Vết bầm tím trên còn đậm, rõ trên hai đùi cháu T. - Ảnh: ĐÔNG HÀ (ảnh chụp trưa 17-9) |
Câu chuyện về cậu bé Nguyễn Đức T. (học sinh lớp 4) bị Công an xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bắt về trụ sở khi đang đi học và đánh bầm tím người chỉ vì bị nghi ăn trộm chiếc điện thoại cũ của cô giáo khiến dư luận bức xúc.
Như Tuổi Trẻ đã , chiều 14-9, cô giáo dạy lớp 3 bị mất chiếc điện thoại cũ, nghe học sinh trong lớp mách rằng T. đã lấy, cô báo cho thầy tổng phụ trách Đội của nhà trường và sáng 16-9, thầy giáo này đã kêu T. lên làm việc.
Theo T., chính thầy đã ép em phải viết tường trình nhận mình là thủ phạm rồi báo công an xã. Trong giờ ra chơi buổi sáng, 2 công an xã đã tới trường đưa T. về trụ sở.
Bé T. kể lại có hai công an thay nhau đánh em bằng cây đến gãy cả cây. Công an viên còn dùng cây bút kẹp vào giữa hai ngón tay rồi ngoáy và nhéo tai.
Đầu giờ chiều, khi được tin báo, bố của bé T. là ông Nguyễn Đức Đồng lên đón con về thì thấy hai đùi phía sau của bé T. đều bị tím bầm, trên vành tai và xung quanh vành tai còn in hằn những dấu móng tay.
Tuy vậy, ông Nguyễn Công Xuân - trưởng Công an xã Tân Lâm - lại nói rằng vết bầm trên người cháu T. là do ông nội và cha đánh chứ không phải công an.
Làm cha mẹ, nghe những thông tin thế này quả là không tốt cho thần kinh tí nào.
Nó là cú giáng rất mạnh vào lòng tin của phụ huynh đối với nhà trường, thành trì giáo dục, nơi được coi là an toàn nhất cho con trẻ.
Tôi thực sự xin lỗi các trường, các thầy cô luôn làm tốt chức trách của mình khi nói những điều trên. Tuy nhiên, khi mà chúng ta liên tục phải nghe hết thông tin này đến thông tin khác về việc học sinh bị công an tới tận trường bắt về trụ sở, thầy cô dùng những hình phạt không giống ai để trừng phạt học sinh thì sẽ không khỏi lo lắng.
Câu chuyện của bé T. cho ta thấy từ người thầy cho tới công an này đều đã mắc những sai phạm. Ở trường, thầy cô ngoài chức năng dạy kiến thức còn là người thay cha mẹ giáo dục các em nhân cách sống, nhất là đối với trẻ tiểu học. Thầy giáo của T. không những không làm được điều đó còn đẩy em vào tình cảnh phải về công an xã, bị đánh đập khiến tâm lý, nhân cách của em bị ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài.
Thầy cô mất cái điện thoại, chưa có chứng cứ cụ thể đã vội quy kết học trò, đấy không phải là giáo dục, cũng không có tình thương. Không thông báo cho gia đình học sinh là vô trách nhiệm. Báo cho công an đến làm việc với học trò mình là vi phạm Luật bảo vệ trẻ em.
Từ sáng đến chiều, chúng ta đã giao con mình cho các thầy cô để lao vô cuộc mưu sinh. Như vậy, thời gian chính trong ngày con em chúng ta sống trong trường và được các thầy cô chăm sóc, dạy dỗ.
Nếu con cái chúng ta bị đối xử không tốt trong môi trường đó, cuộc sống của chúng sẽ là địa ngục. Nếu con cái chúng ta bị chính những người ta tin tưởng nhất hành hạ, ức hiếp thì ta sẽ đau biết nhường nào vì với các con còn có nơi nào an toàn hơn mái trường.
Ở các nước tiên tiến, trẻ em luôn là số 1. Trẻ em được thụ hưởng những gì tốt đẹp nhất mà cả xã hội dành cho và điều đó là hiện thực. Ở Việt Nam chúng ta, về mặt luật pháp và các chính sách của Nhà nước, trẻ em luôn được ưu tiên bảo vệ, chăm sóc nhiều mặt. Nhưng thực tế thì chưa được như vậy. Những câu chuyện trẻ bị thầy cô đánh đến bầm mặt, bị công an bắt giam ngay khi đang học ở trường, bị lạm dụng, ngược đãi vẫn xảy ra.
Nguyên nhân chủ yếu do những người có trách nhiệm thiếu tình người, thiếu kiến thức pháp luật và không bị xử lý đến nơi đến chốn khi sai phạm.
Xã hội nào cũng có những kẻ thiếu tình người nhưng nếu pháp luật chặt chẽ và nghiêm minh thì họ khó lòng ra tay và cũng không có cơ hội để làm điều không đúng.
Xin hãy trả lại niềm tin về những điều tốt đẹp của nền giáo dục nước nhà cho những người làm cha, làm mẹ chúng tôi. Và hãy tạo cho con em chúng ta có được môi trường sống tốt đẹp nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận