08/12/2013 08:46 GMT+7

Bài học từ "sân chơi" PISA

H.HƯƠNG - VĨNH HÀ - NGỌC HÀ ghi
H.HƯƠNG - VĨNH HÀ - NGỌC HÀ ghi

TT - Hai luồng dư luận cực đoan nảy sinh khi VN đạt thứ hạng khá cao trong Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) 2012: ca tụng thái quá, bay bổng với việc học sinh VN giỏi hơn Anh, Mỹ... và ngược lại nghi ngờ, phủ nhận PISA.

Tuổi Trẻ lược ghi ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo và học sinh về những vấn đề đặt ra với giáo dục VN sau sự kiện này.

* TS NGUYỄN TÙNG LÂM(chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội):

Quan trọng là động cơ học tập

fIcxIKlj.jpg
Ảnh: Nguyễn Khánh
Tôi nghĩ PISA đặt ra một thang đo bao gồm những yêu cầu mà học sinh 15 tuổi trên thế giới cần đạt được. Trên một thang đo chung như thế, chúng ta cũng có quyền yên tâm một phần vì học sinh VN không quá kém ở khía cạnh kiến thức, năng lực nhất định. Nhưng chúng ta cần tỉnh táo để biết PISA không kiểm tra được năng lực toàn diện của học sinh, những năng lực mà học sinh 15 tuổi cần được hình thành để tiếp tục phát triển ở những bậc học sau, để học sinh có thể dần dần hình thành khả năng làm việc, chung sống tốt trong xã hội hiện đại.

Nhìn vào yêu cầu thực tế và thực trạng học sinh VN, tôi cho rằng cái yếu nhất cần phải quan tâm, cần có sự định hướng đối với học sinh phổ thông hiện nay là năng lực tự học, là động cơ học tập. Nói một cách khác là trả lời câu hỏi: Học để làm gì? Học như thế nào?

Ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có những nước có kết quả đánh giá PISA thấp hơn ta, nền giáo dục phổ thông dù không bắt học sinh học quá nặng nhưng khiến học sinh rèn luyện được ý thức tự lập, tự học, chủ động và hợp tác trong việc chiếm lĩnh kiến thức, sáng tạo trong việc vận dụng kiến thức vào thực tế. Điều đó có thể lý giải cho việc có những quốc gia không đỗ đạt cao trong các kỳ thi quốc tế hoặc trong kiểm định quốc tế nhưng người học đáp ứng tốt hơn yêu cầu về nhân lực và làm chủ cuộc sống của mình.

* Ông CAO HUY THẢO (hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt Úc - SIC):

Trao “chìa khóa” cho học sinh

Xl2E0sh6.jpg
Ảnh: Như Hùng
Trong bối cảnh hiện nay, giới trẻ phải thích nghi được với thế giới bên ngoài. Như vậy, chương trình giáo dục phải trao cho các em “chìa khóa” để mở cửa vào thế giới ấy. Từ kinh nghiệm nhiều năm dạy học và những năm gần đây làm việc ở trường quốc tế, theo tôi, “chìa khóa” tức là trang bị cho học sinh những kỹ năng, kiến thức như sau: trước hết là công nghệ thông tin, sau đó là ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Vì bây giờ việc giao tiếp giữa con người với con người không chỉ bó hẹp trong một địa phương mà có thể mở rộng ra toàn thế giới. Giáo dục quốc tế có khái niệm công dân toàn cầu cũng vì lý do này. Ngoại ngữ chính là cầu nối để công dân các nước có thể hiểu và làm việc được với nhau. Tiếp đó mới đến kiến thức chuyên ngành và khả năng thích nghi với bất cứ nền văn hóa nào của con người. Cuối cùng là một số kỹ năng mềm như tư duy độc lập, khả năng thuyết trình, phản biện, làm việc nhóm...

Tóm lại, giáo dục phổ thông nên xoáy sâu vào những yếu tố trên để đào tạo ra những con người có thể hội nhập tốt với thế giới. Xã hội ngày càng hiện đại, kiến thức khoa học rất rộng lớn, con người không thể nắm hết, nhớ hết được (khi cần thì người ta cứ tra Google là ra). Do vậy, tôi nghĩ rằng đối với bậc phổ thông, môn học càng ít thì càng phục vụ việc đào tạo chuyên sâu, định hướng nghề nghiệp (tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới, nhà trường định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ thời phổ thông chứ không như ở ta) và đỡ quá tải cho học sinh.

Học sinh trung học chỉ nên học 6-8 môn

8eMZwlX8.jpg
Ảnh: H.Hương
Đó là quan điểm của TS Huỳnh Công Minh, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM. Ông Minh nói: “Chúng ta nên tính toán lại chương trình và cấu trúc các môn học để thầy trò có thời gian dạy và học tốt. Dạy tốt là giáo viên quan sát được diễn biến của từng học sinh trong quá trình dạy học để giúp đỡ, hướng dẫn các em học tập, dạy cách học cho học sinh; không phải chạy đua theo giáo trình để khỏi cháy giáo án. Học tốt là học sinh chủ động học tập có phương pháp, có thời gian thực hành, nghiên cứu, trải nghiệm, không phải thuộc lòng máy móc, thụ động, đối phó ảnh hưởng cả thời gian ăn, ngủ, thể dục thể thao”.

* Theo ông, đối với bậc trung học ở ta, học sinh học bao nhiêu môn là vừa? Đó là những môn nào?

- Kinh nghiệm chương trình trung học các nước thường thực hiện 6, 8 hay 10 môn, tùy lớp học, theo định hướng đại cương ở lớp nhỏ và chuyên sâu phân luồng ở lớp lớn. Bên cạnh số môn, nội dung của mỗi môn được đề cập ở mức độ nào trong chương trình cũng là điều rất quan trọng, cần phải có sự chọn lọc để xác định giới hạn phù hợp. Theo tôi, học sinh trung học phải học tập trung các môn tiếng Việt, toán, tin học và ngoại ngữ, hai môn khoa học là tự nhiên và xã hội, còn lại là môn năng khiếu do học sinh tự chọn về các lĩnh vực hoạt động xã hội. Tổng số môn học sinh trung học phải học có thể từ 6-8 môn (hiện tại là 12 môn - PV).

* Trong thời kỳ mở cửa, hội nhập như hiện nay, học sinh VN cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng gì để có thể trở thành người sống có ích sau khi tốt nghiệp THPT?

- Về năng lực, chúng ta cần chú ý nâng cao hơn nữa cho học sinh về tin học, ngoại ngữ và phương pháp tự học, tự nghiên cứu để các em có thể tiếp tục học tập thành công. Về cuộc sống bản thân, chúng ta phải chuẩn bị cho học sinh một cách tích cực về kỹ năng sống trong xã hội hoạt động theo cơ chế thị trường. Các em phải biết được mặt tích cực và không tích cực của cơ chế thị trường để làm chủ, tự tin phát huy mặt tích cực và không để mất mình bởi mặt trái của cơ chế.

Về giáo dục kỹ năng, trước hết chúng ta phải giúp học sinh hình thành nhân cách con người có tâm, có trách nhiệm. Trên cơ sở ấy mà các em hình thành kỹ năng, khác với việc dạy cho con người mới về kỹ năng hình thức để đối phó với cuộc sống.

* Để học tập đạt hiệu quả cao và trở thành người thành đạt, học sinh trung học thời nay cần phải làm gì, thưa ông?

- Xã hội nước ta đang trong quá trình phát triển. Trong xã hội phát triển, giá trị thật về tài năng và đức độ sẽ được tôn trọng thật sự. Học sinh trung học hôm nay cần phải học tập và rèn luyện thực chất để được trọng dụng trong xã hội ấy. Các em phải tự xây dựng cho mình kế hoạch học tập tốt, phải chọn cho mình phương pháp học tập phù hợp để có năng lực thật, khác với những thủ thuật mánh lới; đồng thời phải có lòng tự trọng, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Sự dựa dẫm chỉ là nhất thời, năng lực thực chất mới là vĩnh cửu.

* PHẠM TUẤN HUY(lớp 12 toán Trường phổ thông Năng khiếu - ĐH Quốc gia TP.HCM, HCV toán quốc tế 2013):

Học vì tò mò

5gh3D6iG.jpg
Ảnh: H.Hương
Không chỉ nổi tiếng bởi thành tích đoạt huy chương vàng kỳ thi học sinh giỏi toán quốc tế năm 2013, Phạm Tuấn Huy còn khiến nhiều học sinh Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) thán phục vì khả năng học tất cả các môn đều giỏi. Trao đổi về bí quyết học tập, Huy cho biết:

- Mục tiêu của việc học là để thu nhận thêm kiến thức chứ không phải học vì thành tích. Đối với tôi, học vì tò mò nên có hứng thú để học. Không phải sự tò mò nào cũng xuất phát từ đam mê, mà tôi tò mò vì những điều mới lạ, vì nhu cầu bản thân muốn tìm hiểu sâu hơn. Ví dụ: một số bạn ngán học môn sử, môn địa nhưng tôi lại đặt bài học trong mối liên quan đến cuộc sống hiện tại của mình nên thấy các môn này rất thú vị. Tôi thích môn toán nhất, nhưng tôi đến với các môn khoa học xã hội với tâm thế là người tìm hiểu về nó chứ không phải học thuộc lòng để lấy điểm.

Không biết các bạn khác ra sao nhưng riêng tôi, tôi rất ghét học theo kiểu nghĩa vụ, tự gò bó mình trong học tập. Nếu cảm thấy mệt và không hứng thú, tôi sẽ ngủ hoặc chơi đàn chứ không ngồi vào bàn học. Ngoài giờ học, tôi cũng có nhiều thú vui như các bạn đồng trang lứa, cũng thường xuyên lên mạng xem tin tức, cũng mê xem tivi...

* CHU HÀ THANH(cựu sinh viên Trường ĐH Lao động xã hội):

Thừa và thiếu

yupXGKNq.jpg
Ảnh nhân vật cung cấp
Khi còn là học sinh phổ thông, tôi cũng như nhiều bạn khác phải lao vào học để thi. Vì theo người lớn chỉ bảo phải thi đỗ, phải có bằng cấp thì mới có việc làm. Rồi vào đại học, tình trạng này cũng như vậy. Chỉ tới khi tốt nghiệp đại học, bước vào cuộc sống thật sự, môi trường làm việc thật sự, tôi mới thấy nhìn lại con đường học hành cái thì thừa, cái thì thiếu.

Có những môn học ở trường ĐH đến bây giờ tôi vẫn không hiểu học để làm gì vì tôi không sử dụng được gì từ môn học đó. Trong khi có nhiều thứ tôi cần và không còn cách nào khác phải tự học. Có những cái đơn giản như quản lý thời gian như thế nào, tổ chức công việc của cá nhân mình thế nào để hiệu quả và đỡ tốn sức. Tôi đang làm việc tại một ngân hàng, tôi phải học cả cách xử lý những tình huống cụ thể với khách hàng, làm cách nào để thuyết phục khách hàng của mình...

Theo tôi, ngay từ khi học phổ thông, học sinh cần được trang bị, được tư vấn cách tự học, cách vượt qua khó khăn trong công việc, cách hợp tác với bạn học (sau này là cộng sự) để làm tốt nhất công việc...

PGS VĂN NHƯ CƯƠNG:

Máy móc, thiếu kiến thức thực tế

Học sinh VN cực kỳ yếu về tư duy vận dụng thực tế. Bài toán giải được trên giấy ra đáp số đúng lại không hẳn là kết quả có thể vận dụng trong tính toán thực tiễn. Chẳng hạn một bài toán đòi hỏi học sinh tính số viên gạch phải mua khi muốn lát một diện tích sàn với thông số cụ thể chiều dài, chiều rộng khi áp công thức sẽ khiến đa số học sinh VN chọn đáp án 19,5 viên gạch. Trong khi thực tế không ai mua 19,5 viên và cũng chẳng ai xẻ gạch ra để bán lẻ 19,5 viên gạch cả. Nên dù được điểm PISA cao, nhưng học sinh VN vẫn máy móc, thiếu những kiến thức thực tế. Điều này không chỉ đòi hỏi tư duy của các em phải thay đổi, mà cần thiết thay đổi chính cách dạy - cách học gạo trong nhà trường hiện nay.

H.HƯƠNG - VĨNH HÀ - NGỌC HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp