Nghệ sĩ múa Sùng A Lùng trong vai người dẫn chuyện, anh cũng đảm nhận nhân vật Tú Bà của ballet Kiều - Ảnh: HỮU HẠNH
"Xúc động, vui mừng và nhìn thấy được tương lai. Tác phẩm ổn, còn nhiều điểm có thể phát huy tốt hơn. Điều quý nhất là các nghệ sĩ đã đưa được nghệ thuật chất lượng đến với công chúng và được quan tâm, đón nhận" - NSƯT Trần Vương Thạch, giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO), chia sẻ sau buổi diễn.
Là một trong những tác phẩm múa đầu tiên sau mùa COVID-19, đêm công diễn ballet Kiều sớm "cháy vé" và nhận được nhiều yêu cầu tái diễn từ khán giả.
Vở sẽ được diễn thêm 2 đêm 23 và 24-7 tại Nhà hát TP.HCM, sau đó tiếp tục đến với khán giả thủ đô vào ngày 14-8 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Trích đoạn ballet Kiều kết hợp ấn tượng giữa múa ballet và hiệu ứng kỹ thuật Hologram - Video: HỮU HẠNH
Để chuyển thể một tác phẩm văn học nằm lòng của người Việt sang múa ballet là điều rất khó. Thách thức với êkip là làm sao mang đến những hình ảnh mới, cảm xúc mới cho một câu chuyện cách đây đã 252 năm.
"Êkip đã đưa ra được ngôn ngữ biểu đạt phù hợp tâm lý thưởng thức của khán giả. Các yếu tố vũ đạo, âm nhạc, phục trang, hình ảnh sân khấu, đặc biệt cách xử lý về thủ pháp lớp lang khá hợp lý, tạo được hiệu quả cảm xúc về vẻ đẹp của Kiều - vẻ đẹp không thể hiện ở nội dung câu chuyện mà qua cảm nhận nội tâm của từng nhân vật, mang cảm giác âm hưởng đương đại" - chỉ đạo nghệ thuật, PGS.NSND Ứng Duy Thịnh nhận xét.
Về tổng thể, biên đạo - thạc sĩ Tuyết Minh bám khá sát Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Những tình tiết và nhân vật chính xuất hiện khá đầy đủ và dễ nhận ra trong 3 cảnh, 15 hồi.
Mỗi phân đoạn được hai biên đạo Tuyết Minh - Phúc Hùng sử dụng những chất liệu múa đa dạng, phù hợp chuyển biến tâm lý và thể hiện thân phận truân chuyên của nàng Kiều.
NSƯT Trần Hoàng Yến (vai Kiều) đã thể hiện thành công chuyển tâm lý của Kiều từ một cô gái hồn nhiên trong sáng với mối tình với Kim Trọng, đến đau khổ chấp nhận vùi thân nơi lầu xanh, và rồi rũ bỏ tất cả khổ đau để trở về là một nàng Kiều đầy vị tha, yêu thương.
Các diễn viên của đoàn vũ kịch HBSO cũng đã làm chủ kỹ thuật múa ballet trên mũi cứng và thể hiện được thần thái, diễn biến cảm xúc của nhân vật.
Sự kết hợp giữa kỹ thuật múa ballet cổ điển châu Âu với ngôn ngữ múa dân gian đương đại; giữa đôi giày mũi cứng ballet với phục trang đậm bản sắc Việt biến tấu từ áo tứ thân, áo the, nón quai thao…; giữa âm nhạc bán cổ điển sang trọng của nhạc sĩ Việt Anh với sự phá cách ma mị mang âm hưởng cổ nhạc ca trù, hát xẩm của nhạc sĩ Chinh Ba giúp tôn thêm những cảm xúc vừa trữ tình lãng mạn, vừa cao trào kịch tính cho từng phân đoạn.
Ballet Kiều cũng gây ấn tượng với sự kết hợp giữa diễn viên múa ballet và hiệu ứng kỹ thuật Hologram (kỹ thuật trình chiếu nổi 3 chiều), tạo hiệu quả thị giác và tương tác đặc biệt trên sân khấu.
Một phân cảnh ma mị trong ballet Kiều - Ảnh: HỮU HẠNH
Sau đêm công diễn, khán giả đã dành một tràng pháo tay dài để ủng hộ các nghệ sĩ và nán lại nhà hát khá lâu để chia sẻ cảm xúc với ballet Kiều.
Với những khán giả đã quen theo dõi các tác phẩm múa của đoàn vũ kịch HBSO, ballet Kiều có những nét khác lạ khi xuất hiện nhiều đạo cụ và cảnh trí trên sân khấu, thêm phần hoành tráng nhưng chưa tận dụng hết tối đa hiệu quả.
Phần hiệu ứng ánh sáng và kết nối câu chuyện còn đôi chỗ trúc trắc, khiến khán giả dễ bị đứt mạch cảm xúc khi chuyển tiếp giữa các phân đoạn. Sự yêu thích nguyên tác Truyện Kiều khiến công chúng càng mong đợi êkip sẽ hoàn thiện thêm nhiều khía cạnh cảm xúc sâu hơn, trọn vẹn hơn, và tiếp tục kỳ vọng nhiều hơn với ballet Kiều ở những lần tái diễn tiếp theo.
"Đây là đêm công diễn đầu tiên. Các bạn đã chuẩn bị rất cẩn thận và tâm huyết. Một vở múa mới ra đời mà khơi được nhiều cảm xúc và được khán giả đón nhận như vậy là đáng khen và nên khen nhiều hơn.
Tất nhiên, ‘văn ôn vũ luyện’, càng đầu tư thêm thời gian thì sự kết hợp càng nhuần nhuyễn và hiệu quả sẽ càng tốt hơn nữa" - PGS.NSND Ứng Duy Thịnh chia sẻ.
Ballet Kiều là vở ballet đầu tiên chuyển thể từ Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, kết hợp giữa ngôn ngữ múa ballet châu Âu với những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc Việt.
Tác phẩm nằm trong chương trình hành động năm 2020 của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, do Hội Nghệ sĩ múa phối hợp HBSO thực hiện.
Một số hình ảnh trong vở ballet Kiều
Các nghệ sĩ múa ballet với áo tứ thân, nón quai thao trong phân đoạn Du xuân - Ảnh: HỮU HẠNH
NSƯT Đàm Đức Nhuận, Hoàng Yến và Khang Ninh tái hiện phân cảnh Kiều gặp Kim Trọng - Ảnh: HỮU HẠNH
Phân đoạn gia biến, Kiều phải bán mình chuộc cha - Ảnh: HỮU HẠNH
Cảnh Kiều rơi vào lầu xanh - Ảnh: HỮU HẠNH
Kiều và Thúc Sinh (NSƯT Trần Hoàng Yến, diễn viên Đặng Minh Hiền) - Ảnh: HỮU HẠNH
Phân cảnh đánh ghen của Hoạn Thư (diễn viên Đoàn Vũ Minh Tú) - Ảnh: HỮU HẠNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận