Tại một dây chuyền lắp ráp, sản xuất xe hơi của một doanh nghiệp ở VN hiện nay - Ảnh: N.AN
Vì sao Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ làm được những chiếc xe hơi tốt nhất thế giới?
Vì sao Hàn Quốc, Ấn Độ… làm được xe hơi và bán ra cả toàn cầu? Nhưng người Việt lại không thể?
Đầu tiên, hãy nhìn vào lịch sử của ngành sản xuất xe hơi Việt Nam. Năm 1958, những chiếc xe mang thương hiệu Chiến Thắng đầu tiên xuất xưởng, phát triển từ mẫu xe Fregate chạy xăng của Pháp trên tinh thần nội địa hóa tối đa, ở miền Bắc.
Ở miền Nam, muộn hơn, những chiếc xe bốn bánh La Dalat, giá rẻ, lắp ráp theo tiêu chuẩn của Hãng Citroen, cũng của Pháp, cũng lăn bánh vào năm 1970.
Đến 1975, hai miền Nam-Bắc thống nhất và phải đến năm 1991, thời mở cửa chưa có thêm hãng xe nào, nếu không muốn nói là không có hãng xe nào ở Việt Nam, cả nội địa lẫn nước ngoài.
Phải đến năm 1991, hai hãng xe là Liên doanh ô tô Hòa Bình và Liên doanh Auto Mekong được thành lập.
Sức sống của hai hãng xe liên doanh này không kéo dài khi những chiếc xe nội địa này nhanh chóng nhường chỗ cho các hãng xe khác trên thế giới lần lượt vào Việt Nam.
Nhưng rồi, vào năm 2004, hai hãng xe khác ra đời: Thaco Trường Hải chuyên về lắp ráp, còn Xuân Kiên - Vinaxuki thì muốn nội địa hóa.
Số phận hai bên ngược chiều nhau: trong khi Thaco Trường Hải ngày càng ăn nên làm ra và dẫn đầu thị trường ở Việt Nam thì Vinaxuki đổ nợ và phải đóng cửa vào năm 2012 với giấc mơ còn dang dở.
Người tiêu dùng Việt Nam, trong rất nhiều năm nay, vẫn so nhau độ sang độ giàu của từng hãng xe.
Sang trọng thì các hãng xe từ châu Âu, bền "nồi đồng cối đá" thì từ Nhật Bản, phổ biến thì các dòng xe Mỹ, giá rẻ thì từ Hàn Quốc...
Nhưng còn xe thương hiệu Việt Nam?
"Sính ngoại" đó là từ người ta hay nói về thị hiếu tiêu dùng của người Việt. Riêng trong xe hơi không thể không sính ngoại được vì làm gì có xe nội.
Từ những vết xe đổ của các liên doanh xe hơi, lần này, một nhà đầu tư trong nước là Vingroup lại đổ hàng tỉ USD để làm xe hơn trong nước, thương hiệu Vinfast.
Cho dù giàu đến cỡ nào thì ông chủ tỉ phú Vingroup cũng không dễ dàng muốn các đồng tiền của mình được ném qua cửa sổ. Hẵn họ sẽ có những tính toán của mình. Có thể đó là chính sách, có thể đó là niềm tin, có thể đó là khát vọng.
Dù gì thì một thị trường với 92 triệu dân mà còn ít người có xe hơi, thì đó cũng là một khoản đầu tư đáng làm.
Trong đầu tư, không cứ người đi trước thất bại là người đi sau sẽ dẫm lên vết xe đổ. Và cũng không phải người trước thành công thì người sau không thể thất bại.
Giấc mơ xe hơi Việt Nam có thể ví von như xây một ngôi nhà trên đầm lầy. Những người đi tiên phong đặt các viên gạch đầu tiên sẽ bị bùn nuốt chửng. Nhưng những đổ vỡ đó, kỳ thực lại làm cho nền đất trở nên cứng rắn hơn.
Vấn đề là, người đi sau tính toán xem liệu đất nền đã đủ cứng cáp để có thể xây nên một ngôi nhà vững chắc trên đó, nếu không đầm lầy sẽ lại nuốt chửng tất cả.
Giấc mơ xe hơi thương hiệu Việt dành cho ai? Cho nhà đầu tư, cho người làm chính sách, hay thực sự cho người tiêu dùng, vốn đang, một mặt cảm thấy hài lòng với những chiếc xe ngoại, mặt khác lại phải trả một mức giá quá cao?
Theo bạn, tiêu chí để bạn mua một chiếc xe hơi, vốn dĩ vừa là phương tiện di chuyển, vừa thể hiện đẳng cấp, mà cũng là một gia tài, là gì?
Nếu có một chiếc xe thương hiệu Việt Nam, bạn có dám, hay sẵn sàng, bỏ ra hàng trăm triệu, hay cả tỉ đồng, để "thử"?
Hay sẽ lại mua xe ngoại cho lành vì các thương hiệu, nhập khẩu hoặc lắp ráp trong nước đã chứng tỏ được chất lượng, và yên tâm hơn?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận