12/02/2017 15:31 GMT+7

Bài học từ thỏa thuận Indonesia - Singapore

TRẦN THẮNG (Từ Singapore)
TRẦN THẮNG (Từ Singapore)

TTO - Tranh chấp Biển Đông có một chuyển biến mới không ồn ào nhưng ý nghĩa. Sau 27 tháng từ khi hiệp ước được ký kết (tháng 9-2014), Hạ viện Indonesia đã phê chuẩn hiệp ước về biên giới trên biển giữa Indonesia và Singapore đầu năm 2017.

Tàu cá của ngư dân Indonesia đánh bắt tại vùng biển quanh quần đảo Natuna, Indonesia - Ảnh: Reuters
Tàu cá của ngư dân Indonesia đánh bắt tại vùng biển quanh quần đảo Natuna, Indonesia - Ảnh: Reuters

Việc tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép và đánh bắt trên vùng biển xung quanh quần đảo Natuna và các vùng nước lân cận đã khiến chính quyền Indonesia lo ngại. Indonesia còn nhận ra rằng “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông có chồng lấn lên vành đai quần đảo Natuna, có thể kích hoạt xung đột với Trung Quốc sắp tới.

Trong khi Indonesia tiếp tục nhấn mạnh vai trò của mình như một trung gian hòa giải và thúc đẩy giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, một hành động làm tồi tệ thêm tình hình ở Natuna có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới vai trò này.

Hiệp ước này là thỏa thuận thứ ba giữa Indonesia và Singapore về biên giới hàng hải, hướng tới vạch ra ranh giới biển ở khu vực phía đông eo biển Singapore, trải dài 9,45km giữa Changi và Batam.

Sức ép từ trong ra ngoài

Các nhà quan sát khu vực đặc biệt chú ý thỏa thuận này bởi hai lý do. Thứ nhất là tình hình quốc nội đang có nhiều diễn biến tại Jakarta. Việc phê chuẩn hiệp ước như là một công cụ giúp nước này vạch ra ranh giới hàng hải.

Trên căn bản, Indonesia đã gần như giải quyết hết các vấn đề về biên giới hàng hải với Singapore, trừ quần đảo Bintan của Indonesia và vùng Pedra Branca của Singapore.

Vấn đề cuối cùng này đòi hỏi Singapore phải đàm phán với Malaysia lần đầu tiên về việc phân chia biên giới hàng hải sau khi Pedra Branca thuộc về Singapore sau phán quyết của Tòa thường trực vào tháng 5-2008.

Sự phê chuẩn này cũng được xem là biểu trưng quan trọng nhìn từ tình hình chính trị quốc nội của Indonesia.

Theo Mustafa Izzuddin - học giả từ Viện ISEAS (Singapore), chủ nghĩa dân tộc ngầm đang sôi sục ở xã hội Indonesia đòi hỏi chính phủ phải đảm bảo Indonesia có một đường biên giới rõ ràng để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Làm sao chính quyền Jakarta bảo vệ nguồn tài nguyên của mình và tránh việc mất đi lãnh thổ là câu hỏi được quan tâm và thảo luận nhiều trong chính giới.

Sự kiện Đông Timor giành độc lập từ Indonesia, cả Sipadan và Ligitan từ Malaysia sau phán quyết của Tòa trọng tài, vẫn còn là những ký ức lịch sử khó phai trong lòng người dân. Việc phê chuẩn hiệp ước này sẽ khiến công chúng hài lòng.

Lý do thứ hai là vai trò đối ngoại của Indonesia trong bối cảnh tình hình Biển Đông trở nên khó lường và có khả năng sẽ nhiều biến động.

Ở vị trí một quốc gia lớn nhất Đông Nam Á, các nước bên ngoài nhìn vào Jakarta như một “người điều phối” tự nhiên của khối ASEAN.

Theo tác giả Prashanth Parameswaran - biên tập viên chuyên mảng Đông Nam Á và các vấn đề an ninh khu vực châu Á của tờ The Diplomat, Indonesia đối mặt với những thách thức trong việc hiện thực hóa vai trò như một cường quốc mới nổi, đặc biệt là trong cách tiếp cận “cân bằng động” trong bài toán Biển Đông.

Khái niệm này được ví von như các nỗ lực nhằm cân bằng các lợi ích của những cường quốc bên ngoài với lợi ích của ASEAN bên trong với nhau.

3 hiệp định phân định biển

Thực hiện ngoại giao biên giới trước hết với các nước láng giềng từ ASEAN là hòn đá tảng trong chính sách ngoại giao của Indonesia. Indonesia và Singapore đã thỏa thuận được với nhau ba hiệp định phân định biển.

Lần đầu vào tháng 5-1973, trong nhiệm kỳ của tổng thống Suharto và thủ tướng Lý Quang Diệu, Indonesia và Singapore đã thỏa thuận về vấn đề vạch ra biên giới hàng hải dọc theo vùng trung tâm eo biển Singapore.

Lần thứ hai vào tháng 3-2009, hai nước đạt được thỏa thuận thứ hai về biên giới hàng hải ở khu vực phía tây eo biển Singapore, trải dài trên vùng biển giữa bãi cạn Sultan của Singapore và vùng Pulau Nipa của Indonesia. Và năm 2014 là lần thứ ba.

Ba thỏa thuận này đã giải quyết được các vấn đề mấu chốt của eo biển Singapore. Những đường biên giới “nhân tạo” được xác lập có ý nghĩa cho cả hai quốc gia liên quan, nhưng cũng có thể đưa đến một thông điệp rõ ràng.

Đó là việc phân định đường biên giới biển thông qua các con đường đàm phán vẫn đang là một cách thức để giải quyết các vùng lãnh hải tranh chấp một cách êm thấm và hòa bình.

“Cầu nối ngoại giao”

Người ta không quên vai trò “cầu nối ngoại giao” ở Biển Đông của Indonesia từ những năm 1990 mà nổi bật nhất là các sáng kiến xây dựng lòng tin bằng chuỗi hội thảo về quản lý xung đột tiềm tàng ở Biển Đông.

Người khởi xướng sáng kiến này là nhà ngoại giao kỳ cựu Hasjim Djalal với sự dẫn dắt ban đầu của bộ trưởng ngoại giao Indonesia lúc bấy giờ.

Gần đây nhất, năm 2012, tại Campuchia, sau khi ASEAN thất bại để tiến tới một tuyên bố chung tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN liên quan đến vấn đề Biển Đông, vai trò con thoi của lãnh đạo ngoại giao Indonesia lại được thể hiện và chứng minh lần nữa.

TRẦN THẮNG (Từ Singapore)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp