Kyrgyzstan được kỳ vọng trở thành "ngựa ô" của Asian Cup 2019 - Ảnh: AFP
Đông Á, Tây Á, Nam Á và Trung Á, đó là 4 vùng lãnh thổ chính của châu Á.
Nhưng trong thế giới bóng đá, người hâm mộ gần như chỉ biết đến khái niệm Đông Á và Tây Á bởi các đội bóng của hai khu vực này luôn áp đảo về số lượng lẫn chất lượng ở mọi giải đấu trong châu lục, từ Asian Cup cho đến vòng loại World Cup.
Điển hình như ở Asian Cup 2015, nếu không tính đến Úc thì 14/16 đội là của Tây Á và Đông Á (gồm 10 đội Tây Á và 4 đội Đông Á).
Đội bóng còn lại là Uzbekistan - bấy lâu nay vẫn được xem là đại diện duy nhất của Trung Á đủ tầm cạnh tranh ở sân chơi châu lục.
Bóng đá Nam Á với những cái tên như Ấn Độ, Maldives, Pakistan, Sri Lanka... càng không có gì để nói.
Chuyện các vùng lãnh thổ trong một châu lục phát triển không đều về bóng đá là hết sức bình thường.
Những nỗ lực ở thượng tầng (như việc thành lập LĐBĐ Tây Nam Á, vừa mới ra đời được... 2 tháng đã tan rã) chẳng nhận được chút quan tâm nào của người hâm mộ hay giới chuyên môn.
Và rồi AFC có một quyết định táo bạo: học theo UEFA, nâng tổng số lượng đội tham dự Asian Cup từ 16 lên 24.
Có nhiều lợi ích cũng như mặt trái về kinh tế tài chính, cách thức vận hành, chuyên môn giải đấu xoay quanh quyết định này.
Nhưng nếu chỉ xét đơn thuần về mục đích giúp bóng đá châu lục "xích lại gần nhau hơn", đây chắc chắn là một thắng lợi.
Cụ thể, Euro 2016 có đến 5 đội lần đầu tiên tham dự Euro nhờ thể thức mới này và 4/5 đội giành vé vượt qua vòng bảng.
Riêng Xứ Wales hay Iceland còn để lại những câu chuyện đi vào lịch sử bóng đá châu Âu.
Bữa tiệc Asian Cup 2019 không tưng bừng đến vậy. Giải đấu trên đất UAE chỉ đón thêm 3 tân binh gồm Kyrgyzstan, Yemen và Philippines.
Trong số này Yemen và Philippines đã phải lấy "rổ đựng bóng" về nước sớm sau giai đoạn vòng bảng.
Nhưng Kyrgyzstan là một "chú ngựa ô" thú vị. Thầy trò HLV Aleksandr Krestinin cho cả châu Á thấy: ở Trung Á không chỉ có mỗi Uzbekistan là "biết chơi bóng".
Trước khi thắng thuyết phục Philippines ở lượt đấu cuối và giành chiếc vé dành cho đội hạng 3 có thành tích tốt, Kyrgyzstan khiến cả Trung Quốc lẫn Hàn Quốc phải mướt mồ hôi với những trận thua sát nút.
Phong độ ấn tượng của đội bóng Trung Á này bắt đầu từ năm 2018, thời điểm họ liên tiếp thắng các đội bóng thuộc hạng khá của Tây Á như Syria, Jordan, Palestine...
Gặp chủ nhà UAE vốn không quá mạnh ở vòng 16 đội, Kyrgyzstan đang được kỳ vọng trở thành "Iceland của châu Á".
Ngoài Kyrgyzstan, trở lại đấu trường châu lục sau 12 năm vắng bóng, những gì 2 đội bóng Đông Nam Á là Thái Lan và Việt Nam thể hiện trên đất UAE cho đến lúc này không tệ chút nào.
Đường hoàng bước vào vòng 16 đội với vị trí nhì bảng, Thái Lan giờ đây tràn trề hi vọng tiến xa hơn nữa khi đối mặt với Trung Quốc.
Niềm vui của người Thái dẫn đến nỗi buồn của Ấn Độ. Nhưng đại diện duy nhất của Nam Á không có gì phải hổ thẹn khi sớm rời Asian Cup.
Nói vậy bởi trận đại thắng Thái Lan 4-1 của Ấn Độ ở vòng bảng là chiến thắng đầu tiên của bóng đá Nam Á tại Asian Cup trong vòng 50 năm qua.
Sau nhiều thập niên chứng kiến cuộc tranh chấp giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và các đội Tây Á, bản đồ bóng đá của châu Á bắt đầu được mở rộng ở Asian Cup 2019.
Chờ đợi nhiều hơn ở Asian Nations League
Sau Asian Cup, AFC tiếp tục học theo UEFA trong việc lên kế hoạch tổ chức hệ thống giải đấu giao hữu Asian Nations League.
Theo đó, các trận giao hữu giữa các đội tuyển ở châu Á giờ đây sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn, với phần thưởng là những chiếc vé dự Asian Cup.
Tuy hệ thống giải này đến nay vẫn chưa chính thức được công bố nhưng nhiều khả năng sẽ bắt đầu từ năm 2021.
Asian Nations League hứa hẹn sẽ giúp thêm nhiều đội bóng ở khu vực Nam Á, Trung Á có mặt tại đấu trường Asian Cup.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận