Những bữa tiệc tất niên "không tới không được" - Ảnh tư liệu |
Hồi chiều, anh nhắn sẽ "chạy sô" ba cuộc tất niên. Ngồi chờ chồng trong đêm, lòng như lửa đốt, vừa thương chồng vừa giận vì đã mệt rồi mà cuộc nào cũng dự, ai mời cũng tới.
Anh bảo, không tới không được em à. Bao nhiêu là quan hệ, bao nhiêu là mối làm ăn, dù chỉ là xã giao thôi nhưng mình không có mặt không được. Tới vào lúc nào, ngồi với ai, nói những chuyện gì... cũng đều phải cân nhắc tính toán cả.
Có những cuộc tất niên thực sự là mình muốn đi, vì cả năm làm việc bận rộn ít khi có dịp gặp anh em. Gặp nhau rồi ôn chuyện cũ, nói chuyện mới rổn rảng vui lắm. Những cuộc nhậu này thì ít khi say, mà nhỡ có say cũng thoải mái. Nhưng hình như những cuộc gặp cuối năm như vậy ngày càng ít đi và người ta cũng không còn đủ thời gian để sắp xếp gặp nhau được nữa.
Chồng tôi là trưởng phòng giao dịch của một ngân hàng nhỏ. Cuối năm nào cũng vậy, có khi tính ra phải dự cả trăm cuộc tất niên. Khi đó, những tiệc tất niên trở thành nỗi ám ảnh của cả anh và tôi.
Nhiều đêm, anh trở về nhà khi đã say khướt, đổ gục trước cửa. Vậy mà sáng vẫn dậy sớm đi làm tiếp. Những ngày làm việc cuối năm chìm trong mệt mỏi, cơn say hôm trước chưa tàn thì cuộc nhậu hôm sau đã bắt đầu.
Công việc nhà thì bao nhiêu thứ bộn bề, nào là dọn dẹp cửa nhà đón Tết, nào là con cái được nghỉ học rồi chẳng biết gửi ai trông, một tay tôi lo cả. Tôi cứ tự an ủi rằng công việc của mình đỡ vất vả hơn, gánh vác được cho chồng chút nào hay chút đó, để chồng còn ra ngoài giao thiệp với người ta.
Lo thì vẫn lo được, nhưng những đêm chờ chồng, những khi nhìn chồng nằm ngủ mê ngủ mệt, khuôn mặt đầy mệt mỏi, tái mét vì say rượu... tôi cứ ứa nước mắt. Sau những cái tiệc tùng mang tính hình thức như vậy, người ta được gì? Mà sao bao nhiêu người cứ mải mốt chạy theo?
Tất niên bây giờ dường như đã biến tướng, từ những cuộc gặp nhau thân mật cuối năm trở thành gánh nặng, nỗi sợ hãi của bao nhiêu người. Vậy mà sao cứ phải làm khổ nhau.
Tôi chợt nhớ rằng, chính cơ quan chồng mình cũng vừa tổ chức tiệc tất niên linh đình, mời bao nhiêu là quan khách. Cũng hình thức. Cũng mang tính ngoại giao. Cũng bia rượu ngập bàn. Cũng kéo từ đầu tối tới nửa đêm.
Ở chỗ này chồng là chủ tiệc, ở nơi khác chồng là khách mời “buộc phải đến” – như những người kia. Ừ, có lẽ, chúng ta vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm gây nên những mệt mỏi này.
Tôi nhớ câu nói của một nhà văn, đại ý: "Ai cũng khổ và ai cũng nghĩ người kia làm cho mình khổ. Nhưng mấy ai nghĩ được chính mình làm người kia khổ".
Và cứ thế, người ta làm khổ nhau...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận