16/01/2012 03:45 GMT+7

Băm nát rừng xanh

HỮU PHÚC
HỮU PHÚC

TT - Có một con đường dài gần 10km mở trái phép trong rừng phòng hộ để tiện vận chuyển gỗ lậu ra bên ngoài. Không thể đếm xuể bao nhiêu cây cổ thụ bị triệt hạ, bao nhiêu mét khối gỗ quý vừa mới xẻ nằm la liệt hai bên đường.

3dl3bX2f.jpgPhóng to
Gỗ xẻ thành phách trong rừng - Ảnh: H.P.

Cận tết, những cánh rừng nguyên sinh luôn trở thành miếng mồi ngon của lâm tặc. Không chọn phương án theo chân các đoàn kiểm tra, truy quét như trước đây, lần này theo nguồn tin của người dân cung cấp, cánh nhà báo chúng tôi thâm nhập đại bản doanh phá rừng ở khu vực thôn 3, xã Trà Ka (Bắc Trà My, Quảng Nam).

Phá rừng cận tết

Chính quyền xã phải chịu trách nhiệm

Ông Lê Văn Tuấn, chánh văn phòng UBND huyện Bắc Trà My, cho biết: “Chính quyền xã phải chịu trách nhiệm về việc để tồn tại các điểm khai thác vàng lậu. Cách đây hơn 10 ngày, lực lượng chức năng của huyện Bắc Trà My có truy quét và tịch thu hơn 3,5 tấn dầu diesel phục vụ cho khai thác vàng trái phép”.

Cuối đông, mưa rừng lất phất, đường vào rừng trơn như mỡ. Từ trụ sở UBND xã Trà Ka, theo đường mòn chúng tôi trực chỉ tiến về phía thượng nguồn sông Lon - nơi giáp ranh với huyện Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi).

H.V.L., một người dân làm thuê cho các bãi vàng ở Trà Ka, cho biết: “Vào mùa khô xe Win có thể chạy thẳng đến tận các mỏ vàng, nhưng mùa mưa do tình trạng mở đường xâm hại rừng tự nhiên với quy mô lớn, khiến đường nhão nhẹt sình lầy. Việc mở đường kéo dài cả năm ni”. Đi qua một cầu treo, ngược lên vài con dốc dựng đứng, hành trình vào rừng càng trở nên khó khăn, bởi đường bị băm nát nham nhở, nhiều cây cổ thụ bị bứng gốc chắn ngang đường. Dấu vết của các bánh xe múc, xe ủi còn in rõ mồn một.

Theo quan sát của chúng tôi, cánh rừng thôn 3, xã Trà Ka có độ che phủ rất cao, còn nhiều loại gỗ quý như chò, lim, sến... Lòng đường mở trái phép rộng khoảng 3m, kéo dài gần 10km. Điều đáng nói, đường mở đến đâu thì diện tích rừng bị xâm hại đến đó. Hàng trăm cây cổ thụ đường kính trên dưới 1m bị cưa đốn không thương tiếc. Thêm vào đó, vô số cây bị bứng gốc đang chờ đổ ngả. Nghiêm trọng hơn, đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất, đá - hệ lụy của tình trạng phá rừng, mở đường. Đường được mở trái phép đến tận nhà của một phó chủ tịch UBND xã Trà Ka!?

Tại hiện trường, chúng tôi còn phát hiện ít nhất bốn địa điểm gỗ đã được xẻ dọc thành phách, tập kết thành những đống to đùng. Từng thâm nhập nhiều điểm phá rừng trong tỉnh, nhưng chúng tôi vẫn không thể tin vào mắt mình khi chứng kiến hiện trường tàn sát rừng ghê gớm như ở thôn 3, xã Trà Ka.

Ông Lê Văn Tuấn - chánh văn phòng UBND huyện Bắc Trà My - tỏ ra bất lực: “Nói huyện không hề biết nạn phá rừng, khai thác vàng tại Trà Ka là không đúng. Có điều do địa bàn giáp ranh xa xôi, mỗi lần tổ chức truy quét, đối tượng thường di chuyển sang địa bàn huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) nên bó tay trong khâu xử lý”.

Phá rừng kiếm vàng

Rừng ở đây vừa tan nát vì lâm tặc và cả do dân đào vàng trái phép. Sau hơn bốn giờ băng rừng, lội hàng chục con suối, chúng tôi mới đến được bờ sông Lon. Để định vị được địa điểm khai thác vàng sa khoáng trái phép trên sông, chúng tôi leo lên quả núi cao nhất để nhìn xuống. Và thật không khó để xác định được vị trí, chỉ cần men theo bờ sông vài trăm mét là đến tận mỏ. Lòng sông Lon vốn hẹp giờ lại bị xới tung lên, có đoạn bị ngăn dòng không còn chảy nữa. Ba lán trại công nhân dựng lên sát mép sông còn chứa mền chiếu, dự trữ lương thực. Theo nguồn tin từ người dân, thôn 3 có ít nhất hai địa điểm khai thác vàng trái phép. Việc phá rừng mở đường vào bãi vàng được các chủ bãi thực hiện.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Trần - phó chủ tịch UBND xã Trà Ka - khẳng định: “Việc mở đường vào dòng sông Lon xuất phát từ nguyện vọng của bà con thôn 3. Người dân đã có đơn gửi lên chính quyền xã mong được mở đường dân sinh để thuận lợi cho việc khai thác rừng trồng. Dân làm đơn xin các chủ bãi vàng mở đường và được phép khai thác vàng để bù vào chi phí, nhưng xã không dám duyệt và chuyển đơn lên huyện”.

Qua tìm hiểu, được biết “nguyện vọng” của dân đã không được chính quyền huyện Bắc Trà My đồng ý. Tuy nhiên, thực tế là đến nay người ta đã phá rừng để làm một con đường dài gần 10km để xe cơ giới vào tận các điểm khai thác “vàng lậu” vào mùa khô. Qua điều tra và tiếp cận thực tế, phóng viên thấy tuyến đường này hoàn toàn không đi qua các khu vực rừng trồng của nhân dân, mà thực chất là để tàn phá rừng tự nhiên và khai thác vàng trái phép dọc hai bờ sông Lon.

HỮU PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp