23/11/2022 19:17 GMT+7

Bài học vì dân của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh khi tuyên bố khai mạc Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Đồng chí Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam" sáng 22-11 tại TP.HCM.

Bài học vì dân của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Ảnh 1.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp gỡ thân tình Chủ tịch Fidel Castro tại Cuba năm 1993 - Ảnh trưng bày tại hội thảo

"Dấu ấn ông Võ Văn Kiệt đã in đậm trong những quyết sách lớn, những dự án, công trình trọng điểm quốc gia thời kỳ đầu đổi mới giữa bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức lớn, góp phần đưa sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu quan trọng, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế".

Là cộng sự thân thiết của anh Sáu Dân, chúng tôi đã từng được trực tiếp chứng kiến những cuộc trò chuyện của anh Sáu với công nhân khi anh đến nhiều nhà máy, công ty, xí nghiệp ở TP.HCM. Anh cam kết đứng sau lưng các giám đốc dám đánh đổi tất cả để sản xuất bung ra. Cảm động biết bao, anh đã cổ vũ, động viên, khích lệ họ bằng câu nói dân dã, phơi bày tất cả ruột gan: "Các anh cứ mạnh dạn làm, nếu bị ở tù, tôi đích thân mang cơm đến thăm nuôi".

Ông TRẦN HỮU PHƯỚC (nguyên thư ký, trợ lý Bí thư Võ Văn Kiệt)

Tại sao một người vốn xuất thân không phải từ nguồn gốc xã hội và môi trường trí thức lại có tình cảm thân thiết với trí thức như vậy? Suy cho cùng, có lẽ từ phẩm chất, bản lĩnh của ông: tất cả là vì nước, vì dân, vì con người...

Ông PHAN XUÂN BIÊN (phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam)

"Hoa sen nở" tan băng cấm vận

Hơn 90 tham luận khoa học được gửi đến hội thảo này một lần nữa soi chiếu những chiều kích Võ Văn Kiệt cho những người vốn đã quá thân gần ông như gia đình, như đồng chí, như chính bà Võ Hiếu Dân - con gái ông - lại một lần nữa thốt lên: "Nghe kỹ, đọc kỹ mới biết thêm, hiểu thêm những điều ông đã làm vì dân vì nước...".

Khi nhắc những năm tháng khó khăn, ông Đỗ Hùng Việt, trợ lý bộ trưởng Bộ Ngoại giao, chọn khía cạnh phân tích của mình: "Bên cạnh những khó khăn ngặt nghèo về đời sống, sản xuất trong nước thì những diễn biến trên thế giới cũng ngày càng bất lợi cho Việt Nam: Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng, các thách thức an ninh từ biên giới, việc ta giúp Campuchia lại bị phương Tây lên án và cô lập... 

Giữa lúc ấy, chính Võ Văn Kiệt đã có sự quyết đoán sáng suốt để dẫn lối, mở đường đưa đất nước hội nhập quốc tế".

Ông Việt nhắc lại những nhận thức đổi mới mà Võ Văn Kiệt đã để lại cho ngành ngoại giao: "Đổi mới không phải là xóa bỏ hoàn toàn cái cũ hay từ bỏ chủ nghĩa xã hội mà là nhận thức lại một cách đúng đắn hơn về chủ nghĩa xã hội nhân bản, hoàn thiện, vì lý tưởng phục vụ con người... 

Trong thế giới ngày nay, không phải mâu thuẫn đối kháng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc, mà trước hết là tính đa dạng, đa cực đang trở thành nhân tố nổi trội nhất chi phối những mâu thuẫn và sự vận động của các mối quan hệ giữa mọi quốc gia. 

Và cũng khác với trước, ngày nay lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực và những lợi ích toàn cầu khác đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc xử lý các mâu thuẫn, cũng như trong việc tạo ra những tập hợp lực lượng mới trên toàn thế giới". 

Thuyết phục những đồng chí của mình chọn góc nhìn khác, đổi mới quan điểm, và ông Võ Văn Kiệt còn chỉ ra thật cụ thể rằng hội nhập sẽ bắt đầu từ kinh tế: "Hội nhập kinh tế quốc tế đối với mọi đất nước, nhất là các nước đang phát triển, vừa là thời cơ, vừa là thách thức. Đối với đất nước ta, thời cơ lớn hơn thách thức".

GS.TS Vũ Dương Huân, nguyên giám đốc Học viện Ngoại giao, kể câu chuyện chiến thuật "hoa sen nở" mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã bàn thảo với ông Vũ Khoan, ông Nguyễn Mạnh Cầm những năm đầu thập niên 1990: "Ông bảo, cứ như hoa sen nở vậy, từ trong ra ngoài, từ gần đến xa, hãy tính kỹ từng bước đi sao cho hiệu quả nhất trong quá trình phá bao vây cấm vận, từng bước đưa nước ta hội nhập khu vực và quốc tế". 

Ông Vũ Khoan bảo ông đã rất ngỡ ngàng khi nghe một người thường ít nói lý luận như ông Sáu Dân lại phân tích sâu sắc và thực tiễn đến thế. Áp dụng đúng chiến thuật ấy, các hoạt động đối ngoại trong một thời gian ngắn đã diễn ra dồn dập trên địa bàn ngày càng rộng lớn, bắt đầu từ khu vực Đông Nam Á, rồi lan ra Nam Á - ven Thái Bình Dương, rồi vùng Vịnh, Bắc Phi, từ Liên Xô (cũ) qua Đông Âu rồi sang Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, từng bước sang châu Phi, Mỹ Latin...

Biên niên sử của ông những năm này không chỉ có việc chỉ đạo xây dựng hệ thống đường dây tải điện 500kV mà còn dày đặc các hoạt động đối ngoại: chỉ đạo thúc đẩy mở rộng việc thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) và ASEAN với 30 hiệp định được ký kết trong thời gian ngắn, chuyển hướng từ trạng thái đối đầu sang hợp tác phát triển; bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam (1995); Việt Nam gia nhập ASEAN (1995)...

Là người được kế thừa những thành quả ngoại giao đó, ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm đã nhận xét: "Phải là một chính khách dũng cảm, biết đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, Thủ tướng Võ Văn Kiệt mới có được những chỉ đạo táo bạo làm tan băng quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và các nước công nghiệp phát triển khác". 

Ý kiến của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng được nhắc lại hôm nay: "Ông Võ Văn Kiệt là người đóng vai trò động lực trong công cuộc cải cách kinh tế Việt Nam khởi đầu hồi cuối những năm 1980 và đã mở đường cho quá trình chuyển tiếp của Việt Nam từ tình trạng nghèo khổ sang một thập kỷ tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng".

Công dân Việt Nam từ ấy đã có cơ hội để học hỏi, đóng góp phần mình vào thế giới, trở thành những công dân toàn cầu. Người đi sau như chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh tâm đắc: "Với góc nhìn chuyên môn của tôi, dấu ấn quan trọng nhất ông để lại là "Một tầm nhìn của Việt Nam hướng ra thế giới, đưa Việt Nam hội nhập với trào lưu chung của thế giới". 

Nhờ tầm nhìn đó chúng ta không còn một mình một chợ, một mình một sân, không còn rơi vào hoàn cảnh chúng ta đi một đường, còn thế giới tiến một nẻo. Tôi nghĩ đó là nhãn quan của nhà lãnh đạo, nhà chính trị, được cái gì đó thôi thúc từ bên trong: một tri kiến, một tuệ giác để biết đây là con đường đi đúng, đây là con đường của dân tộc...".

Còn với ông - Võ Văn Kiệt - ông đã nói rất giản dị: "Thời cơ ấy không nắm bắt thì là thảm họa với dân tộc".

Bài học vì dân của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Ảnh 4.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành và bà Hiếu Dân - con gái cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - tại hội thảo - Ảnh: TỰ TRUNG

Quay về chữ Dân

Vẫn lại quay về chữ Dân. Ông Võ Văn Kiệt không chỉ chỉ đạo Bộ Ngoại giao làm công tác hội nhập quốc tế, ông còn bảo: hoạt động ngoại giao phải hướng đến kiều bào và chú ý đến vấn đề hòa hợp dân tộc. 

Ông nói thật cặn kẽ: "Phải sớm đến với kiều bào, trình bày thật rộng rãi tình hình thực tế đất nước và đường lối đổi mới để kiều bào thấy cái thế của đất nước. Mặt khác, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của kiều bào, kể cả ý kiến khó nghe nhất để xây dựng chính sách. 

Điểm cốt lõi là chúng ta phải xem kiều bào ra đi bất kể vì lý do gì, vào thời điểm nào, đều là con dân của Tổ quốc Việt Nam, đều có lòng yêu nước. Những thành tựu của đường lối đổi mới sẽ thổi bùng lòng yêu nước đó, gắn kết bà con với quê hương".

"Nghe ngược, nghe xuôi" ông đã dặn ông Vũ Quốc Tuấn, trợ lý của mình như vậy. Có nghe thì mới hiểu, có hiểu mới biết cái đúng, cái sai để thuyết phục được người, để nói đúng, quyết trúng. 

"Ông cho rằng tài nguyên lớn nhất của mọi quốc gia là tài nguyên con người. Nếu quy tụ được sức người thì mọi nguồn tài nguyên khác cũng có thể được quy tụ. Con người mà không được quy tụ thì mọi tài nguyên khác cũng sẽ rơi rụng", ông Vũ Quốc Tuấn nhắc nhớ. 

Vì vậy mà lúc đương chức hay khi về hưu, không thể đếm được bao nhiêu người đã quy tụ quanh ông là cán bộ, là trí thức - cả "mới" lẫn "cũ", là doanh nhân, văn nghệ sĩ, nhà báo, hòa thượng, linh mục, công nhân, nông dân... Mà họ quy tụ lại không phải để hưởng chút ân huệ từ ông Thủ tướng mà là để cùng suy nghĩ, cùng thảo luận xem điều gì sẽ mang lại lợi ích cho dân, rồi cùng nhau làm...

TS Phan Công Khanh, giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, kể ở quê ông, Long Xuyên, mỗi năm đến ngày giỗ ông Sáu Dân, ông Nguyễn Thượng Vũ - nguyên bí thư An Giang - lại tổ chức tại nhà riêng của mình. Bà con, cán bộ cả hưu trí lẫn đương chức từ An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu tề tựu, mang trái cây, bánh khéo, bánh ít, bánh tét về thắp nhang ông Sáu Dân như một hội làng...

Hội thảo hôm nay cũng là một ngày hội như thế.

Tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt bên dòng kênh T5 Tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt bên dòng kênh T5

TTO - Ngày 23-11, UBND huyện Tri Tôn, An Giang tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại kênh T5, xã Lạc Quới - nơi ghi dấu ấn của cố Thủ tướng tại An Giang khi quyết liệt chỉ đạo đào kênh tháo chua rửa phèn ra biển Tây.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp