ĐB Mai Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy): "Người lớn phải làm gương và chính từ giáo dục gia đình giúp hình thành nhân cách, văn hóa cho mỗi người ngay từ nhỏ" - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bạn trẻ và vấn đề văn hóa trong giới trẻ; vai trò của tuổi trẻ TP trong tham gia phát triển kinh tế; tuổi trẻ TP sáng tạo, tham gia xây dựng đô thị thông minh; tuổi trẻ TP tham gia xây dựng văn minh đô thị và Đoàn cùng bạn trẻ lập nghiệp, khởi nghiệp được chọn cũng là những vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu (ĐB) tham dự đại hội.
Văn hóa hình thành từ giáo dục gia đình
Chọn vấn đề rất rộng song văn hóa luôn là lĩnh vực chi phối mọi mặt trong đời sống nên không phải ngẫu nhiên mà trung tâm thảo luận này đã được các ĐB tham gia ngay khi vừa mở mạng cho đăng ký.
ĐB Nguyễn Thị Ngọc Huấn (Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn) nói để hình thành nhân cách, văn hóa cho một con người, chắc chắn phải được dạy dỗ đạo đức ngay từ nhỏ nhưng các tiết học về đạo đức trong trường còn khá ít.
Chia sẻ điều này, ĐB Mai Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho rằng phải xuất phát từ giáo dục gia đình, ngay từ khi ra đời đứa bé phải được dạy dỗ để dần hình thành nhân cách, văn hóa cho đến khi lớn mà người lớn phải làm gương.
TS Đào Minh Hồng (ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM) đồng tình và bổ sung: "Cái phông văn hóa của mỗi gia đình sẽ quyết định nên văn hóa mỗi cá nhân. Do vậy, cần xây dựng các giá trị cốt lõi của gia đình, cùng chia sẻ để xã hội có được những cá nhân tích cực".
Sức ảnh hưởng của mạng xã hội khiến trao đổi về văn hóa thưởng thức thành đề tài sôi nổi. ĐB Lâm Thanh Minh (ĐH Sư phạm TP.HCM) đề xuất nghiên cứu có những chương trình truyền hình thực tế góp phần định hướng văn hóa ứng xử, hướng đến văn hóa thưởng thức ở giới trẻ, bởi thực tế có nhiều bạn quá "cuồng" thần tượng mà không phải hành vi nào cũng đúng.
Ý kiến về điều này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (ĐH Sư phạm TP.HCM) nói có khi lỗi không nằm ở các bạn, trừ phi nhận thức được nhưng vẫn cố tình làm vậy. Theo ông Sơn, có khi sự lệch chuẩn một phần do cái không đẹp lấn át cái đẹp mà điều cần là nâng cao văn hóa thưởng thức và cần có văn hóa tẩy chay.
"Nếu có định hướng các giá trị cuộc sống, thưởng thức có văn hóa, tôi tin sẽ bớt và không còn các hành vi lệch chuẩn trong giới trẻ" - ông Sơn nói.
ĐB Trương Thị Huyền (Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn): "TP cần đẩy mạnh kết nối tạo liên kết vùng kinh tế Tây và Đông Nam Bộ hình thành vùng kinh tế nông nghiệp" - Ảnh: H.KHOA
Chọn lợi thế của TP trong phát triển kinh tế
TS Vương Đức Hoàng Quân (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM) gợi mở một số vấn đề để người trẻ tham gia hiến kế các giải pháp phát triển kinh tế cùng TP. Chia sẻ của ông giúp ĐB nhận diện đâu là sự khác biệt, lợi thế của TP, cung cấp thêm góc nhìn để người trẻ có thêm lựa chọn hướng tham gia phát triển kinh tế của TP.
ĐB Kpa Hoa (Đoàn khối doanh nghiệp công nghiệp T.Ư ở TP.HCM) cho rằng sự khác biệt rất lớn của TP là nơi giao thương và không đơn thuần chúng ta lại từng được gọi là "Hòn ngọc Viễn Đông". Vì là nơi thu hút nhiều bạn bè quốc tế đến giao lưu, làm ăn, nhờ thế lối sống của người TP rất hào sảng và sự năng động của nền kinh tế tạo cho chúng ta sự sáng tạo trong các phương cách làm ăn.
"Các bạn trẻ năng động, nhanh thích nghi và hòa nhập với thời cuộc hội nhập sâu rộng. Vì thế lãnh đạo TP nên thường xuyên đối thoại trực tiếp hoặc trực tuyến với đội ngũ trẻ theo từng lĩnh vực để các bạn có cơ hội tham gia góp ý, hiến kế... vào quá trình phát triển kinh tế TP" - Hoa đề xuất.
ĐB Mai Việt Hùng (Tổng công ty Bến Thành) nói TP có lợi thế ở các lĩnh vực như: nguồn nhân lực tốt, cảng biển gần, nơi giao thương kinh doanh của vùng... ĐB Hùng mong muốn TP nên nghiên cứu xây dựng bản sắc riêng như khi nói Đà Nẵng là TP đáng sống, vậy TP chúng ta cũng cần có khẩu hiệu hành động để mỗi công dân, bạn trẻ phấn đấu làm theo.
Trăn trở về tỉ trọng đóng góp của ngành nông nghiệp vào nền kinh tế của TP còn thấp, ĐB Trương Thị Huyền (Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn) đề xuất TP cần kết nối để tạo liên kết vùng kinh tế Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ tạo ra vùng kinh tế nông nghiệp.
"Ở đó, chúng ta tổ chức chuyển giao khoa học và định hướng chung để hướng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng vùng chế biến hướng đến thị trường trong nước và xuất khẩu" - chị Huyền hiến kế.
Đồng bộ dữ liệu của đô thị thông minh
Thảo luận chủ đề "Tuổi trẻ TP sáng tạo, tham gia xây dựng đô thị thông minh", ĐB Nguyễn Hải Dương (ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) cho rằng TP chưa có cơ sở dữ liệu mở cho tất cả mọi người truy cập, khai thác thông tin còn nằm rời rạc, mỗi sở, ngành chia sẻ dữ liệu thông qua những ứng dụng riêng lẻ khác nhau.
Vì vậy, anh Dương nói cấp thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu mở để giúp người dân tiếp cận dữ liệu thuận tiện và đồng bộ hơn. Góp ý thêm, ĐB Ngô Chánh Đức (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM nên là nơi đặt cơ sở dữ liệu để sinh viên dễ dàng tiếp cận, khai thác dữ liệu.
Gắn với bảo vệ môi trường trong xây dựng đô thị thông minh, ĐB Lê Huy (ĐH Công nghệ thông tin - ĐH Quốc gia TP.HCM) nói cần phải chú ý về vấn đề ô nhiễm gây ra bởi cơ sở hạ tầng trong quá trình xây dựng đô thị thông minh.
"Ví dụ xung quanh nhà ga metro có rất nhiều tòa nhà, chung cư nên vấn đề ô nhiễm tiếng ồn cũng cần phải được xem xét thấu đáo để không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và môi trường của TP" - anh Huy phát biểu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận