Cơ hội đầu tiên đã đến, trong giờ kiểm tra văn, cô giáo ra đề “Em hãy tả lại quang cảnh trường em trong dịp nghỉ hè”. Thế là tôi quyết định tả cảnh bằng... thơ, có bố cục hẳn hoi. Một bài thơ lục bát mà tôi đắm chìm trong cảm xúc: Ai về Quảng Thuận quê em/ Dừng chân ghé lại mà xem mái trường/Hè về nắng tỏa bóng dương/Dừa xanh vẫy gió bàng vươn lá cành…Và tôi thở phào với câu kết thúc: Càng vui càng nhớ lời thầy/Đến trường em gắng mỗi ngày một chăm.
Phóng to |
Thầy Nguyễn Hùng Tiến (thứ sáu từ trái qua) và tác giả bài viết (thứ hai từ trái qua) trong một buổi giao lưu thơ - Ảnh: Hải Điệp |
Tôi hồi hộp lắm, cứ nghĩ đến giờ trả bài sẽ được cô đọc cho cả lớp nghe bài tả cảnh bằng thơ và chí ít là một con 9 đỏ tươi. Rồi giờ trả bài đã đến, cô giáo văn vào lớp “Đỗ Thành Đồng đứng dậy...”. Tôi đỏ mặt vì sung sướng. “Đây là đề bài làm văn, cô có bảo em làm thơ đâu? Em đã lạc đề, cô cho em 2 điểm”.
Tôi như nghe sét đánh bên tai. Cầm quyển vở kiểm tra với “con ngỗng” đỏ làm nổ đom đóm mắt. Tôi đớn đau không thể thốt nên lời. Lòng tự trọng và niềm tin bị tổn thương, đổ vỡ đã đành nhưng biết ăn nói làm sao với ba khi mà kết quả học tập của con dưới 8 điểm đã làm ông tức giận. Tan học, cả lớp đã ra về, tôi vẫn không thể cất bước nổi và ngồi ôm mặt khóc trong lớp. Bỗng có một bàn tay đặt nhẹ lên đầu và một tiếng hỏi trầm ấm “Em có việc gì đau đớn lắm phải không?”. Đó là thầy giáo dạy toán Nguyễn Hùng Tiến. Tôi không cầm được nước mắt để trả lời thầy. Nhìn thấy tôi ôm quyển vở trong lòng, thầy nhẹ nhàng cầm tay: “Có lẽ thầy hiểu rồi, đưa thầy xem nào!”. Thầy đọc. Tôi lấm lét nhìn. Thầy nở nụ cười rất tươi, đặt bàn tay ấm lên vai tôi: “Bài thơ em làm hay lắm, thầy rất thích! Thầy sẽ trao đổi với cô giáo xem thế nào. Giờ thì về đi kẻo ba mẹ trông đấy!”. Thấy tôi vẫn đứng như trời trồng, thầy lại mỉm cười: “Chắc về sợ ba đánh phải không? Thôi ngồi lên xe đạp thầy chở về thầy nói với ba cho”.
Tôi không những thoát một trận đòn mà nhờ thầy tôi còn được ba khen. Nhưng điều đặc biệt hơn làm tôi nhận thấy cái “tâm” và “tầm” lớn lao trong nhân cách của thầy đối với học trò và đồng nghiệp ở đoạn đối thoại của thầy và cô văn mà tôi đã tò mò nấp sau văn phòng vách đất để nghe lén:
- Tôi thấy cô đã rất đúng khi cho em Đồng điểm 2. Nhưng... hình như cô đã làm cho em ấy tổn thương và hụt hẫng? Tôi đã gặp em ấy khóc nức nở sau khi nhận kết quả bài kiểm tra...
- Thế anh bảo tôi phải làm sao, cho em ấy điểm cao và ca ngợi việc làm bốc đồng sai trái của em ư?
- Theo tôi, em Đồng sai thì đúng rồi nhưng bốc đồng thì không. Tôi dạy toán, kiến thức văn không bằng cô nhưng cảm nhận văn thơ thì cũng được. Tôi thấy tuy mới lớp 5 nhưng em ấy đã có năng khiếu làm thơ rất tốt. Cô cứ bỏ qua sự bực dọc mà đọc lại bài thơ, cũng hay đấy chứ. Văn hay thơ gì thì cũng hướng con người ta đến cái nhân văn. Mục đích của giáo dục cũng vậy, cần biết phát hiện và bồi dưỡng tài năng. Tôi nghĩ khi cô đã chỉ ra cái sai thì cũng nên nhìn nhận khía cạnh tài năng để động viên và khuyến khích học trò phát triển. Tôi biết cô cũng là một người rất thương yêu học trò nên cô mới bức xúc như vậy. Tôi nghĩ chúng ta nên đưa bài thơ này lên trang nhất của báo tường. Tôi cũng sẽ gửi bài thơ này cho một tờ báo, tôi tin em Đồng sẽ có cơ hội phát triển con đường thi ca...
Cô giáo văn nhìn thầy: “Cảm ơn anh!”. Đến giờ văn, cô bước vào lớp nhìn tôi mỉm cười và bảo tôi đọc bài thơ cho cả lớp nghe, lại còn vui vẻ hỏi cả lớp có nên đổi “con ngỗng” cho bạn Đồng không... Thế là tôi được cả nhà trường và bạn bè biết đến với một bài thơ hay trên báo tường. Tôi như được chắp thêm cánh khi bài thơ còn được đăng trên báo Quảng Bình. Từ đó cô giáo văn và thầy luôn động viên khuyến khích, bày vẽ tôi làm thơ. Tôi vững bước tự tin với đam mê thi phú cho đến ngày hôm nay...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận