Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
"Trong quản lý tài sản công có nhiều quan ngại khi có thất thoát lãng phí lớn, thậm chí còn để nhóm lợi ích làm phép hưởng lợi khổng lồ trên tài sản công. Tôi xin lấy ví dụ như việc bán nhà đất công cho Vũ "nhôm" tại Đà Nẵng, Nhà nước được lợi gì?" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu vấn đề tại hội nghị.
Đề nghị xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công
Để khắc phục hạn chế này, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, cơ chế quản lý chặt chẽ ngăn chặn nhóm lợi ích thao túng hưởng lợi từ tài sản quốc gia.
Thủ tướng nêu thực tế bài toán cân đối ngân sách nhà nước chưa vững, chưa khoa học.
Mấy năm trước, thu ngân sách luôn vượt dự toán nhưng vài năm trở lại đây, thu ngân sách trung ương thì lo sốt vó còn thu ngân sách địa phương lại đủng đỉnh vượt dự toán. Đây là vấn đề cần được bàn để có giải pháp khắc phục tình trạng này.
Trong chi ngân sách vẫn còn tình trạng khập khiễng khi chi thường xuyên năm nào cũng vượt dự toán. Chi đầu tư phát triển có tăng nhưng chưa tương xứng. Quốc hội rất quan tâm chi thường xuyên và chi đầu tư.
Vì thế đề nghị Bộ Tài chính rà soát điểm nghẽn bất cập trong cân đối ngân sách để sớm khắc phục tình trạng này.
Ngoài ra, Thủ tướng còn đề nghị ngành tài chính cần ban hành chính sách góp phần xây dựng nền hành chính liêm chính, minh bạch, thúc đẩy kinh tế phát triển, chống tham nhũng và lãng phí. Đặc biệt, chính sách tài chính tạo mọi điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Chính sách thuế tư duy theo quan điểm có lợi cho cơ quan Nhà nước
Thủ tướng nhấn mạnh chính sách thuế thay đổi quá nhanh, quá nhiều, gây nhiều hệ lụy cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp bị mắc lỗi sau khi thanh tra, kiểm tra thuế.
Có trường hợp doanh nghiệp cố tình vi phạm nhưng nhiều doanh nghiệp bị oan sai do chính sách thuế thay đổi quá nhanh, do lỗi từ cơ quan quản lý nhà nước. Việc thay đổi chính sách quá nhanh như thế cho thấy chính sách chưa theo kịp với thay đổi của đời sống xã hội.
Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu chính sách thuế nói riêng, chính sách tài chính phải theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội, phải ổn định trong 5-10 năm.
"Chính sách thuế tư duy theo quan điểm có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, mà chưa bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế. Cơ quan thuế cấp mã số thuế, phong tỏa tài khoản, kiểm tra, thanh tra… quyền của cơ quan thuế rất lớn còn quyền của người nộp thuế rất ít. Do đó, toàn ngành thuế và hải quan phải nghiên cứu vấn đề này. Việc sửa đổi pháp luật về thuế lần này phải có quy định về bảo vệ quyền của người nộp thuế", Thủ tướng yêu cầu.
Vấn đề định hướng chính sách thu ngân sách, theo người đứng đầu chính phủ, vẫn tư duy theo hướng là tăng thuế suất hơn là mở rộng cơ sở thuế.
Theo thủ tướng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực dịch vụ mới, thương mại điện tử như Uber, Grab, bán hàng qua mạng… đây là những mỏ vàng trong việc mở rộng cơ sở thu thuế. Nhưng chúng ta lúng túng trong hoạch định chính sách thuế.
Do đó, quan điểm chỉ đạo của chính phủ là mở rộng cơ sở thuế kết hợp thới việc điều chỉnh thuế suất cho phù hợp, không gây ảnh hưởng đến quá trinh thúc đẩy phát triển sản xuất mà phải thúc đẩy xã hội phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận