Hiện trường sau vụ cháy Công ty Rạng Đông - Ảnh: DANH TRỌNG
Còn bao nhiêu nhà máy, xí nghiệp trong lòng khu dân cư? Sẽ giải quyết như thế nào để phòng hiểm họa? Không chỉ riêng Hà Nội, tất cả các thành phố khác trên cả nước đều cần nên làm lại một cuộc rà soát toàn diện và quyết di dời "mối nguy" đi nơi khác. Những hiểm họa về cháy nổ, ô nhiễm hóa chất... có thể diễn ra bất cứ lúc nào và ở đâu.
Vậy nên, từ câu chuyện Rạng Đông, người dân tha thiết mong rằng khu sản xuất ở mọi lĩnh vực cần được chuyển đến khu nhà máy tập trung, nơi có không gian để việc ứng phó, xử lý sự cố dễ dàng hơn, giảm thiểu được ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn của người dân. Phải làm cho bằng được vì an toàn dân sinh, vì sự trong lành của môi trường.
Sự chậm trễ trong việc công bố thông tin mức độ nguy hiểm từ sự cố đã khiến người dân hoảng loạn, lo âu hơn và càng giận hơn khi trong số họ có những người khỏe mạnh đang đối mặt với bệnh hiểm nghèo vì độc chất.
Cẩm Phô
Ngay tại thời điểm Nhà máy Rạng Đông bị cháy, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đã coi đây là một sự cố có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, nên cảnh báo người dân ở cấp độ "thảm họa". Tuy nhiên, những khuyến cáo cho người dân về mức độ nguy hiểm và khu vực nguy hiểm đã đến quá muộn.
Có thể nói, đây chính là một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến 300 hộ dân ở phường Hạ Đình bức xúc. Giả như họ được thông báo cặn kẽ, hướng dẫn chi tiết mà làm trái lại thì khác, hoặc ít ra bà con đã biết cách tránh xa nguy hiểm khi còn có thể.
Qua vụ việc Rạng Đông, nghĩ về định nghĩa về một sự kiện, vụ tai nạn được coi là "thảm họa quốc gia". Mức độ nguy hại ra sao mới được cho là thảm họa? Xử lý hậu quả thảm họa cách nào nhanh nhất? Đừng lo người dân sẽ "rối loạn" khi giữ kín, giữ lâu thông tin đến vậy! Càng chậm trễ công bố, xã hội càng rối hơn, hậu quả càng lớn hơn (vì mọi người đã không cảnh giác).
Thời điểm diễn ra cháy rừng hàng loạt ở miền Trung mùa hè vừa qua cũng chưa được nhận định là "thảm họa". Nhưng những hệ lụy của chỉ một mồi lửa nhóm lên bức tranh đỏ tang tóc có mấy ai đo được? Nếu được xem là thảm họa, hẳn sẽ giúp người dân thôi bàng quan, hờ hững trước mạng sống của gia đình mình trước những chuyện tương tự.
Tôi còn nhớ, báo chí đưa tin người dân sinh sống quanh Nhà máy Rạng Đông ngay ngày hôm sau vẫn đeo khẩu trang đi lại ăn sáng, buôn bán như lệ thường. Có thể trong suy nghĩ của họ, chẳng qua đó chỉ là một vụ cháy mà nó vừa được dập tắt. Nhưng nếu họ tiếp cận thông tin cảnh báo "thảm họa" thì họ đã khác.
Tôi biết mình không nên làm bất cứ phép so sánh nào nên không liệt kê ra đây phản ứng nhanh của chính quyền các nước khác. Tôi chỉ mong nước ta sẽ thiết lập một bộ phận chịu trách nhiệm xử lý những thảm họa, họ sẽ đặt an toàn tính mạng của người dân lên hàng đầu trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ giải pháp mỗi khi cần.
Kiến thức, tình người, trách nhiệm sẽ là những mục tiêu hàng đầu được đưa ra trước mỗi tuyên bố, hướng dẫn.
Theo Tuổi Trẻ ngày 8-11, hơn 300 hộ dân thuộc khu đô thị 54 Hạ Đình vừa gửi đơn kiến nghị khẩn cấp lần 2 đến các cơ quan chức năng, đề nghị can thiệp và yêu cầu Công ty Rạng Đông bồi thường thiệt hại sau vụ cháy ngày 28-8. Mức cụ thể như sau:
* Khám chữa bệnh cho mỗi người 4 triệu đồng. * Bồi thường tiền nhà 60 triệu đồng/hộ. * Bồi thường mất thu nhập 6-8 triệu đồng/người. * Tổn thất tinh thần 15 tháng lương cơ bản, tương đương 60 triệu đồng/người. * Mức độ nhiễm thủy ngân là 1 tỉ đồng/0,1 microgram thủy ngân/lít máu. * Yêu cầu công ty dừng hoạt động và di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội):
Khó chứng minh đầy đủ thiệt hại
Theo luật, người bị ảnh hưởng từ vụ cháy có quyền thống kê, yêu cầu Công ty Rạng Đông bồi thường tài sản bị mất, bị hư hỏng, những lợi ích gắn liền tài sản (như lợi nhuận mua bán, cho thuê). Đây là những thiệt hại thực tế, có thể chứng minh được bằng chứng cứ.
Còn đối với những thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được quy định gồm: chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, giảm sút; thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm trong thời gian điều trị... Việc bồi thường thiệt hại có thể được thực hiện thông qua thương lượng, đàm phán, hòa giải hoặc có thể khởi kiện đến tòa án.
Trong trường hợp vụ việc được đưa ra pháp luật, yêu cầu bồi thường thiệt hại phải dựa trên các tài liệu, chứng cứ để chứng minh thiệt hại. Điều này sẽ rất khó chứng minh đầy đủ (nhất là mức yêu cầu mức độ ô nhiễm thủy ngân).
Anh Nguyễn Đức Hòa(P.Thanh Xuân Bắc, Q.Thanh Xuân, Hà Nội):
Chúng tôi vẫn nghe mùi khét
Sau hơn 2 tháng xảy ra vụ cháy ở Rạng Đông, khi có gió người dân chúng tôi vẫn nghe mùi khét. Tôi là một trong những người sống gần Công ty Rạng Đông và tham gia ngăn không cho ngọn lửa lan sang nhà dân tối 28-8. Sau đêm đó, tôi và vợ tôi bị buồn nôn, choáng váng và khó thở.
Sau khi biết thông tin có thủy ngân phát tán ra ngoài môi trường, tôi và vợ đã phải đi xét nghiệm thủy ngân và kết quả của tôi 0,563mcg/l máu, còn vợ tôi thì thấp hơn một chút. Khi đó vợ chồng tôi rất lo lắng nên đã phải đi khám chữa bệnh theo sự hướng dẫn của bác sĩ để giải độc.
Lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe, 95% cư dân ở đây phải đi tìm thuê nhà. Gia đình tôi phải "sơ tán" sang bên Mỹ Đình (Q.Nam Từ Liêm) để ở. Cuộc sống, sinh hoạt của gia đình cũng bị xáo trộn nhiều. Gia đình hàng xóm sát nhà tôi đến nay vẫn chưa dọn về vì cảm thấy chưa yên tâm về môi trường ở đây.
Sau vụ hỏa hoạn, phía công ty không đưa ra cảnh báo và chính quyền địa phương lúng túng trong việc khuyến cáo sức khỏe cho người dân. Tất cả chúng tôi đều có thể bị ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Chúng tôi mong muốn công ty tẩy độc môi trường toàn bộ khu dân cư, cây xanh như cách làm trong khuôn viên nhà máy.
Đến nay, Công ty Rạng Đông vẫn chưa có động thái gì để khắc phục hậu quả cho người dân. Ngoài những kiến nghị bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tinh thần, người dân chúng tôi mong muốn lãnh đạo TP Hà Nội, cơ quan ban ngành quan tâm sớm di dời Công ty Rạng Đông ra khỏi nội thành như quyết định130 của Thủ tướng. (D.TRỌNG - C.TUỆ ghi)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận