Nhờ thương vụ bán 49% vốn điều lệ FE Credit cho đối tác Nhật Bản, VPBank đã đóng góp thêm cho ngân sách Nhà nước 4.000 tỉ đồng - Ảnh: VPBANK
Cuối tuần trước, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF) - công ty con thuộc tập đoàn tài chính SMBC Group của Nhật Bản đã hoàn tất việc chuyển nhượng 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit).
Ngân sách thu được 4.000 tỉ đồng
Dù hai bên không chính thức tiết lộ giá trị của thương vụ, nhưng tại buổi lễ hoàn tất việc chuyển nhượng vốn, ông Jun Ohta, Tổng Giám đốc Tập đoàn SMBC, cho biết đây là thương vụ đầu tư tài chính lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay.
"Thương vụ này không chỉ giới hạn ở kỳ vọng tăng trưởng của FE Credit, mà còn là minh chứng cho niềm tin của tập đoàn SMBC vào tiềm năng tăng trưởng của đất nước Việt Nam" - ông Ohta chia sẻ.
Đại diện từ VPBank cho biết, thương vụ M&A này sẽ góp phần đáng kể giúp ngân hàng tăng vốn chủ sở hữu từ hơn 57.000 tỉ đồng cuối quý 3 lên hơn 90.000 tỉ đồng vào cuối năm nay.
Không chỉ vậy, ngân sách Nhà nước cũng sẽ thu về hàng nghìn tỉ đồng từ khoản sang tay 49% vốn tại FE Credit.
Ước tính VPBank sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 4.000 tỉ đồng tiền thuế thu nhập từ nguồn thoái vốn tại FE Credit. Đồng thời, trong 10 tháng đầu năm nay, số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp mà VPBank đóng góp vào ngân sách Nhà nước từ hoạt động kinh doanh thông thường là hơn 3.700 tỉ đồng.
Dư địa phát triển thị trường tài chính còn rất lớn
Đánh giá về tiềm năng thị trường tài chính của Việt Nam, ông Kalidas Ghose, Tổng Giám đốc FE Credit, nhận định, dư địa phát triển thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam còn rất lớn.
Cho vay tiêu dùng tại Việt Nam mới chiếm 20% tổng dư nợ nền kinh tế trong khi tại các quốc gia phát triển, con số này là khoảng 40-50%. Tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, quy mô cho vay tiêu dùng cũng ở mức 34% tổng dư nợ.
Tiềm năng FE Credit không chỉ dừng lại ở con số 12 triệu khách hàng như hiện nay mà còn có thể đạt 20 - 25 triệu khách hàng trong 4 - 5 năm tới.
Một trong những yếu tố khiến thị trường tài chính tăng trưởng nhanh như thời gian qua, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, quy mô dân số Việt Nam hiện đạt hơn 98 triệu người, đặc biệt dân số trẻ ở độ tuổi trung bình 32,9 tuổi. Như trong năm 2020, bất chấp đại dịch COVID-19, dư nợ cho vay tiêu dùng vẫn tăng trưởng khoảng 10,7%, đạt hơn 1,86 triệu tỉ đồng.
Theo ông Kalidas, thị trường phát triển rất nhanh khiến hành vi của người tiêu dùng cũng thay đổi, thu nhập được cải thiện từng ngày, đòi hỏi công ty tài chính cũng phải bắt kịp nhu cầu thông qua đa dạng sản phẩm, dịch vụ và làm giàu hệ sinh thái tài chính số.
Sự tham gia của đối tác ngoại như SMBC được xem là bước đi phù hợp giúp FE Credit nhanh chóng bắt nhịp với xu hướng mới. FE Credit có thể hưởng lợi lớn từ hệ sinh thái của SMBC - vốn đã được phát triển hoàn thiện và kiểm định thành công ở nhiều thị trường khác nhau.
Ngay tại Đông Nam Á, SMBC đã gặt hái thành công tại Indonesia với ngân hàng BTPN. Hiện BTPN là định chế tài chính lớn tại Indonesia, cung cấp đầy đủ hoạt động từ quản lý tài sản, ngân hàng số, cho vay tiêu dùng, vay mua ô tô, chứng khoán tới cho thuê tài chính.
Ông Ryohei Kaneko, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC nhận định, sự cộng hưởng cho hợp tác giữa SMBC và FE Credit có thể sẽ thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái số hóa hiệu quả hơn, đáp ứng tốt nhất hành trình của khách hàng, phục vụ cho đời sống cá nhân của họ chỉ trong một thiết bị cầm tay.
"Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh COVID-19 và đang trong quá trình hồi phục, song vẫn còn có nhiều thách thức đối với tài chính tiêu dùng. Mặc dù vậy, tôi tin rằng sự kết hợp giữa hai bên sẽ giúp chúng ta thể vượt qua những thách thức và là ‘cú hích’ đưa FE Credit lên một tầm cao mới," Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC – ông Ryohei Kaneko chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận