Việc bịt lối ra biển dẫn đến phản ứng của người dân với chính quyền nhưng ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, Nam Ô và dự án Trung Thủy là ví dụ điển hình.
Những sai lầm về quy hoạch trong quá khứ đã đưa người dân Đà Nẵng và cả du khách mất cơ hội tiếp cận với biển.
Những bờ biển dài với resort, khu nghỉ dưỡng được bao bọc bởi tường rào kéo dài hàng cây số khiến người dân bức xúc. Bức xúc này đã kéo dài nhiều năm, nhưng để xử lý nó phải mất thêm nhiều năm nữa bởi việc giao đất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư là khó thay đổi.
Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo điều chỉnh bổ sung năm 2016 quy định rõ: "Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới hạn chịu tải của môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển".
Trong lần tiếp xúc cử tri gần đây, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bộc bạch rằng: "Để giải quyết lối đi xuống biển cho người dân, chúng tôi phải thương lượng với nhà đầu tư để xin họ từng mét đất. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không đồng ý vì không muốn khách sạn của họ bị chia cắt".
Vội vã trong thu hút đầu tư, Đà Nẵng phải trả giá đắt cho hôm nay, thế nhưng vẫn có nơi lại đang "nhăm nhe" bước vào trả giá cho một bài học đã cũ này.
Dù "gạo chưa thành cơm", nhưng những thông tin chính quyền Quảng Ngãi đưa ra phương án quy hoạch cứ 8km mở một lối xuống biển khiến dư luận giật mình. Liệu đó đã phải là ý tưởng đúng, và rồi nếu quyết định ấy được thông qua thì có phù hợp với quy định của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo!?
Du lịch muốn thành công phải đồng hành và tuyệt đối không thể mâu thuẫn với cư dân bản địa. Ông Nguyễn Châu Á - giám đốc Công ty Oxalis, một trong những doanh nghiệp thành công về sản phẩm du lịch mạo hiểm tại Quảng Bình - có lần chia sẻ rằng doanh nghiệp của ông được như ngày hôm nay là một phần nhờ những đồng bào dân tộc thiểu số ủng hộ.
Họ đã cùng ông tạo nên một dấu ấn riêng mà ngay cả Hiệp hội Hang động của hoàng gia Anh cũng phải khen ngợi. Ông Á không gom hết lợi nhuận cho mình, không giành giật với dân, mà san sẻ lại cho cư dân bản địa bằng công ăn việc làm, thu nhập và đó là hướng đi, cách làm bền vững.
Mới đây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa quả quyết với cử tri rằng: "Bãi biển là của cộng đồng. Sẽ lấy hết tất cả các bãi biển và phục vụ cho cộng đồng". Quyết tâm đầy khó khăn của ông Nghĩa lúc này cũng là bài học cho các địa phương khác đừng vì thu hút đầu tư mà bất chấp, bỏ qua quyền lợi của cả cộng đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận