Ông Nguyễn Hồ Nam, chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital, phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Nhà đầu tư cần chính sách ổn định
Ông Nguyễn Hồ Nam - chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital, một trong các nhà đầu tư điện mặt trời - đã nêu ý kiến như vậy tại buổi tọa đàm. Ông Nam cho biết đang đầu tư nhiều dự án điện mặt trời tại nhiều tỉnh thành, trong đó có 2 dự án tổng công suất 140MW ở Long An. Giá mua điện là 9,35 cent/kWh theo quyết định 11/2017 của Thủ tướng về cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời chỉ áp dụng cho các dự án phát điện trước tháng 6-2019. Trong khi đó, theo ông Nam, quá trình xin được thủ tục đầu tư dự án điện mặt trời mất nhiều thời gian, chưa kể quá trình thực hiện còn phải giải tỏa đền bù; đầu tư lưới điện truyền tải kết nối...
Tuy vậy, ông Nam khẳng định Bamboo vẫn quyết tâm đeo bám, triển khai các dự án của mình và cho rằng cơ quan có thẩm quyền tính toán kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh quyết định 11/2017 theo hướng cân nhắc mức giá điện hợp lý, ổn định. Bởi giá mua điện than tuy rẻ nhưng phải cần thêm khoản kinh phí rất lớn để giải quyết vấn đề môi trường, trong khi điện mặt trời là loại hình rất ít ô nhiễm.
Ông Dương Văn Hoàng Hoanh - phó giám đốc Sở Công thương Long An - chia sẻ việc phát triển điện mặt trời hiện nay không phải "màu hồng", mà ở "màu cam" và kiến nghị gia hạn thời gian áp dụng quyết định 11/2017 đến năm 2020 để các nhà đầu tư đủ thời gian triển khai các dự án.
Tập trung giải quyết nhiều thách thức
Ông Nguyễn Đức Cường, giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, cho hay chỉ cần một đám mây đi qua hoặc điều kiện thời tiết không thuận lợi thì công suất các nhà máy điện mặt trời lập tức giảm.
Nếu một dự án điện mặt trời vài MW bị hụt thì không sao, nhưng với con số Bộ Công thương cung cấp các dự án điện mặt trời với công suất hơn 10.000MW, nếu cùng bị thiếu hụt thì tiềm ẩn nguy cơ sự cố rất lớn, đòi hỏi phải có một nguồn điện dự phòng gần tương đương vì điện mặt trời chỉ hoạt động vào ban ngày.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Lực cho biết hiện nay chi phí đầu tư điện mặt trời giảm, nếu như trước đây đầu tư 1MW tốn 2 triệu USD thì giờ còn 1 triệu, thậm chí 700.000 - 800.000 USD. Mặt khác, cường độ bức xạ mặt trời nhiều nơi ở VN khác nhau nên suất đầu tư và năng lực phát điện có thể khác nhau. Vì vậy, Bộ Công thương nghiên cứu kiến nghị điều chỉnh quyết định 11, xu hướng giá mua điện sẽ giảm so với 9,35 cent như hiện nay, trong đó phân vùng có bức xạ mặt trời khác nhau sẽ có giá khác nhau, thậm chí giá điện mặt trời áp mái cũng sẽ khác.
Quá trình phát triển "nóng" điện mặt trời thời gian qua bộc lộ một số vấn đề cần giải quyết. Theo ông Lực, Bộ Công thương sẽ trình Thủ tướng thay thế quyết định 11/2017, xu hướng giá mua điện giảm nhưng vẫn đảm bảo thúc đẩy phát triển điện mặt trời, hấp dẫn nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, ông Lực cho biết từ việc điện mặt trời chỉ hoạt động ban ngày nên Bộ Công thương cũng phải tính toán nguồn dự phòng, đồng thời có chính sách khác với các đơn vị đầu tư điện mặt trời kèm theo hệ thống ăcquy.
* Ông Trịnh Quang Dũng (nguyên trưởng phòng phát triển công nghệ điện mặt trời Viện Vật lý TP.HCM):
Điện mặt trời ít ô nhiễm nhất
Thành phần cấu tạo tấm pin năng lượng mặt trời là silic, kính, nhôm, nhựa… chịu được nhiệt độ cao và tuổi thọ 25-30 năm. Khi không còn sử dụng, các tấm pin này được sử dụng để tái chế, chứ không thải ra môi trường bên ngoài. Vì vậy, không nên lo ngại những tấm pin này gây ô nhiễm. Các chất trong ăcquy có thể gây ô nhiễm môi trường nhưng nếu được xử lý tốt, tái chế thì vấn đề môi trường không quá đáng ngại. Nhiều quốc gia trên thế giới đã khẳng định điện mặt trời gây ô nhiễm ít nhất so với các loại hình sản xuất điện khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận