Nhà cung cấp chuỗi Món Huế đã giăng băngrôn trước văn phòng của Công ty Huy Việt Nam. Hiện văn phòng đã đóng cửa - Ảnh: CTV
Buổi gặp diễn ra khi cho đến nay, cả nhà cung cấp lẫn nhà đầu tư trong nước, nhóm nhà đầu tư ngoại đều cho biết họ thất bại trong việc liên hệ với ông chủ của Công ty Huy Việt Nam là ông Huy Nhật.
Công ty này đang bị tố nợ nhà cung cấp hàng chục tỉ đồng tiền hàng, văn phòng chính ngưng hoạt động trong khi chuỗi nhà hàng Món Huế đã đóng cửa trong vài ngày qua.
Chỉ có thể trả nợ dần
Tại buổi gặp mặt với đại diện nhà cung cấp chiều 27-10, bà K.H., nhà đầu tư cá nhân ở Công ty Huy Việt Nam, cho rằng số tiền nợ hiện nay không phải quá lớn với một chuỗi như Món Huế, nhưng vấn đề của nó là nợ quá nhiều nhà cung cấp.
Theo nhà đầu tư này, chuỗi Món Huế từng được xem như là "đứa con" mà bà và nhiều nhà đầu tư khác đã dồn sức vào, nhưng bây giờ "đứa con" này ra xã hội gây chuyện. Là "người mẹ", nhà đầu tư cũng thấy có phần trách nhiệm.
"Tôi muốn nghe mong muốn của nhà cung cấp, biết số công nợ thực sự bao nhiêu và tìm ra hướng giải pháp cho tình hình hiện nay. Ít nhất nhà cung cấp cũng biết, các nhà đầu tư đang đứng về phía họ để đòi quyền lợi", bà K.H. nói.
Theo bà K.H., sự sụp đổ của chuỗi Món Huế hiện nay là do hệ thống đã phát triển quá nhanh và quá ẩu trong cách mở rộng. Nhân lực không đủ quản trị, việc quản lý bị buông lỏng, chất lượng món ăn cũng không được kiểm soát nên dần đánh mất khách hàng.
Nhà đầu tư cá nhân này cũng cho rằng để xử lý các công nợ hiện nay cần có sự xuất hiện của ông Huy Nhật. Về phương án trả nợ, trong tình hình của Huy Việt Nam hiện nay, chỉ có thể trả nợ dần cho các nhà cung cấp, chia theo từng đợt chứ khó có thể trả hết ngay.
Hiện các nhà đầu tư cũng đang tìm cách liên hệ với ông chủ Huy Việt Nam hay người của ban quản trị để có được phát ngôn chính thức trong thời gian sớm nhất. Bởi tới thời điểm hiện tại, Công ty Huy Việt Nam vẫn chưa tuyên bố phá sản và một số nhà cung cấp cho biết họ vẫn liên hệ được với giám đốc điều hành Công ty nhà hàng Món Huế nên chưa có thể khẳng định đại diện công ty này bỏ trốn.
"Muốn xử lý việc trả nợ hiện nay phải đợi người có thẩm quyền Công ty Huy Việt Nam. Một khi thống nhất được phương án trả nợ, Món Huế sẽ sống lại được chứ không để bị chết luôn", bà K.H. nói mong muốn của nhà đầu tư.
Nhà cung cấp kiệt quệ
Tại buổi gặp, anh H., một nhà cung cấp, cho biết tuy không phải đại diện cho hàng trăm nhà cung cấp đang bị chuỗi Món Huế nợ tiền hàng nhưng anh tin trên 80% mong muốn nhận lại tiền mà chuỗi này đang nợ và thương hiệu Món Huế được vực dậy, làm lại từ đầu.
Theo anh H., mối quan hệ giữa Công ty Món Huế và các nhà cung cấp duy trì được qua nhiều năm gắn với lợi ích của hai bên. Trước đây khi doanh nghiệp này bắt đầu gặp khó khăn, kế toán của Công ty Món Huế có mời các nhà cung cấp lên và thương lượng gia hạn công nợ, lúc đó nhà cung cấp vẫn sẵn sàng chấp nhận.
Nhưng hiện nay, dù đã đến hạn cam kết trả tiền nợ hàng là ngày 25 và ngày 28-10 như phía Công ty Món Huế viết biên nhận trong lần làm việc đầu tháng 10-2019, toàn bộ ban điều hành của công ty đều không liên lạc được ngay cả ông chủ, nhà sáng lập Công ty Huy Việt Nam, trong khi văn phòng giao dịch từ trước đến nay thì đã ngưng hoạt động.
Theo thống kê của nhóm các nhà cung cấp, tính đến ngày 27-10, số nợ mà Công ty Huy Việt Nam đang thiếu của gần 60 nhà cung cấp lên khoảng 40 tỉ đồng. Anh H. cho biết từ khi xảy ra sự việc, nhiều nhà cung cấp không biết làm gì vì thật sự họ đã dồn sức chỉ cung ứng hàng cho mỗi chuỗi Món Huế. Khi chuỗi này đột ngột ngưng hoạt động thì việc kinh doanh của họ cũng ngưng luôn.
"Lượng hàng cung ứng cho chuỗi Món Huế của không ít doanh nghiệp, hộ kinh doanh chiếm đến 40-50% doanh số của họ. Một số nhà cung cấp tâm sự để đủ lượng hàng cho chuỗi Món Huế họ phải ngưng đơn hàng ở nhiều nơi khác, làm đầu tắt mặt tối từ gom lá chuối, nước dừa đến những món hàng tưởng chừng rất đơn giản như chuối bào, rau thơm...", anh H. nói.
Do đó, việc Món Huế đang nợ tiền hàng và bỗng dưng người chịu trách nhiệm của doanh nghiệp không liên hệ được không chỉ là vấn đề công nợ mà còn là sự sụp đổ niềm tin. "Một kẻ trộm vào nhà lấy mất tiền thì chủ nhà có tiếc tiền mất nhưng họ vẫn gượng đi làm kiếm lại. Nhưng ở đây, chuỗi Món Huế biến mất, họ mất tiền và mất luôn cả nguồn sống trong tương lai", anh H. nói.
Các nhà cung cấp này cho rằng ban điều hành của chuỗi Món Huế đã có tính toán cho kịch bản đóng cửa ngày hôm nay. Vì nếu kinh doanh sòng phẳng, mỗi mặt hàng họ chỉ cần vài nhà cung cấp. Thế nhưng, do chuỗi kinh doanh không hiệu quả, nợ tiền nhà cung cấp thời gian dài nên nhiều nơi đã ngưng cung cấp hàng. Món Huế đã tiếp tục lấy uy tín thương hiệu để đi thương lượng với nhà cung cấp khác, kéo số nhà cung cấp liên quan của công nợ với họ ngày càng nhiều.
Anh H. cho biết từ khi xảy ra việc chuỗi Món Huế đóng cửa, các nhà cung cấp có hoang mang, có lo lắng nhưng họ vẫn bảo ban nhau bình tĩnh chờ đến hạn cuối cùng cam kết trả nợ trước đó là ngày 28-10. "Họ vẫn hi vọng, tuy nhiên tôi không rõ sau ngày này, nếu tiền không được thanh toán như cam kết thì không biết chuyện gì xảy ra. Một số nhà cung cấp đã rất kích động", anh H. nói.
Trước đó, tối 26-10, đã có một nhóm người tự ý di dời tài sản của một cửa hàng thuộc Công ty Huy Việt Nam trên đường Cống Quỳnh, Q.1. Nhóm người này nhận là nhân viên của Công ty Món Huế do không lấy được phần lương đang bị công ty nợ nên muốn lấy tài sản bán đi để bù vào tiền lương. Cơ quan chức năng đã đến can thiệp kịp thời, tuy vậy một số đồ vật được ghi nhận đã không còn ở cửa hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận