16/10/2022 11:47 GMT+7

Bài học xương máu từ các vụ cháy thảm khốc - Kỳ 5: Hoàn chỉnh pháp luật ngăn ngừa hỏa hoạn

DẠ THẢO
DẠ THẢO

TTO - Các vụ cháy thảm khốc là lời cảnh tỉnh về vấn đề cần thiết phải thực thi nghiêm ngặt các quy tắc phòng cháy chữa cháy, đồng thời thúc đẩy thay đổi quy chuẩn trong phòng cháy chữa cháy và xây dựng.

Bài học xương máu từ các vụ cháy thảm khốc - Kỳ 5: Hoàn chỉnh pháp luật ngăn ngừa hỏa hoạn - Ảnh 1.

Cảnh kinh hoàng trong Nhà hát Iroquois sau hỏa hoạn - Ảnh: AP

Các quy định xây dựng mới dành cho nhà hát

Ngày 30-12-1903, Nhà hát Iroquois ở Chicago (bang Illinois) mới khai trương năm tuần đã đón tiếp khán giả vượt sức chứa. Khi chương trình bắt đầu tiết mục thứ hai vào khoảng 15h15, tia lửa từ đèn sân khấu đốt cháy tấm màn. 

Lửa xé toạc các tấm phông trang trí dễ cháy. 602 người trong tổng số 1.700 khán giả thiệt mạng, thi thể chất thành đống cao hơn 3,6m cạnh các lối ra.

Trước đó, để kịp khai trương trước kỳ nghỉ lễ cuối năm, Nhà hát Iroquois đã bỏ qua nhiều quy chuẩn phòng cháy và xây dựng. Khán giả có vé đứng làm tắc nghẽn lối đi lại. Các lỗ thông hơi trên mái bị bịt kín. 

Nhà hát không có hệ thống báo cháy, thiếu vòi phun nước tự động, không bố trí lối thoát hiểm hoặc thiết bị chữa cháy phù hợp. 27/30 cửa ra bị chặn bằng rèm hoặc bị khóa. Khán giả ở tầng trên mắc kẹt sau cánh cửa kim loại bị khóa để ngăn họ xuống các hàng ghế đắt tiền hơn. Tầng trên có lối thoát hiểm nhưng không có thang xuống tới đất.

Tổ chức phi lợi nhuận Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy quốc gia Mỹ (NFPA) đánh giá đây là thảm kịch cháy nhà hát có nhiều người chết nhất lịch sử Mỹ. Vài ngày sau, Chicago đóng cửa tất cả nhà hát để chấn chỉnh. 

Chicago đã thông qua nhiều quy định mới bao gồm lối đi thông thoáng, lối ra được đánh dấu rõ, cửa không khóa và dễ mở, có giải pháp chống cháy cho phông nền rạp hát, hệ thống báo cháy phải kết nối với trạm cứu hỏa, bố trí vòi phun chữa cháy, bảo đảm tiêu chuẩn thông gió, ấn định sức chứa chỗ ngồi tối đa, xóa bỏ "vé đứng".

Đây là lần đầu tiên Mỹ ban hành các quy định liên quan đến ánh sáng lối ra, lối đi và hành lang trong nhà hát như giữ đèn đỏ liên tục sáng trên các lối ra trong khi biểu diễn hay phải có nguồn điện dự phòng cho đèn thoát hiểm. 

Thảm kịch Nhà hát Iroquois đã dẫn đến phát minh thanh thoát hiểm dành cho cửa thoát hiểm tại các chung cư, nhà cao tầng hiện nay (cửa tự động đóng, khi thoát hiểm chỉ cần đẩy cửa).

Bộ quy tắc về lối ra của nhà cao tầng

Vài năm sau, một vụ cháy thảm khốc khác đã gây chấn động nước Mỹ. Công ty Triangle Shirtwaist sản xuất áo cánh phụ nữ trên ba tầng cao nhất của tòa nhà 10 tầng ở Manhattan (New York). Trong nhà xưởng trữ hàng dệt may dễ cháy khắp nơi. 

Phế liệu mặc sức rơi vãi. Người hút thuốc lá tại chỗ làm việc vô tư ném tàn thuốc vào thùng rác. Các vụ cháy thùng rác xảy ra thường xuyên đến nỗi kế bên luôn để xô nước. Hầu hết các cửa thoát hiểm đều bị khóa để chống trộm.

Gần đến giờ tan tầm ngày 25-3-1911, ai đó trên tầng 8 hét lên: "Cháy! Cháy!". Một người đàn ông chộp xô nước dội vào thùng giẻ đang cháy nhưng lửa đã bén vào các mẫu bằng giấy treo trên đầu. Chỉ trong vài phút, toàn bộ tầng 8 bốc cháy. Công nhân sợ hãi chen chúc vào thang máy nhỏ duy nhất và theo cầu thang thoát hiểm hẹp. Do sức nóng và quá tải, cầu thang sập xuống.

Xưởng may của Công ty Triangle Shirtwaist trong tòa nhà 10 tầng nên được xây bằng sàn gỗ, tường và khung cửa sổ đều có gỗ. Thay vì ba cầu thang bắt buộc ở mỗi tầng, tòa nhà chỉ có hai cầu thang cùng với thang thoát hiểm bên ngoài. 

Thang thoát hiểm chỉ dẫn xuống hai tầng chứ chưa tới đất. Cửa được mở vào bên trong thay vì ra ngoài nên các công nhân hoảng loạn bị dồn ép không thể mở được cửa. 147 trong số 500 công nhân đã thiệt mạng.

Theo trang web QRFS (Mỹ), không có vụ cháy nào tác động lớn đến an toàn cháy nổ trong lao động hơn thảm kịch nhà xưởng Triangle Shirtwaist. Thống đốc New York đã thành lập ủy ban kiểm tra các nhà máy. 

Sau đó, 36 đạo luật mới ra đời sửa đổi bộ luật lao động của bang. New York đã thành lập văn phòng phòng chống cháy đầu tiên trong cơ quan cứu hỏa nhằm sửa đổi triệt để các quy chuẩn an toàn cứu hỏa trong đô thị như cửa xoay phải hướng ra ngoài, bố trí vòi phun nước trên tòa nhà cao tầng. Các tiêu chuẩn xây dựng mới được sửa đổi ở New York dần dần được áp dụng trên cả nước Mỹ.

Sau vụ cháy, NFPA đã thành lập Ủy ban An toàn cuộc sống. Năm 1927, ủy ban đã phát hành ấn bản đầu tiên của Bộ quy tắc về an toàn cuộc sống: NFPA 101 (sau được gọi là Bộ quy tắc về lối ra nhà cao tầng).

Bài học xương máu từ các vụ cháy thảm khốc - Kỳ 5: Hoàn chỉnh pháp luật ngăn ngừa hỏa hoạn - Ảnh 2.

Giải cứu học sinh Trường Đức mẹ của các thiên thần - Ảnh: Chicago Tribune

Gần 17.000 trường học bổ sung quy định mới

Các quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy và xây dựng dù nghiêm ngặt đến đâu nhưng nếu con người không tuân thủ thì cháy vẫn xảy ra. 

Bằng chứng là vụ cháy Trường Đức mẹ của các thiên thần ở Chicago hồi năm 1958. Trường được xây dựng năm 1910, là trường học Công giáo hai tầng giảng dạy cho 1.600 học sinh từ mẫu giáo đến hết bậc trung học cơ sở.

Ngày 1-12-1958, khoảng nửa tiếng trước khi tan học, một thùng giẻ lau dính dầu bắt đầu cháy âm ỉ trong tầng hầm, sau đó đám cháy lan rộng. Vì đây là trường của giáo xứ chứ không phải trường công nên về pháp lý trường không có nghĩa vụ trang bị phù hợp các quy tắc phòng cháy chữa cháy. 

Từ cái chết thương tâm của 92 học sinh và ba nữ tu, NFPA và Hội đồng Quy chuẩn quốc tế (ICC - cơ quan thiết lập các quy chuẩn trong xây dựng) đã nhanh chóng sửa đổi triệt để các quy định bất cập về cứu hỏa và xây dựng trong trường học.

Từ nay trường công lẫn trường tư đều phải lắp đặt thiết bị báo cháy, diễn tập phòng cháy chữa cháy, kết nối thiết bị báo cháy của trường với trạm cứu hỏa. Hành lang chính phải kín một phần để cửa chống cháy ngăn lửa. Mọi lối mở theo phương thẳng đứng như cầu thang bộ đều phải có cửa chống cháy. 

Mỗi lớp học phải bảo đảm tối thiểu 6m2/người để dễ thoát hiểm. Các trường mới xây phải dùng vật liệu chống cháy. Gần 17.000 trường học trên toàn quốc phải bổ sung các biện pháp bảo vệ mới. Một số trường bị đóng cửa cho đến khi thực hiện đầy đủ các quy định mới.

Bắt buộc có vòi phun nước tự động

Từ vụ cháy Trường Đức mẹ của các thiên thần ở Chicago, Sở Cứu hỏa Los Angeles (LAFD) đã thử nghiệm và kết luận vòi phun nước tự động là phương tiện tốt nhất bảo vệ học sinh thoát khỏi tòa nhà nhiều tầng và có cầu thang mở khi xảy ra hỏa hoạn.

Song phải đến đầu những năm 1990, các quy chuẩn về xây dựng và chống cháy mới bắt buộc bố trí hệ thống phun nước tự động trong trường học rộng hơn 1.000m2.

Nhiều địa phương bắt buộc lắp đặt vòi phun nước tự động trong tất cả các trường. Năm 2018, các quy chuẩn mới sửa đổi yêu cầu bất kỳ khu vực nào trong trường học vượt quá 300 người và bất kỳ tầng nào không có lối thoát hiểm đều phải bố trí vòi phun nước chữa cháy.

Chú trọng phòng chống hỏa hoạn ở trường học

Mỗi lớp học phải bảo đảm tối thiểu 6m2/người để dễ thoát hiểm. Các trường mới xây phải dùng vật liệu chống cháy. Gần 17.000 trường học trên toàn quốc phải bổ sung các biện pháp bảo vệ mới. Một số trường bị đóng cửa cho đến khi thực hiện đầy đủ các quy định mới.

---------

Hai anh em nhà Boutrif đã cải tạo tầng hầm thành vũ trường cuối tuần. Hỏa hoạn xảy ra làm 14 người thiệt mạng, trong đó có một cô gái tuổi 20 ra đi trong tiệc sinh nhật. Công lý đã buộc hai bị cáo phải trả giá, vì gây ra nguy cơ hỏa hoạn là tội ác không thể dung thứ.

Kỳ tới: Tội ác và trừng phạt

Bài học xương máu từ các vụ cháy thảm khốc - Kỳ 4: Hậu hỏa hoạn - nỗi ám ảnh kinh hoàng kéo dài Bài học xương máu từ các vụ cháy thảm khốc - Kỳ 4: Hậu hỏa hoạn - nỗi ám ảnh kinh hoàng kéo dài

TTO - Hơn nửa thế kỷ sau thảm kịch cháy vũ trường 5-7, ký ức đau thương vẫn còn hành hạ những người sống sót.

DẠ THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp