Học sinh được tư vấn chuyên sinh tại các gian hang trong ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2018 tại TP.HCM chiều 28-1 - ẢNH: QUANG ĐỊNH
Ngày hội do báo Tuổi Trẻ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động thương binh và xã hội) và Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) phối hợp tổ chức, cùng với sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ GD-ĐT và sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Năm 2018, lần đầu tiên ĐHQG TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để các trường thành viên sử dụng kết quả này để xét tuyển. Vì ĐHQG TP.HCM chưa công bố thông tin chính thức về bài thi này nên nhiều thí sinh băn khoăn về thời gian, cách thức tổ chức cũng như nội dung bài thi đánh giá.
TS Lê Chí Thông - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) - cho biết kỳ thi này do ĐHQG TP.HCM tổ chức và các trường thành viên đều sử dụng kết quả này.
Kỳ thi dự kiến tổ chức 1 tuần sau kỳ thi THPT quốc gia 1 tuần. Hiện tại vẫn chưa có quyết định chính thức, ĐHQG TP.HCM sẽ công bố trong thời gian sắp tới.
Bài thi tương tự như bài thi SAT của Mỹ.
TS Lê Chí Thông tư vấn cho học sinh và giáo viên tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2018 do Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: M.G
PGS-TS Trần Lê Quan - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) - cho biết đây là bài thi đánh giá năng lực tổng hợp chứ không phải bài thi theo môn như của Trường ĐH Quốc tế.
Bài thi này đánh giá kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh, tư duy logic, kỹ năng giải quyết vấn đề. Thí sinh không cần phải chuẩn bị nhiều về kiến thức, chỉ cần kiến thức đã học và vận dụng kỹ năng tư duy là có thể giải quyết được nội dung bài thi.
Dù thi kỳ thi này nhưng các bạn cũng phải tốt nghiệp THPT mới được xét tuyển.
PGS-TS Trần Lê Quan đang tư vấn tại khu vực nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, kỹ thuậy, nông lâm..... - Ảnh: Như Hùng
Chỉ có ngành điện mới làm ra nhiều tiền?
Một cô giáo đặt câu hỏi nhóm học sinh trung bình yếu, tiếng Anh không tốt nên hướng các em theo hướng nào, bởi trong nhiều năm qua, việc hướng nghiệp chưa hiệu quả.
Chia sẻ băn khoăn với cô giáo, PGS-TS Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - cho rằng học ĐH rất khác so với phổ thông.
Kiến thức nền tảng bậc ĐH khá khó, nên những thí sinh có học lực trung bình không nên đăng ký học ĐH, nhất là nhóm ngành kỹ thuật bởi thời gian qua nhiều sinh viên sau thời gian học tập đã bị đình chỉ học tập do kết quả học tập không đạt yêu cầu.
"Với những em học sinh có học lực trung bình yếu như vậy, tôi chân thành khuyên các em nên chọn học CĐ, trung cấp. Thực tế hiện nay có nhiều trường ĐH tuyển đầu vào khá dễ nhưng với các em có học lực trung bình và yếu như vậy, khi trúng tuyển rồi vẫn có nguy cơ bị đình chỉ học tập do kết quả kém.
Hơn nữa, hiện nay các trường ĐH đều có chuẩn đầu ra tiếng Anh. Nếu các em không có kiến thức nền tảng tiếng Anh, khi vào ĐH sẽ khó đáp ứng chuẩn đầu ra. Như thế sẽ rất lãng phí cho chính các em và gia đình", PGS-TS Nguyễn Văn Thư nói.
Ban tư vấn nhóm ngành Khoa học xã hội, kinh tế, tài chính, luật, y dược, quân đội, công an,… tư vấn cho học sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2018 tại TP.HCM chiều 28-1 - ẢNH: QUANG ĐỊNH
Một bạn thí sinh nhờ tư vấn: Em là con trai, thích học tiếng Anh thương mại nhưng gia đình bắt theo ngành điện. Em từng nói với ba mẹ con không thích theo ngành điệm đừng bắt con theo ngành điện, chỉ muốn học tiếng Anh để giao tiếp với nhiều người. Cha mẹ lại nói hầu hết những người học điện đều giàu có, khi có tiền có thể giao tiếp cũng được. Làm thế nào để em có thể thuyết phục cha mẹ?
PGS-TS Hồ Thanh Phong chia sẻ: Giữa cha mẹ và con cái luôn có một khoảng cách nhật định, em phải thông cảm cho ba mẹ mình. Hồi xưa cha mẹ đi học rất vất vả, qua kinh nghiệm của mình cha mẹ thấy rằng có nghề nghiệp ổn định là cần thiết cho con và nghề đó cha mẹ thấy là ngành điện.
Em đừng phủ định nghề điện, em hãy tìm những ví dụ thực tế thành công từ các nghề nghiệp khác, cha mẹ sẽ thấy em trưởng thành, thấy em có tìm hiểu kỹ về vấn đề này chứ không chỉ chọn ngành theo sở thích nhất thời. Hãy chứng minh cho cha mẹ thấy rằng mình suy nghĩ chín chắn bằng các ví dụ cụ thể.
Học sinh thích thú chụp ảnh với nhân vật hoá trang trong truyện tranh của Nhật Bản tại ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2018 tại TP.HCM chiều 28-1 - ẢNH: QUANG ĐỊNH
TS Lê Chí Thông chia sẻ: từ kinh nghiệm của mình tôi khẳng định, nếu không có đam mê, không thích thì sẽ không học được. Tuy nhiên, ngoài sở thích của mình, để theo được 4, 5 năm ĐH em cũng cần lắng nghe ý kiến của cha mẹ.
Với tuổi 18, có những điều các em đúng nhưng cũng có điều non nớt, chưa đầy đủ. Em hãy chứng minh bằng các ví dụ thực tế. Có giảng viên Trường ĐH Bách khoa có con vừa tốt nghiệp ngành tiếng Anh, thu nhập hàng tháng còn cao hơn giảng viên có thâm niên công tác 20 năm này. Dĩ nhiên bạn đó phải rất giỏi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận