02/08/2017 11:52 GMT+7

Ban chỉ đạo Tây Nam bộ 'rút ruột' ngân sách như thế nào?

MINH QUÂN
MINH QUÂN

TTO - Lập chứng từ khống, nhập nhèm trong nhiều khoản chi tổ chức sự kiện, đi công tác Nhật Bản, châu Âu... Hàng trăm tỉ đồng ngân sách nhà nước đã được Ban chỉ đạo Tây Nam bộ phù phép, rút ruột như thế nào?

Ông Nguyễn Phong Quang, nguyên phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, hiện là chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam bộ vẫn sử dụng chiếc xe công thời ông còn là phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ông Nguyễn Phong Quang, nguyên phó trưởng Ban thường trực BCĐ Tây Nam bộ, hiện là chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam bộ vẫn sử dụng chiếc xe công thời ông còn là phó trưởng Ban thường trực BCĐ Tây Nam bộ - Ảnh: CHÍ QUỐC

Theo kết luận của đoàn kiểm tra Ủy ban Kiểm tra trung ương (UBKTTƯ), qua kiểm tra ra soát việc thu chi, quản lý tài chính tại cơ quan thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) Tây Nam bộ trong vòng 5 năm 2011-2016, phát hiện cơ quan này đã vi phạm nguyên tắc tài chính rất nghiêm trọng.

Tổ chức rút ruột ngân sách nhà nước tinh vi

Cụ thể, trong số tiền khoảng trên 100 tỉ đồng bỏ ngoài sổ sách kế toán, qua kiểm tra phát hiện bộ phận kế toán tài chính gồm các ông Nguyễn Thanh Hải - nguyên chánh Văn phòng, bà Lê Thị Thu Hằng - nguyên phó chánh Văn phòng kiêm kế toán trưởng và bà Sơn Thị Quanh Ni - thủ quỹ cơ quan BCĐ Tây Nam bộ, đã có các thủ đoạn tinh vi, có tổ chức nhằm rút ruột tiền ngân sách của Nhà nước.

Điển hình là khoản thanh toán số tiền trên 3,6 tỉ đồng mua xăng phục vụ công tác trong hai năm 2013-2014.

Theo đó, Vụ công tác lãnh đạo BCĐ Tây Nam bộ có chỉ đạo bộ phận văn phòng và kế toán ký 14 hợp đồng mua xăng cho đội xe của cơ quan thường trực BCĐ đi công tác với 3 cửa hàng xăng dầu ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Theo hợp đồng, sau khi hai bên ký kết hợp đồng, cửa hàng xăng dầu xuất hóa đơn bán xăng và BCĐ Tây Nam bộ chuyển tiền qua hệ thống kho bạc trả cho cửa hàng xăng dầu.

Thế nhưng, sau khi kho bạc nhà nước chuyển tiền cho cửa hàng xăng dầu, thay vì nhận khối lượng xăng thực tế hàng tháng, bà Hằng nại lý do cơ quan vừa có nhu cầu đổ xăng vừa có nhu cầu rút tiền mặt để chi công tác phí của lãnh đạo và cán bộ đi công tác nên đến cửa hàng xăng dầu đề nghị được rút tiền mặt.

Với cách làm này, trong vòng 2 năm 2013-2014, hơn phân nửa 3,6 tỉ đồng nói trên được cơ quan lấy tiền mặt từ chủ cửa hàng xăng dầu nhưng thực tế hóa đơn thể hiện mua xăng đàng hoàng, qua mặt cơ quan giám sát về tài chính.

Không chỉ vậy, bộ phận kế toán tài chính cơ quan bị đoàn kiểm tra phát hiện một số vụ việc thanh toán khá bất thường, không đúng qui định như khoản thanh toán tiền vé máy bay đi công tác của lãnh đạo và cán bộ cơ quan BCĐ Tây Nam bộ trong quí 2-2016 lên đến 600 triệu đồng.

Qua kiểm tra, có hiện tượng lập khống, nâng số người đi công tác để thanh toán khi toàn bộ các cán bộ đi công tác bằng máy bay, nhưng thủ tục thanh toán không có bất cứ thẻ lên tàu bay nào mà chỉ thể hiện qua hóa đơn thanh toán một cục.

Chưa kể nhiều người không thuộc diện được thanh toán vé máy bay đi công tác bằng ngân sách như nghệ sĩ, ca sĩ… 

Đặc biệt, đoàn kiểm tra còn phát hiện khoản thanh toán tiền cho hai chuyến đi công tác của ông Nguyễn Phong Quang - nguyên phó trưởng Ban thường trực BCĐ Tây Nam bộ và ông Nguyễn Quốc Việt - phó ban chỉ đạo, đi công tác Nhật Bản và châu Âu với số tiền thanh toán khoảng trên 600 triệu đồng, vượt so với qui định mà bộ phận kế toán của cơ quan này không giải trình được...

Ông Nguyễn Quốc Việt (trai), phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và ông Nguyễn Phong Quang - nguyên phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, hiện đang là chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam bộ - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ông Nguyễn Quốc Việt (trái), phó trưởng BCĐ Tây Nam bộ và ông Nguyễn Thanh Hải, nguyên chánh Văn phòng BCĐ Tây Nam bộ, hiện là phó chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam bộ - Ảnh: CHÍ QUỐC


Nhập nhèm trong nhiều khoản chi tổ chức sự kiện

Với các hợp đồng tổ chức các sự kiện diễn đàn kinh tế đồng bằng sông Cửu Long các năm 2012 - 2016, các sự kiện nghĩa tình biên giới, biển đảo, tuần lễ du lịch xanh… đoàn kiểm tra kiểm tra phát hiện trong số 24 hợp đồng tổ chức sự kiện cơ quan BCĐ Tây Nam bộ ký với 4 đơn vị tổ chức sự kiện với tổng số tiền thanh toán gần 12,9 tỉ đồng có nhiều sai phạm nghiêm trọng.

Điển hình là hợp đồng kinh tế giữa BCĐ Tây Nam bộ ký với Công ty cổ phần truyền thông và quảng cáo Thế Hệ Trẻ, công ty được "ưu ái" ký 17/24 hợp đồng kinh tế với BCĐ Tây Nam bộ.

Qua rà soát, phát hiện các hợp đồng đều lập theo mẫu giống nhau. Tổng trị giá ghi nhận trong hợp đồng và giá trị bên A đã thanh toán cho bên B trên 8 tỉ đồng. Trong đó, có 1 hợp đồng không có chữ ký, không đóng dấu của bên A; 1 hợp đồng có chữ ký, nhưng không đóng dấu; 9/13 hợp đồng không có dự toán.

Toàn bộ dự toán không ghi ngày, tháng ký tên, đóng dấu của đơn vị dự toán và không có hồ sơ, tài liệu kèm theo thể hiện bảng dự toán đã được phê duyệt, chấp thuận để làm căn cứ ghi giá trị hợp đồng...

Căn cứ quy định pháp luật, điều 5 của các hợp đồng và các cơ sở nêu trên, đoàn kiểm tra bước đầu nhận định 17 hồ sơ chưa đủ điều kiện để thanh toán nhưng BCĐ Tây Nam bộ đã thanh toán cho công ty này.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện những khoản chi tiền ngân sách rất lạ. Điển hình năm 2015, BCĐ Tây Nam bộ chi khống số tiền gần 800 triệu đồng thanh toán tiền mua sắm trang thiết bị nhà khách Tây Nam bộ cho Công ty cổ phần xây dựng Mùa Xuân, nhưng công ty này là nhà thầu xây dựng công trình không phải là công ty mua sắm cung cấp thiết bị.  

Ông Nguyễn Thanh Hải, nguyên chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ông Nguyễn Thanh Hải, nguyên chánh Văn phòng BCĐ Tây Nam bộ - Ảnh: CHÍ QUỐC

Sử dụng xe công biển 80A sai qui định

Xung quanh việc sử dụng xe công biển xanh, theo UBKTTƯ, ông Nguyễn Phong Quang - nguyên phó trưởng BCĐ Tây Nam bộ, đã không gương mẫu khi biết Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo là tổ chức xã hội không thuộc diện được cấp xe biển 80A, nhưng vẫn có văn bản xin Bộ Tài chính cấp chiếc xe Camry biển số 80A-01166 để ông sử dụng khi đang giữ chức phó trưởng BCĐ Tây Nam bộ.

Việc này là sai qui định.

Trụ sở Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam bộ tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC
Trụ sở Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam bộ tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC


Lấy đất nhà nước làm Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo sai qui định

Theo thông báo kết luận của UBKTTƯ, ông Nguyễn Phong Quang vi phạm trong việc chuyển giao hơn 2000mđất của cơ quan BCĐ Tây Nam bộ cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam bộ. Vi phạm quy định của Đảng trong việc tự nhận đề cử chức chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam bộ.

Cụ thể khi đang giữ chức phó Ban thường trực BCĐ Tây Nam bộ, ông Quang đã ký văn bản gửi Bộ Nội vụ xin thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam bộ. 

Ngày 30-6-2015, thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đã ký thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam bộ. Sau khi có quyết định ông Quang kiêm chủ tịch hội này.

Ngày 9-8-2015, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam bộ được phép xây dựng trụ sở trên diện tích 1.075m2 tại khu đô thị Phú An, P.Phú Thứ, Q.Cái Răng với quy mô 1 trệt 1 lầu, tổng kinh phí đầu tư 14 tỉ đồng do một ngân hàng tài trợ theo phương thức chìa khóa trao tay.

Điều đáng nói, trụ sở này được xây dựng trên khu đất thuộc BCĐ Tây Nam bộ. Để hợp thức hóa, ông Quang chỉ đạo ông Nguyễn Quốc Việt ký văn bản đề nghị UBND TP Cần Thơ giao đất của BCĐ Tây Nam bộ cho Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo mà không đưa ra bàn bạc trong tập thể lãnh đạo ban.

Từ văn bản này, sau đó ông Nguyễn Văn Sử - giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP Cần Thơ (em ruột ông Quang), nhanh chóng hoàn tất các thủ tục đề nghị UBND TP Cần Thơ ký quyết định giao đất của cơ quan BCĐ Tây Nam bộ cho Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo xây dựng trụ sở hội và hội trường Phương Nam.

MINH QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp