Kiểm tra khí tài trên tàu USS George H. W. Bush. Dù bận rộn trong thời chiến nhưng các thủy thủ vẫn duy trì kết nối với người thân và bè bạn qua các hình ảnh trên trang Facebook của tàu - Ảnh từ FB |
Trong lúc từng tốp máy bay tiêm kích F-18 Hornet trở về rồi lại cất cánh mang theo hàng tấn bom, tên lửa vào vùng chiếm đóng của IS tại Syria và Iraq, các hoạt động hằng ngày trên hàng không mẫu hạm USS George H.W. Bush vẫn tiếp tục diễn ra.
USS George H.W. Bush nằm trong số 11 tàu sân bay khổng lồ của hải quân Mỹ, vận hành bằng năng lượng hạt nhân (giúp đạt vận tốc đến 56 km/giờ).
Không chỉ khí tài, tàu còn chở theo nhiên liệu máy bay. Đây là căn cứ nổi quan trọng nhất của Mỹ tại vùng Vịnh vào thời điểm này.
Có hơn 80 chiến đấu cơ, trực thăng cùng hơn 5.000 thủy thủ thuộc biên chế USS George H.W. Bush luôn trực chiến 24/7.
Trả lời Al Arabiya News, phó đô đốc DeWolfe H. Miller III, chỉ huy nhóm không kích, cho biết sứ mệnh của họ là “bảo vệ lợi ích của Mỹ đồng thời kìm hãm phiến quân IS, tạo điều kiện cho quân đội Iraq có thời gian chuẩn bị trận đánh trên bộ”.
Một phóng sự do Đài CNN thực hiện trên boong USS George H.W. Bush cho công chúng thấy sinh hoạt hằng ngày và hoạt động quân sự tại đây diễn ra đan xen với cường độ nhanh, máy bay tiêm kích liên tục lên xuống, các kỹ sư tất bật kiểm tra từng quả bom, tên lửa, lắp chúng vào máy bay, kiểm tra an toàn... rồi tiếp tục vòng tuần hoàn.
“Chúng tôi phải bảo đảm chúng hoàn thành nhiệm vụ của mình - một thủy thủ giải thích khi chỉ vào một quả tên lửa trên chiếc Hornet - Đó là bảo vệ tổ quốc”.
Bên cạnh đó, những đội ngũ khác phải đảm nhiệm công việc cần thiết cho sinh hoạt bình thường của hàng ngàn con người trong một không gian nhỏ. Vì thế tình cảm gia đình là một mối dây giúp họ duy trì công việc.
“Cuộc chiến càng lúc càng khốc liệt. Chúng tôi nhớ gia đình và luôn tìm cách giữ liên lạc với họ, hoặc thư từ hay email. Nhiều người trong chúng tôi đã xa gia đình rất lâu rồi. Tôi mong ngày được trở về nhà” - lời tâm sự của một người lính trẻ trên USS George H.W. Bush.
Trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, Mỹ huy động đến sáu tàu sân bay cho chiến dịch “Bão cát sa mạc” đánh phá các mục tiêu của chế độ Saddam Hussein. Nhưng lần này, chỉ một mình USS George H.W. Bush thực thi sứ mệnh.
Tàu sân bay này được điều động đến vịnh Ba Tư hồi tháng 6-2014 sau khi tham gia chiến dịch “Tự do mãi mãi” tại Afghanistan. Nhóm khủng bố IS khi đó đang càn quét nhiều vùng của Iraq.
Các chuyến bay tuần tra đầu tiên của Mỹ chuẩn bị cuộc không kích đã xuất kích từ tàu sân bay USS George H.W. Bush.
Quả bom đầu tiên nhắm vào nhóm IS trên lãnh thổ Iraq ngày 8-8 cũng từ máy bay của USS George H.W. Bush. Nó đã tạo ưu thế cho Mỹ vì máy bay có thể xuất kích tấn công và quay về tàu dễ dàng.
Lấy một so sánh nhỏ. Khi Pháp cử các máy bay chiến đấu Rafale tham gia không kích ở Iraq, các mục tiêu cách căn cứ không quân Al-Dhafra (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE) đến những 1.500km nên các chiến đấu cơ Pháp phải được tiếp nhiên liệu trên không 2-3 lần mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế số lần xuất kích của phi công Pháp không được nhiều.
Giới chức Washington lẫn London đều dự báo cuộc chiến với IS sẽ không tính theo tuần hay tháng, mà sẽ là nhiều năm. Đây là thử thách lớn cho các nước tham chiến cũng như các binh sĩ đang cống hiến trên mặt trận.
Theo báo Washington Times, thống kê đến ngày 26-9 đã có tổng cộng 243 cuộc không kích của liên quân phương Tây tại Iraq và Syria, trung bình năm đợt mỗi ngày.
Tổng thống Mỹ: tình báo đã đánh giá sai hiểm họa IS
Tổng thống Barack Obama trong một phỏng vấn trên Đài CBS thừa nhận các cơ quan tình báo Mỹ đã đánh giá thấp tổ chức khủng bố IS khi nhóm này ẩn mình trong chiến dịch tiêu diệt Al-Qaeda của Mỹ tại Iraq. “Khủng hoảng nội chiến tại Syria đã tạo điều kiện cho chúng lớn mạnh trở lại và đây trở thành thiên đường cho các nhóm thánh chiến khắp thế giới” - ông Obama nhìn nhận. Liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu đang được bổ sung các chiến đấu cơ từ Pháp và Anh. Đan Mạch hứa sẽ gửi 6 chiếc F-16 tham gia, ngoài ra còn có các máy bay của Saudi Arabia và UAE. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby thông báo liên quân đã phá hủy 12 trạm lọc dầu của IS tại Syria, cắt đứt nguồn thu nhiều triệu đôla của chúng tại thị trường chợ đen. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hồi tuần trước đã mở lời đề nghị giúp đỡ Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố, trên hết là nhóm IS. Có tin Nga đã bắt đầu chuyển khí tài cho Iraq. Trong một diễn biến khác, lãnh đạo tổ chức Mặt trận Nusra Abu Mohamad al-Golani, một nhánh của tổ chức Al-Qaeda tại Syria, lên tiếng cảnh báo các cuộc không kích sẽ không tiêu diệt được phiến quân ở Syria và đe dọa những người ủng hộ của nhóm có thể tấn công từ bên trong các nước phương Tây. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận