Vì liên quan việc mua, bán dâm và chứa chấp mại dâm, ba phụ nữ và một người đàn ông đã bị Công an thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc, Kiên Giang) đưa ra đường phố để công khai danh tính, địa chỉ, hành vi vi phạm cụ thể.
Trước rất đông người chứng kiến, một cán bộ công an đã lần lượt "kể tội" từng người bằng những phán xét mà ngay cả những người ngoài cuộc còn thấy rất khó chấp nhận huống gì là các đương sự.
Những diễn giải, mô tả, trong đó có chi tiết về số tiền ít ỏi trao, nhận... được người cán bộ công an bỏ công thuyết minh nhằm làm rõ hành vi "phạm tội" lại cho thấy đằng sau những cái cúi đầu, che mặt vì xấu hổ là những thân phận đáng thương.
Tuy việc mua, bán dâm chưa bao giờ được xã hội chấp nhận nhưng ngày nay những việc làm tương tự như thế cũng không thể bị đem ra xỉ vả, bêu riếu trước đám đông.
Chắc chẳng mấy ai hả hê trước tình cảnh như thế nhưng những người bị "kể tội" và người thân của họ sẽ sống ra sao khi phải đối mặt với lời "kết tội" về nhân phẩm.
Bởi thế chưa cần biết việc này được quy định sao nhưng số đông đã phẫn nộ trước cách trừng phạt không có tính nhân văn và phản cảm này.
Để rồi thay vì lên án hành vi sai phạm do được giáo dục, răn đe - như mục đích của việc công khai hóa vi phạm theo lời của thiếu tá Dương Thiết Tâm, phó trưởng Công an thị trấn Dương Đông - thì dư luận đang đổ dồn phê phán vào lối hành xử khó chấp nhận của những người giữ gìn pháp luật ở địa phương.
Điều đáng nói hơn nữa là việc công khai danh tính người mua, bán dâm không hề được pháp luật cho phép. Dẫu còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng chính sách xử lý người mua, bán dâm đã có nhiều thay đổi trên cơ sở tôn trọng nhân phẩm, quyền con người.
Từ chỗ còn có thể bị đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc được giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định trước đây thì nay theo Luật thì người bán dâm chỉ bị xử phạt hành chính (phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng...), còn người mua dâm thì bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng, trừ trường hợp có tình tiết tăng nặng...
Vậy tại sao các điều chỉnh này của pháp luật không được những cán bộ công an thị trấn Dương Đông thẩm thấu để có cách đối xử nhân văn với người vi phạm - nhất là đối với người bán dâm - nhằm bảo đảm được tính người và trên hết là phù hợp với luật pháp?
Phải chăng có những người bán, mua dâm thường xuyên lặp đi lặp lại vi phạm khiến cán bộ công an mất nhiều thời gian, công sức xử lý dẫn đến những việc làm không đúng?
Hay mọi cái sai bắt nguồn sâu xa từ chỗ những người thực thi pháp luật vẫn còn cách nhìn khinh miệt, thậm chí không coi những người bán dâm là con người bình thường?
Nếu như vậy thì pháp luật đã không được tôn trọng và khó tránh khỏi lặp lại những sự xúc phạm vừa xảy ra ở Dương Đông ở những hình thức khác nhau.
Những kiểu "thay trời hành đạo" này không chỉ thiếu tính nhân văn, vi phạm pháp luật, mà còn để lại những hậu quả nặng nề cho nạn nhân, đó là những bản án "chung thân" về nhân phẩm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận