chuyến đi. Tự thân Cô Tô khi đó đã là một điểm du lịch thu hút du khách và nhà đầu tư, người dân theo đó cũng biết đầu tư dịch vụ, phục vụ chuyên nghiệp hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Một năm sau, Tỉnh đoàn Quảng Ninh tiếp tục xây dựng đề án “Hành trình khám phá miền biên giới thiêng liêng, hùng vĩ của Tổ quốc” cho ĐVTN tỉnh. Địa điểm được chọn lần này là những tuyến điểm biên giới như Pò Hèn, Trà Cổ (TP Móng Cái), cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Quảng Đức (Hải Hà), huyện đảo Cô Tô, các xã đảo của huyện Vân Đồn...

Tham gia chuyến hành trình về Bình Liêu năm 2017, bạn Trần Thanh Việt chia sẻ: “Em rất xúc động khi được đến những mảnh đất vùng biên tươi đẹp cũng như giao lưu với người dân, chiến sĩ. Em sẽ kể lại những gì được trải nghiệm để bạn bè biết được cuộc sống người lính nơi đây cũng như những bài học bảo vệ chủ quyền của cha ông”.

Anh Hoàng Văn Hải, phó bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ninh, cho biết: “Hành trình khám phá miền biên giới thiêng liêng, hùng vĩ của Tổ quốc” giúp mỗi ĐVTN biết thêm về mảnh đất, con người, văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, thêm yêu miền biên giới, hải đảo thiêng liêng cũng như công tác bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ Tổ quốc.

Khi đi về, mỗi đoàn viên sẽ là một tuyên truyền viên, quảng bá hình ảnh các vùng đất văn hóa và con người đã đi qua”.

Trong năm 2015 và 2016, Tỉnh đoàn Quảng Ninh tổ chức gần 140 chuyến hành trình khám phá miền biên giới thiêng liêng, hùng vĩ cho gần 2.000 đoàn viên trong tỉnh.

Chuyến hành trình gắn với các hoạt động tại những địa phương có đường biên giới như: xây dựng các công trình thanh niên, công trình văn hóa, khám phát thuốc miễn phí, thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách...

Dự kiến, trong năm 2017 sẽ có hơn 100 chuyến hành trình được thực hiện.

>> Cô Tô lãng mạn và nguyên sơ 

ĐỨC HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp