26/08/2024 08:54 GMT+7

Bản án thiên vị và bất công của Tòa phúc thẩm Paris

Tôi thực sự bất nhẫn về giọng văn lạnh lùng trong bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm Paris khi bác đơn kháng cáo của bà Trần Tố Nga, và phẫn nộ khi họ buộc bà phải trả cho mỗi công ty bị đơn 1.500 euro!

Bản án thiên vị và bất công của Tòa phúc thẩm Paris - Ảnh 1.

Bà Trần Tố Nga trong một hoạt động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam - Ảnh: TỰ TRUNG

Tôi thực sự bất nhẫn về giọng văn lạnh lùng trong bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm Paris khi bác đơn kháng cáo của bà Trần Tố Nga, và phẫn nộ khi họ buộc bà - một người phụ nữ đã 82 tuổi trải qua bom đạn, tù đày và đang bệnh ung thư - phải trả cho mỗi công ty bị đơn 1.500 euro!

Các thẩm phán đều biết rõ đứng sau bà Nga là hơn 4 triệu người Việt - trong đó có hàng trăm ngàn trẻ em - đã và đang tiếp tục bị hành hạ đau đớn, tương lai bị hủy hoại bởi những căn bệnh do chất độc dioxin trong chất - diệt cỏ - da - cam (Agent Orange) mà Mỹ rải trong chiến tranh ở Việt Nam gây ra.

Một bản án thiên vị

Thiên vị vì lập luận của bản án phúc thẩm (BAPT) của Tòa phúc thẩm Paris chủ yếu dựa trên - và thậm chí sao chép - các luận cứ trong bản án ngày 10-3-2005 của Tòa sơ thẩm liên bang quận Đông của thành phố New York bác đơn khởi kiện của một số nạn nhân Việt Nam nhiễm độc từ chất - diệt - cỏ - da - cam do Mỹ rải trong chiến tranh ở Việt Nam.

BAPT trích dẫn: "Tòa án sơ thẩm quận phía đông New York, trong quyết định ngày 9-2-2004, trang 29, cho rằng: "Chính phủ đã biết các quy trình sản xuất thay thế có thể giảm thiểu sự hiện diện của dioxin trong chất da cam. Tuy nhiên, trong quá trình thúc đẩy sản xuất tối đa chất da cam để sử dụng như một công cụ chiến tranh, chính phủ đã cấm các bị đơn (các công ty Monsanto, Dow Chemical, Occidental Chemical, THAN) sử dụng công nghệ sản xuất thay thế. Điều này đã dẫn đến hàm lượng dioxin cao trong chất da cam".

Bằng việc quy trách nhiệm cho Chính phủ Mỹ, BAPT bênh vực cho các công ty bị đơn, bác kháng cáo với lý do bị đơn được hưởng quyền miễn trừ tư pháp theo luật pháp quốc tế vì họ "thực hiện theo lệnh và vì lợi ích của Mỹ". Cùng với đó, BAPT cũng xác định: "Quy định này xuất phát từ nguyên tắc tập quán rằng các quốc gia bình đẳng. Một quốc gia không thể bị xét xử bởi một quốc gia khác trong những hành động bảo vệ độc lập và chủ quyền của họ".

Trong chiến tranh Việt Nam, sự thật mà ai cũng biết là độc lập và chủ quyền của nước Mỹ không hề bị Việt Nam hay bất cứ nước nào đe dọa. Ngược lại, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa chính là nước bị đe dọa, xâm phạm chủ quyền!

Việc Tòa phúc thẩm Paris áp dụng nguyên tắc tập quán như là cơ sở pháp lý cũng là vấn đề cần xem xét. BAPT thừa nhận: "Dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, một công ước về "quyền miễn trừ tư pháp của các quốc gia và tài sản của họ" đã được thông qua tại New York vào ngày 2-12-2004. Công ước này đã được Pháp ký kết vào ngày 17-1-2007 và phê chuẩn vào ngày 12-8-2011 nhưng chưa có hiệu lực do chưa đủ 30 quốc gia phê chuẩn theo quy định". Chưa có hiệu lực nhưng Tòa phúc thẩm Paris lại áp dụng với lý do: "Pháp áp dụng công ước này như là một phần của luật tập quán".

Bản án thiên vị và bất công của Tòa phúc thẩm Paris - Ảnh 2.

Bà Trần Tố Nga - Ảnh: TỰ TRUNG

Một vấn đề pháp lý khác là công nhận lá chắn miễn trừ của các tập đoàn đa quốc gia khi họ đã vì lợi nhuận mà tham gia các hành vi mang tính chất "tội ác chiến tranh". BAPT viết: "Các nhà sản xuất không có bất kỳ lựa chọn nào trong việc thực hiện các đơn đặt hàng. Chi tiết về thành phần của "chất da cam" được chỉ định rõ ràng, sự hiện diện của dioxin là kết quả công thức sản phẩm do Chính phủ Mỹ yêu cầu. Các công ty đã thực hiện theo lệnh và vì lợi ích của Mỹ". 

Khi nhắc tới "đặt hàng" và "hợp đồng", Tòa phúc thẩm Paris phải hiểu rõ rằng pháp luật dân sự Mỹ, Pháp và quốc tế không cho phép áp đặt ý chí của một bên trong các thỏa thuận dân sự. Chứng cứ đã rõ: các bị đơn biết rõ Agent Orange mà chính phủ đặt hàng có chứa dioxin với hàm lượng cao; biết chất da cam này sẽ và đang được rải trên nhiều triệu mẫu đất rừng và đất ruộng ở Việt Nam và cả Đông Dương; biết rõ dioxin là chất độc gây chết người, gây ung thư và dị tật sinh sản trên con người trong những vùng bị sử dụng cho dù nhân danh "chất diệt cỏ".

Mặc dù viện dẫn pháp luật quốc phòng của Mỹ, chúng ta đều biết, ở Mỹ không ai có thể bắt buộc các "gã khổng lồ" tư bản tham gia tội ác nếu họ không đồng ý khi biết rõ đó là tội ác. Các bị đơn, với đội ngũ luật sư "cao cấp" của họ, có nhiều cách để từ chối theo luật pháp Mỹ và luật pháp quốc tế, chí ít có quyền thương lượng sửa đổi đơn đặt hàng để giảm hàm lượng dioxin. Nhưng họ đã không từ chối và còn tích cực cung cấp 20 triệu gallon chất da cam giết người này. Và 18 triệu gallon đã được rải ở Việt Nam!

Bản án thiên vị và bất công của Tòa phúc thẩm Paris - Ảnh 3.

Bà Trần Tố Nga giữa bè bạn quốc tế sau phiên tòa phúc thẩm tại Paris vào ngày 7-5-2024 - Ảnh: KVL

Một phán quyết bất công

Ngay trong chiến tranh, nhiều hoạt động điều tra khoa học về hiểm họa chất độc da cam đã được xúc tiến nhưng bị ngăn chặn và hạn chế bởi Chính phủ Mỹ, và Chiến dịch rải chất da cam ở Việt Nam (với tên gọi Ranch Hand) vẫn tiếp tục. Ngay sau chiến tranh, nhân dân Mỹ, đi đầu là các cựu binh, đã tiến hành các vụ kiện yêu cầu chính phủ bồi thường cho những người Mỹ bị nhiễm dioxin khi tham chiến ở Việt Nam, kể cả những người chỉ hoạt động ở Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc và một số địa bàn khác.

Tiến sĩ James Clary, một trong những người đã soạn thảo kế hoạch chiến dịch rải chất độc da cam Việt Nam, viết trong thư gửi thượng nghị sĩ Mỹ Tom Dashler - người đang điều tra về vụ việc - năm 1988: "Khi bắt đầu chiến dịch diệt cỏ trong những năm 1960, chúng ta đã biết những thiệt hại tiềm ẩn từ sự nhiễm độc dioxin. Công thức chất da cam của quân sự có hàm lượng dioxin cao hơn khi dùng trong dân sự bởi việc thúc đẩy sản xuất nhanh. Tuy nhiên, vì chất này được dùng trên kẻ thù nên không ai quan tâm. Chúng ta chưa cân nhắc kịch bản người của mình cũng sẽ bị nhiễm độc".

Trước những kết quả nghiên cứu hiển nhiên, vào năm 1971, tổng cục trưởng phụ trách sức khỏe của Hoa Kỳ đã ban hành lệnh cấm sử dụng chất da cam trong nước Mỹ và ngày 30-6-1971 mọi hoạt động diệt cỏ bằng chất da cam ở Việt Nam được chấm dứt. Ngày 8-4-1975, tổng thống Gerald Ford ban hành sắc lệnh 11859 từ bỏ việc sử dụng chất diệt cỏ trong chiến tranh. Năm 1991, tổng thống George H. W. Bush ký đạo luật chất diệt cỏ da cam - công nhận một số bệnh liên quan đến chất da cam và chất diệt cỏ khác được đối xử như là hậu quả của việc phục vụ quốc phòng - nhưng chỉ áp dụng cho cựu binh Mỹ.

Tòa án Mỹ xét xử thiên vị Chính phủ Mỹ, và Chính phủ Mỹ thiên vị cựu binh Mỹ là một bất công đối với các nạn nhân Việt Nam. Nhận thức điều đó, Chính phủ Mỹ đã và đang tìm cách khắc phục. Năm 2006, Quốc hội Mỹ đã quyết định chính thức tham gia việc giải quyết hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam. Từ 2007 đến nay, hàng trăm triệu USD đã được Mỹ viện trợ không hoàn lại hay cung cấp ODA cho Việt Nam trong hoạt động này.

Còn ở Tòa phúc thẩm Paris hôm nay, đối với các bị đơn, những "gã khổng lồ" sản xuất kinh doanh hóa chất trên toàn cầu, những yêu cầu bồi thường của bà Nga thật là bé nhỏ nhưng đã bị bác và thậm chí bà Nga còn bị buộc phải bồi thường.

"Tôi không tham gia vụ kiện với bất kỳ tư cách nào, cũng không viết bài này với tư cách luật sư hoặc thành viên của công ty luật nào. Tôi lên tiếng với tư cách một công dân Việt Nam, một người bạn của bà Nga - người chia sẻ những thống khổ của những nạn nhân da cam ở nước tôi và cả ở nước Mỹ, người yêu quý những phẩm giá cao đẹp của nhân dân Pháp, yêu nước Pháp xinh đẹp vừa cổ kính vừa hiện đại mà ở đó tôi có nhiều bạn bè thân thiết và hầu như năm nào cũng đến thăm.

Tôi kêu gọi tòa giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm thiên vị và bất công này theo hướng công nhận lẽ công bằng chính đáng của hơn 4 triệu nạn nhân da cam Việt Nam và tương lai của con cái họ, mà bà Trần Tố Nga là một trong số đó. Tòa án Pháp cần thực hiện tiêu ngữ cao quý "Tự do - Bình đẳng - Bác ái" của nước mình bằng cách áp dụng nguyên tắc "lẽ công bằng" để chấp nhận yêu cầu của bà Trần Tố Nga.

Bản án thiên vị và bất công của Tòa phúc thẩm Paris - Ảnh 4.Họp báo sau phán quyết của tòa, bà Trần Tố Nga tuyên bố không bỏ cuộc

Chiều 23-8 (giờ Việt Nam), bà Trần Tố Nga cùng hai luật sư đã mở họp báo liên quan đến phán quyết của Tòa phúc thẩm Paris về vụ kiện chất độc da cam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp