Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, từ chỗ năm 2015 phát hiện 2,53% mẫu thịt tươi có salbutamol thì năm 2016 đã giảm gần một nửa, còn 1,27%.
Trong đó những tháng cuối năm không phát hiện trường hợp nào.
Không chỉ số liệu của cơ quan quản lý, hai kỳ họp Quốc hội gần đây salbutamol cũng không còn là từ khóa khi thảo luận.
Trong khi không lâu trước đó, salbutamol từng làm nóng phiên thảo luận về kinh tế - xã hội kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XIII (tháng 11-2015) với hàng chục ý kiến của đại biểu.
Không có phép mầu nào mà chỉ có sự nghiêm khắc để có kết quả này. Từ chỗ chỉ phạt mức 15-20 triệu đồng/hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm, cơ quan chức năng đã tăng mức xử phạt bổ sung lên tới 100-200 triệu, thậm chí nếu có tình tiết tăng nặng phạt tới 1 tỉ đồng.
Tiếp đó, dù chưa được thi hành nhưng việc dự thảo Bộ luật hình sự 2015 nâng mức xử phạt tối đa đến 20 năm tù cho hành vi này đã có tác dụng răn đe mạnh mẽ.
Dù vậy, người dân bất an khi thịt bẩn vẫn tuồn vào chợ, bếp ăn, hàng quán mỗi ngày.
Vì sao? Vì hầu hết các vụ vận chuyển thịt bẩn chỉ bị xử phạt hành chính mà không xử hình sự được vì không tìm được chủ hàng, vì luật yêu cầu phải chứng minh được thiệt hại cụ thể...
Tình hình còn khó khăn hơn khi Luật thú y có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 đã bỏ quy định kiểm dịch vận chuyển nội tỉnh.
Theo ông Huỳnh Tấn Phát - phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, quy định này sẽ dẫn đến việc động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh sẽ không được kiểm soát khi đến TP.HCM và các đô thị lớn.
Cùng nằm trong điều chỉnh của một hệ thống văn bản pháp luật, cơ quan quản lý nhưng vì sao kết quả của hai sự việc đang đe dọa đến sự an toàn của bữa ăn mỗi ngày, đến sức khỏe giống nòi lại khác nhau đến vậy?
Câu trả lời nằm ở các cơ quan được giao “thanh kiếm lệnh” về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhưng rõ ràng bài học từ việc ngăn chặn chất cấm trong chăn nuôi đã minh chứng để có bữa ăn sạch cho người dân không phải là chuyện không làm được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận