28/08/2019 09:09 GMT+7

Bán chè, thêu nón mưu sinh, đôi bạn thân cùng vào đại học

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Đôi bạn thân Nguyễn Thị Ngọc Mai và Lê Thị Mỹ Hạnh (lớp 12D1 Trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế) không từ bỏ con đường học dù cuộc sống có khó khăn, nghiệt ngã đến đâu.

Bán chè, thêu nón mưu sinh, đôi bạn thân cùng vào đại học - Ảnh 1.

Đôi bạn thân Mỹ Hạnh và Ngọc Mai

Đó là đôi bạn Nguyễn Thị Ngọc Mai và Lê Thị Mỹ Hạnh ở lớp 12D1 Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế). Nhắc đến hai cô học trò này, thầy cô và bạn bè ở ngôi trường từng là trường nữ sinh Đồng Khánh nổi tiếng một thời không ai là không biết đến.

Bán chè nuôi con chữ

Từ lúc Ngọc Mai mới lên 2 tuổi, ba đã ra đi sau một biến cố gia đình. Một mình mẹ là bà Ngô Thị Thiệp gồng gánh sớm hôm nuôi ba chị em Mai. Nhà không có đàn ông trụ cột nên cái nghèo cứ đeo bám, mấy mẹ con rau cháo nuôi nhau. 

Cứ mỗi khi quang gánh trở về, căn nhà nhỏ nằm hun hút sâu trên con dốc ở xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy lại thấp thoáng bóng dáng của người mẹ tảo tần cùng tiếng cười của ba đứa trẻ.

Suốt 3 năm học phổ thông, Mai đều đạt được danh hiệu học sinh giỏi. Bạn còn giành giải cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi môn ngữ văn cấp trường. Để có tiền đi học, hằng ngày cô bạn trẻ dậy thật sớm để đến một quán bán chè ở gần nhà mua chè bán. Mỗi ly chè bán lại, Mai kiếm lời được 3.000 đồng. Cứ thế, dành dụm mỗi tháng cũng được hơn 500.000 đồng đóng học phí cho mình. 

"Bạn bè, thầy cô thương nên đặt mua chè nhiều lắm. Có ngày đơn hàng lên đến 50 ly, em phải dùng đến thùng xốp to để đưa đến trường. Nhiều phụ huynh trong lớp cũng ủng hộ" - Mai nói.

Bán chè, thêu nón mưu sinh, đôi bạn thân cùng vào đại học - Ảnh 2.

Để có tiền đến trường, Ngọc Mai (trái) bán chè, đồ ăn vặt và sau giờ học ở lớp - Ảnh: NHẬT LINH

Trong số khách hàng thường đặt mua chè, có một vị khách vô cùng đặc biệt. Đó là cô giáo chủ nhiệm của Mai - cô Nguyễn Thị Mỹ Hà. Thương học trò chịu thương chịu khó, ngoài đặt chè thường xuyên, trước mỗi kỳ thi ở trường, cô Hà thường đưa ra "giao kèo" nếu Mai đạt điểm cao thì cô sẽ đặt mua chè số lượng lớn. "Và hầu như lần nào Ngọc Mai cũng thắng tôi" - cô Hà cười.

Giờ đây, Mai đã trở thành tân sinh viên của Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế, khoa ngôn ngữ Anh. Để có tiền nhập học, hằng ngày Ngọc Mai thường nhận vỏ trầm về tách vỏ bán cho các cơ sở làm hương trầm. 

"Mình sẽ không từ bỏ ước mơ trở thành một hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh của mình để thỏa chí đi đây đi đó. Mình sẽ đi làm thêm, kiếm tiền để mẹ không phải chịu khổ nữa" - Ngọc Mai tâm sự.

Đội tang cha đến trường thi

Đầu tháng 8, tiết trời xứ Huế nắng như đổ lửa. Chúng tôi tìm về căn nhà nhỏ của Mỹ Hạnh nằm sâu trong một con hẻm ở đường Nguyễn Phúc Nguyên (TP Huế). Hạnh đang cặm cụi ngồi trước hiên nhà thêu nón. Những đường chỉ thoăn thoắt, điệu nghệ không khỏi làm những vị khách mới gặp như chúng tôi trầm trồ.

Hạnh cùng học lớp 12D1 Trường THPT Hai Bà Trưng và cũng là một người bạn thân của Mai. Thương cha mẹ vất vả, Mỹ Hạnh đã ý thức được việc phải tự lập, phụ giúp gia đình. Ngoài thời gian học trên lớp, Hạnh nhận thêm nón lá của người quen về nhà thêu họa tiết lấy tiền đi học. Mỗi chiếc nón thêu xong, Hạnh được trả 3.000 đồng/chiếc.

Bán chè, thêu nón mưu sinh, đôi bạn thân cùng vào đại học - Ảnh 3.

Mỹ Hạnh thường nhận nón về để thêu họa tiết, kiếm tiền đóng học phí - Ảnh: NHẬT LINH

Mình biết bố ở trên cao không muốn mình bỏ học giữa chừng, nên mình sẽ kiếm việc làm thêm, ngoài thêu nón để phụ giúp mẹ. Mình quyết sẽ không từ bỏ việc học.

LÊ THỊ MỸ HẠNH

Tuy nhiên việc thêu nón phải hết sức cẩn thận và tỉ mỉ từng đường chỉ một vì sơ sẩy một chút sẽ làm hỏng cả một chiếc nón lá. "Mỗi tháng mình thêu trung bình khoảng 150 chiếc nón, thu nhập khoảng hơn 400.000 đồng, đưa hết cho mẹ để đóng học phí và mua thêm con cá, miếng thịt cho bữa ăn của cả nhà" - Hạnh chia sẻ.

Những tưởng cuộc sống sẽ mãi yên ổn như vậy, thế nhưng bất ngờ biến cố xảy đến với Hạnh. Trước khi Hạnh bước vào kỳ thi THPT quốc gia khoảng một tuần thì cha Hạnh đột ngột qua đời vì đột quỵ trong lúc đang đi làm đồng. Mất đi người cha mà mình hết mực yêu thương, Hạnh suy sụp đến tột độ. 

"Trong thời gian chịu tang bố, mình đã nghĩ đến chuyện sẽ không đi học đại học nữa vì không muốn mẹ gồng gánh nuôi ba anh em đi học" - Hạnh ứa nước mắt.

Được sự động viên của mẹ và người thân, Mỹ Hạnh đội tang cha đến trường thi. Kết thúc kỳ thi, Mỹ Hạnh đạt được 23,5 điểm và trở thành tân sinh viên của Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế.

Được thầy cô, bạn bè yêu mến

Cô Nguyễn Thị Mỹ Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 12D1 Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế), kể rằng Mỹ Hạnh - Ngọc Mai là đôi bạn nổi tiếng ở trường mà hầu hết thầy cô, học sinh ai cũng biết đến bởi nghị lực chịu thương, chịu khó.

"Dù hoàn cảnh khó khăn, phải tìm mọi cách để kiếm tiền đi học nhưng hai bạn vẫn học rất giỏi. Đặc biệt là môn ngữ văn, cả Mai và Hạnh đều viết văn rất hay. Có lẽ gian khổ đã tôi luyện cho ngòi bút của hai em mạnh mẽ, chân thật đến vậy. Thầy cô, bạn bè ai cũng thương, cũng mến" - cô Hà nói.

Tiếp sức đến trường: Nâng bước những mảnh đời Tiếp sức đến trường: Nâng bước những mảnh đời

TTO - 1.745 là số sinh viên Quảng Nam - Đà Nẵng đã nhận được học bổng 'Tiếp sức đến trường' của báo Tuổi Trẻ trong 15 năm qua.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp